Đồ chơi bạo lực: SOS!

27/08/2012 15:58

(Baonghean) Dễ nhận thấy nhất là đồ chơi dành cho trẻ em hiện nay đã không còn những con quay, ô ăn quan, bắn bi, thẻ chuyền… mà thay vào đó là đủ các loại nhuốm mùi bạo lực như súng, kiếm, dao găm, hoặc những loại đồ chơi sao chép lại từ các bộ phim kinh dị. Cứ vào các dịp Tết, Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi… các loại đồ chơi độc hại này lại tràn ngập các cửa hàng đồ chơi, làm vẩn đục tâm hồn của trẻ.

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 vụ vận chuyển đồ chơi trái phép, tịch thu 430 khẩu súng bắn đạn nhựa các loại (tiểu liên, súng ngắn-có thể gây thương tích ở cự ly gần).

Còn năm 2011, Chi cục QLTT đã bắt giữ, xử lý, tiêu huỷ nhiều vụ buôn bán đồ chơi trẻ em nhập lậu, không đạt chuẩn, không có dấu CR với 409 ôtô, 3.410 búp bê sexy, 1950 bóng cao su có gai. Đặc biệt, có 1.152 lọ nước thổi bong bóng sản xuất tại Trung Quốc, là loại nước chứa nhiều hoá chất gây nguy hiểm tới đường hô hấp, có thể dẫn đến viêm da nếu chẳng may dính vào tay chân, nhất là đối với trẻ có cơ địa dị ứng. Trong đợt truy quét đồ chơi dịp Trung thu 2011, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP. Vinh đã kiểm tra 3 ki-ốt kinh doanh tại khu vực chợ Vinh, phát hiện và thu giữ 961 khẩu súng, kiếm và 1.200 viên đạn nhựa.

Ông Trần Văn Diên, Trưởng phòng Kế hoạch-tổng hợp (Chi cục QLTT Nghệ An) khẳng định: “Số lượng đồ chơi nhập lậu mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Ngay tại các cửa hàng bán đồ chơi, họ cũng chỉ trưng bày một số ít, còn các kho hàng lớn thường được giấu kín, rất khó phát hiện”. Ông Diên cho biết thêm: “Hầu hết đồ chơi trẻ em hiện nay là hàng nhập lậu, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, 100% vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa…".



Những quầy hàng đồ chơi di động còn ẩn giấu rất nhiều đồ chơi bạo lực theo kiểu “cần là có”.

Trong vai người đi tìm nguồn hàng đồ chơi về bán tại các huyện trong dịp Trung thu, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại chợ Vinh là chợ đầu mối bán sỉ đồ chơi lớn nhất của tỉnh. Khu vực tầng một của chợ có chừng trên 10 gian hàng bán đồ chơi, nằm rải rác giữa những gian hàng khác. Đồ chơi bày bên ngoài đều là những thứ rất lành mạnh như tàu hoả chạy pin, ôtô điều khiển, búp bê…Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi anh Ng. chủ cửa hàng Yến Ng. có súng nhựa, kiếm không, Ng. tỏ vẻ dò xét “Mua cho ai, súng phun lửa hay súng bắn đạn?”. “Muốn mua nhiều hàng để về cho vợ bán ở huyện đợt Trung thu”. Nghe vậy, anh này thay đổi thái độ, nhanh chóng đi vào trong, đưa ra một lô đủ các loại súng ấn tượng, từ súng colt, K54 đến súng trường, súng máy, lựu đạn. Đặc biệt, có khẩu nhìn y hệt AK47 với đầy đủ vỏ bọc bằng kim loại, gồm cò súng, nòng súng, khe ngắm, có cả băng đạn 30 viên vàng choé, bắn xa cả trăm mét. Về giá cả, súng ngắn bắn đạn nhựa có giá từ 50.000-200.000 đồng/khẩu. Đó là chưa kể tiền mua thêm lưỡi lê phát sáng gắn vào đầu súng, pin, đạn nhựa, đạn bằng bi sắt...

Không chỉ ở chợ Vinh, hiện nay, tại rất nhiều cửa hàng dọc đường Đặng Thái Thân, Nguyễn Văn Cừ, các điểm vui chơi, giải trí của Thành phố Vinh như trước Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên trung tâm, Nhà văn hóa Lao động... không khó để mua đồ chơi bạo lực cho con trẻ. Ngay tại hầu khắp các khu chợ trong địa bàn thành phố, mua 1 khẩu súng có tia laser, thanh kiếm… cũng rất đơn giản. Từ chợ Vinh đầu mối, hay trực tiếp từ các nguồn hàng nhập lậu, đội ngũ bán dạo đã rất đắc lực trong việc tiêm nhiễm văn hoá bạo lực cho giới trẻ và các em nhỏ.

Chính việc tiếp xúc với các loại đồ chơi bạo lực đã là mầm mống cho tính hung hãn ở trẻ em. Nhiều trường hợp được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện vì đồ chơi đã nói lên điều đó. Gần đây nhất, tháng 5/2012, một học sinh lớp 3 Trường Hưng Dũng đã bị bạn dùng súng nhựa bắn vào mắt làm thủng giác mạc, đứt tuyến lệ phải đưa ra Hà Nội cấp cứu.

Theo một bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, việc trẻ em thích chơi đồ chơi mang tính bạo lực có thể làm tâm lý trẻ biến đổi phức tạp, hoang tưởng, nghĩ mình là những nhân vật trong games và dễ hình thành tính cách hung bạo ở trẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Diên- Trưởng phòng Kế hoach-tổng hợp (Chi cục QLTT Nghệ An) cho biết: Việc đồ chơi bạo lực (chủ yếu là hàng Trung Quốc) xuất hiện tại thị trường là bởi “có cầu thì ắt có cung”. Nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng mua đồ chơi độc hại để chiều con. Có gia đình thấy con nghiện chơi game nên mua súng, kiếm về cho con chơi để bỏ game, ai ngờ lại nghiện luôn cả 2 thứ. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT thì “quá mỏng”. Hiện tại QLTT tỉnh có chưa đầy 100 CBNV rải cho 7 đội liên huyện toàn tỉnh mà nhiệm vụ thì không chỉ dừng lại ở kiểm tra đồ chơi bạo lực, chúng tôi còn phải chống buôn lậu, hàng giả và các nhiệm vụ đột xuất khác”. Ông Diên cho biết thêm: “Năm nào, khi dịp Tết Trung thu đến gần, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra quyết liệt các cửa hàng bày bán các loại đồ chơi trẻ em, đặc biệt là các cửa hàng có dấu hiệu bày bán các loại súng đạn nhựa, súng lửa gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên chỉ như muối bỏ biển.

Đồ chơi bạo lực, dù được sản xuất dưới hình thức nào cũng là điều đáng lo ngại. Nhân cách suy giảm và bạo lực học đường gia tăng một phần có nguyên nhân từ đó. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần nỗ lực trong công tác kiểm tra, xử lý việc buôn bán mặt hàng này. Cùng với đó, các bậc phụ huynh không nên chiều con bằng những “khẩu súng, viên đạn”, dù vẫn biết đó chỉ là đồ chơi bằng nhựa, vì hậu quả chúng mang lại thật khó lường.

Từ ngày 15/4/2010, Thông tư số 18/2009/ TT- BKHCN do Bộ KH&CN ban hành về việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em- QCVN 3: 2009/BKHCN có hiệu lực. Theo đó, các loại đồ chơi trẻ em đều phải được kiểm soát chất lượng và có dấu hợp quy (tem CR), doanh nghiệp chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em khi có dán tem chất lượng của Bộ KH&CN, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sẽ phải kiểm tra các chất ô nhiễm, độ pH, dung dịch, formaldehyde trong các vật liệu bằng gỗ, vải, nhựa... Những loại đồ chơi trẻ em không có tem CR sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng.


Trần Hải

Mới nhất
x
Đồ chơi bạo lực: SOS!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO