Dỡ rào cản thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

17/06/2015 15:41

Với những lợi thế về cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Tràng An hay mới nhất là hang Sơn Đoòng, Việt Nam luôn là sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch quốc tế.

.
.

Tuy nhiên, trong 11 tháng trở lại đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm, thậm chí bốn tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là các tác động bên ngoài và cơ chế quản lý tồn đọng nhiều bất cập.

Đứng trước những thách thức lớn, ngành du lịch cần một sự bứt phá mới để thúc đẩy tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Rào cản về thị thực

Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của khách quốc tế đến Việt Nam là thủ tục cấp thị thực. Việc cấp thị thực chính là cửa ngõ để khách quốc tế đến với Việt Nam, song việc ban hành luật xuất nhập cảnh về chế độ thị thực mới, bỏ transit, siết lại du lịch tàu biển đã làm khó cho các doanh nghiệp và khách du lịch.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình cho hay miễn thị thực đã được thế giới khẳng định là giải pháp hàng đầu để thu hút khách. Trong khi các nước trong khu vực và thế giới đã cởi mở hơn trong vấn đề thị thực, thì thủ tục cấp thị thực của Việt Nam lại quá rườm rà, phức tạp, khiến cho du lịch Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Trên thế giới hiện có 174/229 nước và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho công dân các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Anh; 173 nước miễn thị thực cho công dân Canada; 172 nước miễn thị thực cho công dân Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Italy, Bồ Đào Nha...

Những hạn chế về thủ tục cấp thị thực của Việt Nam khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận, thu hút khách nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Red Tour, cho rằng Việt Nam đang "đi ngược" với quá trình phát triển du lịch trên thế giới. Trong khi Singapore miễn thị thực cho du khách ở 158 quốc gia, Philippines là 157 quốc gia và Thái Lan là 155 quốc gia, thì Việt Nam lại đứng hàng số 3 từ dưới lên khi chỉ có 16 quốc gia được Việt Nam miễn thị thực.

Ngoài ra, lệ phí thị thực của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Đó là chưa kể các thủ tục làm thị thực của Việt Nam còn rườm rà, có tới hơn 10 văn bản giấy tờ cần xác nhận (photocopy vé máy bay, xác nhận trong nước, xác nhận của hướng dẫn viên).

Ông Phạm Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Viet Excursions, bày tỏ các quy định và hệ thống xử lý thị thực của Việt Nam hiện nay thuộc loại “phức tạp nhất Đông Nam Á”. Điều này đã tạo ra "rào cản" đối với ngành du lịch Việt Nam nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Nhiều quốc gia khác cũng có những yêu cầu thị thực, như Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ, nhưng các nước này đều có một hệ thống xử lý thị thực hiệu quả và thân thiện. Chẳng hạn, khách du lịch đến Lào và Campuchia, chỉ cần đến cửa khẩu thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền mặt hoặc trên trang web để có thị thực, không cần điền đơn hoặc trả lệ phí nhập cảnh trước khi du lịch.

Indonesia thu lệ phí thị thực khi đóng dấu vào hộ chiếu. Myanmar hiện cũng có hệ thống E-visa trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng rất nhanh chóng và dễ dàng.

Miễn thị thực để tạo đột phá

Trước những thách thức này, tại hội nghị "Các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng”, VITA đã đề xuất một số giải pháp cấp bách; trong đó việc miễn thị thực nhập cảnh được xem là giải pháp mấu chốt giúp kích thích thị trường và tháo gỡ khó khăn cho ngành cho hiện tại và tương lai.

Một thực tế đã chứng minh việc mở rộng diện miễn thị thực sẽ mang lại tiềm năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Trong năm 2014, thị trường khách du lịch Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt gần 650.000 lượt sau 10 năm miễn thị thực; thị trường khách Nga đạt gần 365.000 lượt trong năm qua, đạt tốc độ tăng trưởng gần 50%/năm.

Ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận con số tăng trưởng ngoạn mục về lượng khách sau 10 năm áp dụng miễn thị thực cho 16 nước (bao gồm chín nước ASEAN, bốn nước Bắc Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga).

Nhưng theo các chuyên gia, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 8 triệu lượt khách đến Việt Nam sẽ không đạt mức tăng trưởng đột biến, thậm chí sẽ dừng lại ở con số này khi nhiều thị trường khách tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ.

Đại diện của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, ông Vũ Duy Vũ, bày tỏ nhằm tạo không khí thoải mái và mong muốn quay trở lại Việt Nam cho du khách, Chính phủ nên từng bước miễn thị thực cho thị trường khách quốc tế.

Thời gian qua, thủ tục thị thực mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng rất lớn đến du lịch tàu biển. Nếu trước đây khách du lịch bằng tàu biển được xem là khách quá cảnh (chỉ dừng chân ở Việt Nam một ngày) thì nay đều phải khai báo nhập cảnh, với quá nhiều thủ tục, vô hình trung tạo ra tâm lý e ngại đối với du khách. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ tạo điều kiện để thủ tục xuất nhập cảnh được thực hiện đơn giản hơn, từ đó sẽ có nhiều thời gian giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam cho khách du lịch bằng tàu biển.

Ông Vũ Thế Bình khẳng định miễn thị thực là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy du lịch, nhưng chúng ta cũng không nên vội vàng trong vấn đề này. Trước mắt, tiêu chí để chọn nước miễn thị thực phải là những thị trường trọng điểm; thị trường có quan hệ tốt về chính trị, văn hóa với Việt Nam.

Hiệp hội Du lịch đã cân nhắc kỹ và đề nghị với Chính phủ miễn thị thực thêm cho bốn thị trường là Pháp, Đức, Anh và Australia nhằm tạo ra đột phá ở các thị trường này; cho phép triển khai loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế thời gian 120 tiếng.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ miễn lệ phí thị thực cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam trong sáu tháng (từ tháng 7-12/2015).

Theo Dulich.vn

Mới nhất

x
Dỡ rào cản thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO