Đô Lương: Chấp hành nghiêm lịch thời vụ

08/01/2014 14:44

(Baonghean) - Để có một vụ sản xuất thành công, ngoài đầu tư về vật tư phân bón, công chăm sóc còn phụ thuộc vào trình độ thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật. Ngoài ra việc chấp hành nghiêm lịch thời vụ nhằm né tránh tác động của thiên tai. Củng là yếu tố rất quan trọng nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong sản xuất.

Trở lại huyện Đô Lương vào ngày đầu tiên của tháng Chạp, đồng ruộng vẫn còn yên ắng, khắp các xã Nhân Sơn, Lạc Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn, Đặng Sơn, Trù Sơn… chưa hề thấy bóng dáng của những ruộng mạ gieo sớm như một số địa phương khác. Lịch thời vụ sản xuất được UBND và ngành Nông nghiệp huyện chỉ đạo nghiêm ngặt, cùng với ý thức cao của bà con trên toàn huyện, các địa phương hoàn toàn tự tin vào sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng cho sản xuất vụ xuân 2014 thành công. Gia đình ông Đặng Hữu Tú ở xóm 4, xã Thuận Sơn rất phấn khởi vì xã vừa hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, trước đây nhà ông có 6 thửa ruộng, nay chỉ còn 2 thửa, tất cả thành viên trong nhà đang tích cực chỉnh trang lại ruộng, đắp bờ vùng bờ thửa chắc chắn.

Hiện 2 thửa ruộng đã được cày ải đất, chuẩn bị đầy đủ 10 kg giống, 6 kg ni lông phủ mạ, đợi đến ngày 10/1 (đúng theo lịch thời vụ của huyện) mới bắt đầu gieo mạ. Đối với sản xuất vụ xuân, năm nào gia đình ông Tú cũng phủ ni lông đảm bảo chống rét cho mạ. Ông Tú chia sẻ: “Đối với giống lúa lai, trước khi gieo tôi thường rửa sạch hạt giống mới đem vào ngâm 24 giờ, mỗi ngày thay nước 2 lần, sau đó đổ ra cho ráo nước, đem vào ủ trong đống rơm rạ, có năm trời rét quá phải đào ủ dưới đất, tấp thêm mùn cưa để đảm bảo độ ấm cho hạt giống nảy mầm. Sau khi ủ giống 2 ngày mới đưa ra ruộng gieo, nếu thời tiết thuận lợi thì sau 12 ngày là cấy được, còn trời lạnh phải 20 – 25 ngày mới cấy được. Hàng năm, nhà tôi cũng như tất cả bà con trong xã đều chấp hành nghiêm lịch thời vụ sản xuất của huyện cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất, nhờ đó chất lượng nguồn giống và năng suất thu hoạch luôn đảm bảo”.

Gieo mạ ở Hòa Sơn - Đô Lương.
Gieo mạ ở Hòa Sơn - Đô Lương.

Đến thời điểm này xã Thuận Sơn đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, giao đất đến tận hộ, mỗi hộ chỉ còn 1- 2 thửa thuận lợi cho sản xuất. Nhân dân địa phương tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông sông tại trạm bơm 1, khối lượng nạo vét khoảng 12.000 m3. Các ngành hàng đã chuẩn bị khoảng 4,5 tấn lúa lai cung ứng cho bà con, toàn bộ diện tích trồng lúa 154 ha được bắc mạ cấy 100%, diện tích mạ phủ ni lông 100%, tuyệt đối không gieo thẳng. Thuận lợi của xã Thuận Sơn là trình độ thâm canh của nhân dân khá đồng đều, thực hiện theo các quy trình khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ý thức tự giác cao, tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ của huyện, đúng ngày 11/1 toàn dân bắt đầu bắc mạ, đến ngày mồng 4 Tết (âm lịch) xuống đồng cấy đại trà, phấn đấu năng suất lúa vụ xuân đạt bình quân từ 3,2 – 3,5 tạ/sào. Người dân Thuận Sơn luôn cẩn thận từ khâu chăm sóc mạ, thường xuyên bám ruộng đồng theo dõi sát quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa cũng như các cây trồng khác, kịp thời phát hiện phòng trừ sâu bệnh để mùa vụ được an toàn, đảm bảo năng suất, sản lượng thu hoạch.

Tại xã Nhân Sơn, công tác cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh, đến thời điểm này hầu hết diện tích đất lúa đã làm bằng máy, các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất được nông dân đầu tư mạnh như máy cấy đa chức năng, máy tuốt lúa. Ông Hà Văn Vinh – Trưởng Ban Nông nghiệp xã Nhân Sơn cho biết: Năm 2014, lập xuân vào ngày mồng 5 Tết Giáp Ngọ, trên cơ sở đó, xã bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trổ gặp thời tiết thích hợp, tránh rét muộn khi lúa trổ. Vụ xuân 2014, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng 347 ha, trong đó 277 ha lúa, 53 ha lạc, 7 ha vừng, 17,6 ha rau đậu các loại…

Rút kinh nghiệm của năm trước, năm nay UBND xã chỉ đạo bà con chấp hành nghiêm lịch thời vụ của huyện. Với khoảng 70 ha vùng chạy lụt, hốc chọ, bà con đã tiến hành gieo mạ vào ngày 26 – 28/12/2013, dự kiến cấy vào ngày 16/1/2014. Riêng đối với vùng này do điều kiện chạy lụt tiểu mãn nên bà con phải xuống giống sớm hơn nhằm tránh lụt vì các hốc chọ chân đất sâu và trong năm cũng chỉ sản xuất được duy nhất vụ xuân. Còn đối với diện tích chính được tập trung gieo mạ vào ngày 6/1, nhân dân chủ động bắc mạ phủ ni lông để cấy. Những năm gần đây nhân dân địa phương ý thức cao trong việc phủ ni lông chống rét cho mạ, đảm bảo nguồn giống cấy, có những lúc HTX chưa kịp lấy ni lông về, bà con đã đi mua ngoài để kịp thời phủ mạ.

Ghi nhận ở xã Nhân Sơn, bà con tập trung thâm canh ngay từ khâu gieo mạ, mạ xuân được gieo thưa, bón phân chuồng hoai mục, phân lân. Bón phân cân đối, bón lót sâu với phương châm bón sớm, bón tập trung, “nặng đầu nhẹ cuối” để lúa sinh trưởng sớm, đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh. Đồng thời, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như SRI “ba giảm, ba tăng”; áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM… để tạo quần thể ruộng lúa khỏe, sạch sâu bệnh, cho năng suất cao.

Ông Hà Văn Vinh cũng là người tiên phong áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) cho 4 sào lúa của nhà mình, ông vui vẻ trao đổi: Tôi thực hiện cấy thưa, cấy mạ non 1 dảnh/khóm, với 0,7kg giống/sào, giảm được 50% lượng giống, cấy thưa đỡ sâu bệnh vì có độ thoáng, cây khỏe; đồng thời giảm 20% lượng đạm urê. Bón thúc để lúa đẻ nhánh sớm, khi lúa đẻ nhánh cấp 1, cấp 2, tiến hành rút nước cạn, phơi cho đến lúc ruộng rạn chân chim lúc đó mới điều tiết nước vào. Lý giải điều này, ông Vinh cho rằng nước ở trong chân ruộng thường xuyên cũng không tốt vì đất thiếu ôxy, các vi sinh vật có hại sẽ phát sinh nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa. Gia đình đã áp dụng kỹ thuật sản xuất SRI trong 2 năm qua và cho thấy hiệu quả vượt trội, hạn chế được sâu bệnh, mặc dù có 2 sào sản xuất ở vùng hốc chọ nhưng năng suất thu hoạch bình quân đạt 4,5 tạ/sào.

Cũng như các xã trên, bà con nông dân xã Trù Sơn nghiêm túc chấp hành lịch thời vụ, đảm bảo các yêu cầu về giống, vật tư phân bón cũng như kỹ thuật sản xuất. Ông Chu Quang Thông – Trưởng Ban Nông nghiệp xã cho hay: Vụ xuân 2014, toàn xã Trù Sơn sản xuất 335 ha lúa, 202 ha lạc, 35 ha ngô… Từ ngày 10 – 15/1, nhân dân bắt đầu xuống giống đại trà theo lịch của huyện. Ban Nông nghiệp xã cùng với ban cán sự các xóm thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc tình hình sản xuất của bà con nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong vụ xuân 2014.

Vụ xuân 2014, toàn huyện Đô Lương sản xuất 7.500 ha lúa, 1.252 ha lạc, 760 ha ngô, 543 ha rau các loại, hơn 123 ha đậu các loại…Xác định tình hình thời tiết vụ xuân có nhiều đợt rét đậm, rét hại cục bộ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, đặc biệt là trong thời kỳ gieo hạt. Do vậy, UBND huyện Đô Lương tăng cường chỉ đạo các xã, nhân dân toàn huyện chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ sản xuất, khuyến cáo bà con không nên gieo cấy sớm trong những ngày rét đậm, khi nhiệt độ dưới 160C thì không được gieo cấy, nhằm đảm bảo an toàn cho mạ phát triển. Từng địa phương xác định lịch thời vụ cụ thể của xã trong khung thời vụ của huyện đối với từng loại giống, với phương châm mỗi xã chọn 3- 4 giống, trên cùng một cánh đồng chọn 1- 2 giống cùng thời gian sinh trưởng để tập trung quản lý dịch bệnh. Riêng cánh đồng mẫu lớn chỉ gieo cấy duy nhất một loại giống. Bà con các địa phương tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh hợp lý nhằm đạt năng suất, sản lượng thu hoạch cao như mục tiêu đề ra.

Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Đô Lương: Chấp hành nghiêm lịch thời vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO