Đoàn ĐBQH Nghệ An đóng góp ý kiến quan trọng dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo
(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2(Quốc hội khóa XIV), chiều 24/10, ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, đa số các đại biểu cho rằng đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân, ổn định chính trị và đặc biệt là mang tính nhạy cảm cao.
Theo các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, dự thảo Luật có nhiều vấn đề mới, thông thoáng, giảm bớt cơ chế xin - cho, có sự mở rộng với các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, phạt tù, chờ thi hành án tử hình được Nhà nước bảo đảm. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trước đây được quy định rất chặt chẽ, phải đăng ký, cấp phép, đề nghị, chấp thuận thì nay chỉ cần được thông báo. Việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập cũng thông thoáng hơn...
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp. |
Đi vào cụ thể, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, về nguyên tắc, Nhà nước phải coi sự can thiệp là thứ quan trọng nhất nhằm giúp phân biệt chính xác sự quản lý của Nhà nước với công việc của tôn giáo. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn quyền. Đồng thời, vận dụng thật tốt nguyên tắc "Hợp tác có chọn lọc" để tính toán giao những việc gì của Nhà nước cho các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, ví dụ như y tế, giáo dục nên giao đến đâu? Cần quán triệt thật tốt định hướng phục vụ của nhà nước để giải quyết nhanh, thông thoáng, phục vụ nhu cầu, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức Nhà nước sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hữu cầu phát biểu tại phiên thảo luận. |
“Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và sự giới hạn đó là cần thiết vì an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe, trật tự xã hội, bảo vệ các quyền tự do cơ bản của các chủ thể khác. Theo đó, cần thiết kế cho tốt các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 5, dự thảo luật” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.
Theo lý giải của đại biểu, thực tiễn hiện nay còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý chức sắc, chức việc. Đây là nội dung quan trọng bậc nhất trong quản lý Nhà nước về tôn giáo, bởi phần lớn chức sắc, chức việc, tín đồ của các tôn giáo Việt Nam rất tốt nhưng có một số người việc lợi dụng tín đồ, đức tin, gây ra nhiều vụ việc phức tạp. Nói đến quản lý chức sắc là nói đến quản lý hoạt động đào tạo, phong chức, phong phẩm, bãi miễn chức sắc. Do vậy, cần lưu ý vấn đề này trong Luật.
Liên quan đến các điều trong Luật, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, tại Điều 21 điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo đề nghị từ 23 năm xuống còn 10 năm, chứ không phải 5 năm như dự thảo. Tại Điều 55, hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội … đề nghị giao cho tổ chức tôn giáo đương tham gia giáo dục ở bậc mầm non (các bậc học khác không nên giao); tương tự như vậy về y tế nhân đạo giữ nguyên như pháp luật 2004 và giao cho Chính phủ hướng dẫn đến vấn đề này…
Diệp Anh - Tuấn Anh