"Đổ tiền" vào tiểu vùng sông Mekong - Trung Quốc gia tăng "quyền lực mềm"?

21/12/2014 18:46

(Baonghean.vn) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 diễn ra ở Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các quốc gia láng giềng dọc sông Mekong.

Cùng với những khoản đầu tư “mạnh tay” khác của Trung Quốc thời gian gần đây, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược ngoại giao hòa hoãn - chiến lược được Trung Quốc bắt đầu “thử nghiệm” vài tháng trở lại đây sau một năm gây nhiều sóng gió ở khu vực.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng. Ảnh: news.cn
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng. Ảnh: news.cn

Với mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã nhấn mạnh đến yếu tố kết nối hạ tầng và thuận lợi hóa thương mại như là những điều kiện quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong khu vực và hình thành cộng đồng Tiểu vùng sông Mekong trong tương lai. Đáp lại nhu cầu và lời kêu gọi của nước tiểu vùng sông Mekong thuộc khu vực ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhanh chóng có những cam kết mạnh mẽ về tài chính bao gồm 1 tỷ USD cho dự án kết nối cơ sở hạ tầng, 490 triệu USD để xóa đói giảm nghèo và 1,6 tỷ USD dưới dạng khoản vay đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhất trí đầu tư 16,4 triệu USD để nạo vét sông Mekong và ngăn ngừa các thảm họa thiên nhiên. Bên cạnh việc đưa ra các cam kết mạnh mẽ về tài chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không quên nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là “tôn trọng, cam kết đối với hòa bình hữu nghị và ủng hộ hòa bình trong khu vực trên tinh thần láng giềng, hữu nghị”.

Cách ứng xử của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần này cùng với những lời nói “có cánh” về hòa bình và ổn định được cho là tiếp tục khắc họa hình ảnh một Trung Quốc mới, đầy nhiệt thành và sẵn sàng kết bạn – hình ảnh mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng trong những tháng gần đây. Đây cũng là một phần trong chính sách “ngoại giao hòa hõan” đã từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập trong Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 11 vừa qua. Khi đó, ông Tập đã nhấn mạnh tới việc nâng cao “quyền lực mềm”, giới thiệu một hình ảnh Trung Quốc tốt đẹp với thông điệp “Chúng ta ủng hộ việc xây dựng một hình thức quan hệ quốc tế mới, được củng cố bằng hợp tác theo tư duy cùng thắng”.

Chính sách ngoại giao được đánh giá là hòa giải hơn của Trung Quốc đã được thể hiện bằng hàng loạt hành động trong các hội nghị lớn liên tiếp như Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á tại Myanmar, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Australia. Tại đó, Trung Quốc đã thiết lập trạng thái hòa hoãn tạm thời với Nhật Bản, đạt một số thỏa thuận về biến đổi khí hậu và quân sự với Mỹ, hòan thành nhiều hiệp định thương mại. Riêng với khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc tỏ ra khá “hào phóng” khi hứa hẹn khoản vay lên tới 20 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi cam kết khỏan đầu tư riêng cho Myanmar 8 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, viễn thông và tài chính.

Dư luận thế giới đã nhanh chóng nhận ra những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Tờ Wall Street Journal bình luận rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “tạo ra một cơn lốc ngoại giao mới” khi thể hiện trước cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc khá thoải mái tìm kiếm những điểm chung với các quốc gia láng giềng đang cảnh giác với Trung Quốc. Còn bà Merriden Varrall, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney, Australia thì nhận định “Trung Quốc đang thử nghiệm việc sử dụng viện trợ và phát triển như công cụ để đạt được quyền lực mềm”.

“Quyền lực mềm” hiện được xem như một bộ phận cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, và rất nhiều cường quốc trên thế giới đều đang cố gắng để đạt được thứ quyền lực này. Thế nhưng, những bước đi của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á thu hút sự chú ý nhiều hơn của dư luận bởi trong một năm qua, Trung Quốc vẫn bị xem là bên đã gây ra nhiều sóng gió trong khu vực, điển hình nhất là vụ Giàn khoan Hải Dương HD981. Trong các vụ tranh chấp với các quốc gia ở khu vực, Trung Quốc vẫn luôn phô diễn sức mạnh quân sự vượt trội như một cách khẳng định về “quyền lực cứng”.

Bởi vậy, khi Trung Quốc áp dụng những sách lược ngoại giao mới, thể hiện hình ảnh thân thiện hơn với các nước trong khu vực, các nhà phân tích vẫn nhận ra những cử chỉ mềm mỏng trên lĩnh vực kinh tế, thương mại thường đi kèm với lập trường cứng rắn về an ninh và chủ quyền của Trung Quốc. Ví dụ như tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á tại Myanmar, song song với việc đề xuất một hiệp ước hữu nghị với ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn tiếp tục khẳng định sẽ chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông trực tiếp với các nước liên quan.

Mềm mỏng trong cứng rắn, đó là nhận định mà nhiều chuyên gia phân tích khi nói về các động thái của Trung Quốc thời gian gần đây. Những cam kết tài chính hào phóng của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng mới đây là một bước đi nữa trong thái cực “mềm mỏng” của Trung Quốc. Tuy nhiên, để xây dựng thành công hình ảnh một quốc gia “nhiệt thành và sẵn sàng kết bạn”, điều đó còn phụ thuộc vào cách Trung Quốc xử lý thái cực “cứng rắn” trong chính sách ngoại giao của mình, và gốc rễ là cách mà Trung Quốc xử lý các mâu thuẫn với các nước láng giềng.

Thúy Ngọc

Mới nhất
x
"Đổ tiền" vào tiểu vùng sông Mekong - Trung Quốc gia tăng "quyền lực mềm"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO