Đồ chơi bạo lực xuất xứ Trung Quốc tràn ngập thị trường
90% số đồ chơi được bán trên thị trường Hà Nội đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, không ít cửa hàng vẫn ngang nhiên bày bán đồ chơi bạo lực, dù rằng, đây được liệt vào mặt hàng cấm buôn bán.
Súng đồ chơi được bày bán, có xuất xứ Trung Quốc.
Giá rẻ nên cứ nổi trôi
Đó là nhận định của nhiều chủ cửa hàng đồ chơi được PV ghi lại. Trên phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) có dãy dài cửa hàng đồ chơi, trong đó, hơn 90% sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. “Cửa hàng chỉ duy có chiếc bút phát sáng do Việt Nam sản xuất, còn lại là của Trung Quốc cả” - một chủ hàng bán đồ chơi đối diện cổng trường Đặng Trần Côn A cho biết. Phổ biến nhất tại cửa hàng là các loại đồ chơi như rô bốt, trò chơi xếp hình, lắp ghép, búp bê... trông khá bắt mắt và đều dán nhãn “made in China”.
Theo các chủ hàng, việc nhập đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc có lý do khá đơn giản: Giá rẻ, mẫu phẩm phong phú, phù hợp với tâm lý của trẻ cũng như túi tiền của phần đông phụ huynh. “Sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc luôn rẻ hơn của Việt Nam, đồng thời sản phẩm lại đa dạng, nên được nhiều khách nhí lựa chọn” - chị Nguyễn Thị Oanh, một chủ hàng bán đồ chơi trên phố này cho hay.
Tình trạng trên cũng diễn ra tại những khu vực bán đồ chơi khác ở Hà Nội như các phố Hàng Mã, Hàng Lược... Nhiều chủ hàng thừa nhận, do có ưu thế nổi trội và giá cạnh tranh, nên hàng có xuất xứ từ Trung Quốc luôn chiếm lĩnh phần lớn thị trường đồ chơi hiện nay.
Tiềm ẩn tai nạn, nhưng quản lý vẫn buông lỏng
Thực tế, việc kinh doanh đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, nếu không được sự quản lý chặt chẽ. Chỉ cần có vài chục ngàn đồng, khách “nhí” có thể mua được khẩu súng bắn đạn nhựa để chơi, hay các loại súng điện tử, gươm, đao... Vào dịp lễ, tết, các mặt hàng càng bày bán phổ biến, trong đó, hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các loại súng bắn đạn nhựa có đủ loại, kích cỡ, từ súng ngắn đến súng trường, có ống ngắm hồng ngoại, hình thức như súng, được bán với giá 150.000 - 400.000 đồng/khẩu. Các loại súng này có lực bắn rất mạnh, nếu bắn vào người ở cự ly gần có thể gây thương tích.
Trong khi tại TP, việc bày bán các mặt hàng đồ chơi còn được quản lý phần nào, thì ngược lại, tại nhiều vùng quê, tình trạng này gần như bị thả nổi. Điển hình như tại các chợ quê, các gian hàng bày bán đồ chơi ở khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn nhan nhản các loại hàng cấm này. “Ôi dào, đồ chơi, chứ có thật đâu mà các anh lo. Tôi cũng chưa thấy ai bị làm sao vì mấy đồ này cả” - một chủ hàng bán đồ chơi tại phố Tía (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho hay.
Tết Trung thu - mùa đồ chơi bán chạy - đang cận kề. Dịp này, liệu các cơ quan chức năng có lưu tâm ra quân nghiêm khắc xử lý việc kinh doanh các mặt hàng đồ chơi bạo lực?
Theo Lao động