Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát di tích Kiến trúc cổ ở Nghệ An

13/08/2013 09:36

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bảo tồn Di sản Quốc gia Tokyo, Nhật Bản, ngày 11 và 12/8, đoàn chuyên gia của Nhật Bản do Tiến sĩ Masahiko TOMODA làm trưởng đoàn đã đến Nghệ An để khảo sát, nghiên cứu về một số di tích kiến trúc cổ.

(Baonghean) - Thực hiện chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bảo tồn Di sản Quốc gia Tokyo, Nhật Bản, ngày 11 và 12/8, đoàn chuyên gia của Nhật Bản do Tiến sĩ Masahiko TOMODA làm trưởng đoàn đã đến Nghệ An để khảo sát, nghiên cứu về một số di tích kiến trúc cổ.



Đoàn chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu về gạch Tháp Nhạn.

Trong 2 ngày, đoàn đã có cuộc khảo cứu tại di tích Tháp Nhạn thuộc xã Hồng Long và một số di tích khác. Đặc biệt, đoàn có buổi làm việc tại Bảo tàng Nghệ An. Tại đây, đoàn đã tập trung nghiên cứu về bộ di vật (chủ yếu gạch) khai quật ở di chỉ Tháp Nhạn, sưu tập ngói, gạch cổ phát hiện tại đền vua Hồ và một số hiện vật gốm sứ thời Lý - Trần.

Tháp Nhạn nằm trong địa phận làng Nhạn Tháp, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Đây là di tích đã được Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật vào năm 1985, di vật tìm thấy như hộp xá lị, một số đồ đá, đồ đồng, đồ sứ. Tại di chỉ này đã thu thập được hơn 200 viên gạch các loại có trang trí hoa văn đề tài Phật giáo dùng để xây dựng Tháp Nhạn. Qua nghiên cứu cho thấy, Tháp Nhạn có niên đại vào đầu thế kỷ VII.

Đền vua Hồ thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Năm 1997, trong lúc đào đất, người dân đã phát hiện được một số viên gạch, ngói cổ trang trí hoa văn hình lá đề, rồng mây, rồng chầu mặt nguyệt, hoa văn cánh thị, cánh sen, hoa văn kỹ hà... Qua nghiên cứu thì đây là loại gạch, ngói cổ có niên đại vào cuối nhà Trần đầu nhà Hồ.

Nội dung mà đoàn chuyên gia đặc biệt quan tâm đến là tập trung nghiên cứu về mô hình kiến trúc cổ, vật liệu cổ. Qua đó, góp phần cung cấp thêm các tư liệu để phục dựng lại các mô hình kiến trúc cổ của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt phục dựng lại kiến trúc Kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần.

Kết thúc 2 ngày làm việc tại Nghệ An, đoàn chuyên gia của Viện Nghiên cứu Bảo tồn Di sản Quốc gia Tokyo, Nhật Bản cho rằng: Sự tồn tại một công trình kiến trúc cổ như đền vua Hồ, đặc biệt là Tháp Nhạn ở Nghệ An là hết sức đặc biệt và quý hiếm; là nguồn tư liệu quý giúp cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản bổ sung vào tư liệu nghiên cứu về mô hình kiến trúc cổ ở Việt Nam.


Mai - Vân (Bảo tàng Nghệ An)

Mới nhất
x
Đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát di tích Kiến trúc cổ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO