Đoản khúc thiện lương

12/08/2013 18:06

“Thị trấn nhỏ nơi miền Tây Nghệ An này vẫn còn đó nét núi thẳm mây ngàn, nhưng đã không còn cái hoang sơ lòng người. Lối sống mới theo làn sóng kinh tế thị trường tạo nên đa sắc diện đời sống phố thị; người thị trấn ra đi trở về đã hương đồi gió núi “bay đi ít nhiều”, hay người muôn phương tấp nập về đây giao thương, làm ăn, cuốn theo tới bao luồng gió lạ... Đủ cái ăn rồi người phố núi đua cái mặc, mặc đẹp rồi lại đua đi tìm thú chơi. Dễ gì mới thuần hậu hoang sơ đó mà đủ tỉnh táo khi bắt nhịp lối sống mới nặng điều hưởng thụ. Không kìm lòng được trước cám dỗ của đồng tiền thiên hạ lả tả rơi trong những cuộc chơi thâu đêm lành ít hại nhiều, người ham hố bỏ qua đạo nghĩa dấn thân vào buôn bán, môi giới bao thứ tệ nạn có khi cuốn cả người thân của mình vào những hệ lụy khôn cùng...”.

(Baonghean) - “Thị trấn nhỏ nơi miền Tây Nghệ An này vẫn còn đó nét núi thẳm mây ngàn, nhưng đã không còn cái hoang sơ lòng người. Lối sống mới theo làn sóng kinh tế thị trường tạo nên đa sắc diện đời sống phố thị; người thị trấn ra đi trở về đã hương đồi gió núi “bay đi ít nhiều”, hay người muôn phương tấp nập về đây giao thương, làm ăn, cuốn theo tới bao luồng gió lạ... Đủ cái ăn rồi người phố núi đua cái mặc, mặc đẹp rồi lại đua đi tìm thú chơi. Dễ gì mới thuần hậu hoang sơ đó mà đủ tỉnh táo khi bắt nhịp lối sống mới nặng điều hưởng thụ. Không kìm lòng được trước cám dỗ của đồng tiền thiên hạ lả tả rơi trong những cuộc chơi thâu đêm lành ít hại nhiều, người ham hố bỏ qua đạo nghĩa dấn thân vào buôn bán, môi giới bao thứ tệ nạn có khi cuốn cả người thân của mình vào những hệ lụy khôn cùng...”.

Người đàn ông dong dỏng tuổi ngoại 50, áo hộp, quần soóc một màu cỏ úa, ngập ngừng ánh mắt, nụ cười đến cả cái bắt tay lần đầu gặp gỡ... Hơn một năm trở về với cuộc sống tự do sau chuỗi ngày dài trả giá cho tội lỗi của mình, đâu đã hết những ngại ngần bước chân hoàn lương có cả trên những gập ghềnh lòng người... Con đường nhựa vương màn bụi đỏ chạy qua những nương mía, thôn mạc dẫn về một xóm nhỏ cách phố núi hơn 10 cây số - xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ). Người đàn ông cất tiếng gọi, trong căn nhà bên đường vẳng ra tiếng ới của con trẻ và ngay sau đó một bé gái xinh xắn dắt theo một hình người bị mù hai mắt, mái tóc bù xù; với trang phục quần đùi áo trong áo ngoài lôi thôi, nụ cười ngô nghê và cử chỉ bất thường, dễ nhận biết đây là một người điên.

“Đêm đêm ngồi trong căn nhà nhỏ nép bên mái đồi vắng ngoại vi thị trấn, nhìn người vợ tảo tần khắc khổ và lũ con tuổi ăn tuổi lớn chen chúc những khuôn mặt vàng vọt dưới ánh đèn vàng tiết kiệm điện, hướng cả tâm trí hiếu động khao khát lên tiếng rồ máy của những chiếc xe con nhà ăn chơi phóng bạt mạng trên quốc lộ hướng về ánh đèn xanh đỏ, tiếng nhạc xập xình ở thị trấn... Cơn khát bằng mọi cách phải kiếm được nhiều tiền cứ dâng lên; và rồi, nó như một thứ thuốc độc, xâm chiếm tối tăm ý nghĩ cả ngày lẫn đêm. Có “cầu” thì có “cung”... Chừa buôn bán “cái chết trắng” ra, thì làm nghề môi giới đáp ứng dục vọng của lũ người “ham của lạ” cũng có thể “hái ra tiền”. Vậy là làm! Càng làm càng ham. Và quả đồng tiền đã làm cho mờ con mắt”.


Bệnh nhân tâm thần Nguyễn Văn Thanh



và nơi ở của anh Thanh khi cơn điên kịch phát.

Người điên như chợt có giây lát tỉnh trí lại khi mừng rỡ đáp tiếng người đàn ông áo hộp quần soóc. Cái người điên mà suốt cả dọc từ Tân Long lên Nghĩa Hoàn này không ai không biết đây ư? Anh vốn là chàng trai người làng Tân Lập (xã Tân Long) siêng năng, hát hay có tiếng, lấy vợ đẹp hàng nhất làng. Cuộc sống còn nghèo nhưng thật hạnh phúc khi vợ chồng anh sinh được hai cô con gái đẹp như tranh vẽ. Nhưng rồi cơn bão số phận đã vùi dập xuống gia đình bé nhỏ ấy. 10 năm trước (2003), vợ anh đã bị dòng lũ sông Con cuốn trôi khi đi bẻ ngô ngoài bãi. Khóc thương vợ đến đổ bệnh đau đầu, đôi mắt cứ thế mờ dần và cuối cùng phải phẫu thuật bỏ đi, anh Nguyễn Văn Thanh (1971) trở nên điên dại, không nhận biết mình và người thân nữa. Chạy chữa khắp các bệnh viện địa phương, Trung ương đến khánh kiệt... Bắt đầu những ngày tận khổ với những khi lên cơn đập phá hoặc bỏ nhà đi vô định...

“Đồng tiền bất chính chưa kịp cứu rỗi cơn khát làm giàu thì kết cục tất yếu phải đến: Vợ chồng nhận án vào tù vì tội môi giới mại dâm, của cải ly tán; các con có lớn nhưng chưa kịp khôn đã phải chống chọi với mưu sinh và bao lại qua lời miệng thế... Chịu án hơn hai năm được giảm án ra tù trước vợ, ê chề mệt mỏi, nhưng vì vợ con, tự nhủ gắng đứng dậy. Nghĩ đời coi như đang quãng buồn. Thì là mình làm mình chịu, chỉ mong ngày cả gia đình đoàn tụ, giữ được sự đầm ấm mà làm lại đời thiện lương bằng con đường làm ăn chính đáng. Dù sao trông xuống, còn bao cảnh đời éo le hơn để mình có cơ hội quan tâm sẻ chia; phần để hối chuộc lỗi lầm, phần để rèn tâm cho cuộc đời phía trước. Chưa biết làm gì hơn, đành góp nhóp sắm cái xe máy hành nghề xe ôm. Một bữa đang trở về nhà sau một “cuốc” khách, qua cầu Rỏi chợt thấy một gã rách rưới trần truồng, dọ dẫm bước vô định, vô thức khóc cười... Hỏi, hóa ra đây là gã người mà câu chuyện vì khóc thương vợ hóa điên cả vùng ai cũng kể với nhiều thêu dệt. Một nỗi thương cảm dâng lên...”.

Hỏi con bé con cháu tên gì? Nó nhát gừng: Ngọc! -Thế cháu mấy tuổi? Đáp: 14! - Cháu học lớp mấy? Đáp: 8! - Cháu có thương bố không? Đáp: Có! Rồi nó quay sang quát bố nó: Đứng im, không được đi! Người điên chợt thột đứng nghiêm, hướng đôi mắt không còn tròng về phía người đàn ông áo hộp quần soóc. Ông xóm trưởng xóm Thắm vừa tất tả đến, nói: “Khổ thế, mẹ mất, cha bị điên nên nó không được bày vẽ đến nơi đến chốn. Ai hỏi chi nó cũng cứ nhát gừng như thế. Cha nó may mấy ngày này đỡ, chứ mọi hôm phá phách, bỏ trốn hoài, phải dùng xích sắt xích lại. Có khi xích liền hàng tháng...”. Biết thêm, những khổ ải thường nhật do những cơn điên dại triền miên của Nguyễn Văn Thanh nhiều năm nay đang trút cả lên vai chị gái là Nguyễn Thị Châu.

Chị Châu chồng bị tai nạn mất năm 2004, hoàn cảnh khó khăn vào bậc nhất cái xã Nghĩa Hoàn này, nhưng vì thương đứa em điên dại, hai cháu gái côi cút, đã đón chúng nó từ Tân Long về đây chăm sóc, nuôi dạy. Gánh thêm gánh nặng phận người ấy, đôi chân chị chẳng bao giờ được bén gót nữa, tất bật suốt ngày suốt tháng lên rừng, xuôi chợ kiếm miếng ăn. Hôm nay, chị cũng đang ở đâu đó dưới chợ... Dặn lòng thế, nhưng chị cũng có giữ được chân đứa cháu gái con đầu người em điên của mình đâu. Con Hồng mới 17 tuổi, mà đã ra đi bặt xứ người, thi thoảng cuộc điện thoại không đầu không đuôi gọi về khiến chị thêm thương tủi khóc ròng cả đêm.

“Hỏi đường chở gã điên từ cầu Rỏi về xóm Thắm, biết cảnh đời gã và nhìn con Ngọc lại chạnh nhớ cảnh con cái mình sớm vắng bóng mẹ, chợt trào nước mắt. Phận đời níu lấy phận đời. Gặp cảnh này không thể không giúp đỡ, âu cũng còn là chuộc lại một phần lỗi lầm của mình. Cứ một hai ngày khi rỗi khách, lại chạy hơn 10 cây số lên, khi thì đồng quà tấm bánh, khi thì quần áo cho gã điên vì cứ mặc một bộ mấy ngày sau gã lại cào cấu xé rách sạch...

Đã hàng mấy chục bộ mới có, cũ có mang lên cho gã. Có khi cái quần bò mới mua cho mình hôm trước, hôm sau đã phải mang lên mặc cho gã rồi. Nhưng lo nhất là những đêm gã phá xích bỏ đi, nghe được điện thoại là bất kể mưa gió, rét mướt mình chạy xe máy đi tìm. Tìm ra rồi nhưng ép cho được gã về mới khổ... À mà lạ, vất thế nhưng như có sợi dây định mệnh, mình thấy đó là bổn phận với gã, chẳng bực bõ ngại ngần được bao giờ. Gã thì điên thế, dữ dằn thế, nhưng cứ nghe thấy tiếng mình là dịu hẳn, tíu tít như thằng em nhỏ gặp ông anh đi xa về...”.

Anh thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Thanh, láng giềng nhà chị Châu ở xóm Thắm, là tác giả bài viết “Ai cho em Hồng được đi học?” đăng trên Báo Nghệ An điện tử ngày 31/8/2009, khi con Hồng cũng vào học lớp 8 như con Ngọc bây giờ, chạy vội sang nói: Tận khổ các anh ơi! Rút cục thì con Hồng cũng bỏ đi rồi. Dừ còn con Ngọc!...”. Ông trưởng xóm Thắm tiếp lời: “Địa phương đây cũng quan tâm lắm, nhưng bố con cháu Ngọc vốn hộ khẩu ở xã Tân Long, nền đất nhà cháu cũng còn dưới đó, trách nhiệm lâu dài có lẽ phải trông đợi ở chính quyền địa phương Tân Long thôi! Người đàn ông áo hộp quần soóc dẫn tôi ra vườn nhà chị Châu, nơi đã phải xây riêng cho anh Nguyễn Văn Thanh một gian nhà nhỏ để xích anh lại đó những khi anh lên cơn dữ dội. Cái “chuồng” xây ấy, cũng bị người điên đấm, đạp cho tan hoang rồi!

“Bỏ nghề xe ôm chuyển sang nghề buôn chuối, cũng là để có thêm điều kiện lại qua thăm nom bố con gã điên. Nhưng rồi cũng chỉ được đến mức thế thôi vì mình lực bất tòng tâm! Chỉ mong được Nhà nước quan tâm xây cho nó cái nhà chính sách ở Tân Long vì đất đai của nó vẫn đó. Có nhà, may ra con bé Hồng nó chịu về chăm bố, chăm em... Chứ về lâu dài, chị Châu khó cáng đáng. Mấy lần mình giục dã người thân nó về đó dựng lên cái khung nhà, bà con ủng hộ thêm cho để có cái chỗ chui ra chui vào tạm đã, chờ Nhà nước hỗ trợ sau, nhưng rồi cứ lỡ dở...”.

Xuôi xóm Tân Lập xã Tân Long, nơi có nền nhà cũ chỏng chơ cây rơm dấu cột và hộ khẩu của bố con người điên, gặp cảnh bên nội gần như chẳng còn ai ở đây; bên ngoại nhạt tình xa lánh hẳn. Ông xóm trưởng xóm Tân Lập Trịnh Gia Hiếu cho biết: “Xóm và xã cũng đã đăng ký xây nhà cho anh Thanh diện 176, nhưng thủ tục khá vòng vèo, khó khăn; gia đình anh Thanh hiện ở quê không có ai có thể đứng ra lo liệu những vấn đề cần thiết về thủ tục, nên cũng đang rất bí...”.

Được biết, nhà chính sách diện 176 chuẩn xây dựng 40m2, kinh phí khoảng 40 triệu đồng, nếu xây thì Nhà nước cho vay và hỗ trợ khoảng một nửa, nhưng phải xây xong thì mới làm thủ tục giải ngân các khoản. Nếu thế, với hoàn cảnh của anh Thanh bây giờ thì là điều không thể, vì ít nhất gia đình cũng phải có 20 triệu đồng “vốn đối ứng”. Xóm trưởng Hiếu cho biết thêm: “Nếu có ai hỗ trợ kinh phí ban đầu, xóm sẽ đảm bảo công xây dựng cho anh Thanh!”. Gặp chúng tôi, người đàn bà nhỏ bé mà cái khổ lồ lộ ra từng cử chỉ, nét người, lã chã nước mắt: Thương em thương cháu, nhưng lo cái ăn còn chật vật, tôi biết lấy đâu ra 20 triệu khi đang nợ ngân hàng bảy, tám mươi triệu? – Đó là chị Nguyễn Thị Châu, người đang nuôi bố con anh Thanh ở bản Thắm.

“Chị Châu nay cùng làm nghề buôn chuối với mình. Thu nhập chẳng là bao đâu. Nhiều khi nghĩ hay là lại làm một “điều gì đó” (cười buồn) để vừa giúp mình, vừa giúp bố con Thanh. Nhưng chỉ nghĩ thoáng qua thôi. Mình ước sao có nhà hảo tâm nào đó giúp bố con Thanh có cái nhà để gọi con Hồng về, rồi dần dần tính chuyện đưa Thanh đi chữa bệnh tiếp”.

Bắt tay người đàn ông áo hộp quần soóc, chúng tôi thầm cám ơn anh đã có những phút trải lòng để chúng tôi thấy được một giá trị thiện lương từ quyết tâm hoàn lương của anh; cũng như chúng tôi có được một câu chuyện phận người để kể ra đây, hầu mong từ đó có sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội đối với hoàn cảnh bố con anh Nguyễn Văn Thanh ở xóm Tân Lập, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ.


Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất
x
Đoản khúc thiện lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO