Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Bộ CHQS Nghệ An): Khai phá Miền Tây

09/08/2015 07:57

(Baonghean) - Đoàn Kinh tế - Quốc Phòng 4, tiền thân là Trung đoàn bộ binh 4, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, Đoàn trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, đóng quân trên địa bàn hai huyện biên giới Kỳ Sơn và Quế Phong. Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị xung kích cùng đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên.

Chiến công hào hùng


Trung đoàn Bộ binh 4 ra đời ngày 26/4/1973, trong khói lửa đạn bom, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Ngay từ khi thành lập, tên tuổi của Trung đoàn 4 đã gắn liền với chiến thắng của những trận đánh, những địa danh đi vào lịch sử như Bắc Bình, Phú Bài, Mang Cá, cảng Thuận An, Bắc sông Bồ, Ồ Ồ, Cổ Bi, Tân Thanh, Nam sông Thạch Hãn, Phổ Lại, Phong An, Phong Thụ, cao điểm như 42, 50, 51, 57, 61, đồi Chổ,...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các mũi tiến công của Trung đoàn liên tục giành chiến công, góp phần làm nên những trận thắng quyết định trên sông Ô Lâu, Lại Bằng, Quảng Điền, Tứ Hạ, Phú Bài, giải phóng Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, tiêu diệt Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch; cùng Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Cán bộ Đoàn 4 hướng dẫn người dân chăm sóc chè Shan tuyết.
Cán bộ Đoàn 4 hướng dẫn người dân chăm sóc chè Shan tuyết.

Khi Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, với khí thế “đâu có giặc là ta cứ đi”, ngày 19/2/1979, Trung đoàn có mặt ở biên giới Lạng Sơn, lập tuyến phòng ngự, gìn giữ biên cương. Đến năm 1994, sau khi hoàn thành nhiệm vụ người lính trấn giữ biên cương phía bắc, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 4 lại trở về vành nôi Quân khu 4. Đóng quân ở Cẩm Tiến, Thị trấn Cẩn Xuyên - Hà Tĩnh làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), quản lý quân dự bị động viên ở Kỳ Anh, Hương Khê và một số địa phương khác của Hà Tĩnh.

Từ năm 2002, Trung đoàn 4 chuyển thành Đoàn kinh tế - quốc phòng 4 (KTQP) trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đóng chân ở khu vực biên giới huyện Kỳ Sơn. Đến tháng 4/2015, Đoàn sáp nhập trực thuộc Bộ CHQS tỉnh với nhiệm vụ phòng thủ biên giới, phối hợp xây dựng khu KTQP Kỳ Sơn và mở rộng sang huyện Quế Phong thuộc Tây và Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

Vững vàng nơi phên dậu biên cương

Chúng tôi đến Đoàn KT - QP 4 vào những ngày đầu tháng 8 này. Trận lũ đầu mùa khiến con đường từ Khe Kiền (huyện Tương Dương) vào vùng biên giới Nậm Càn, Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn trở nên khó khăn gấp bội với những đoạn đường bị đứt gãy, những ổ voi, ổ gà và những khúc cua tay áo. Giữa bồng bềnh mây trắng, khu trụ sở khang trang cùng các dãy nhà công vụ của Đoàn KT- QP 4 nổi bật trong bức tranh núi rừng hùng vĩ miền biên ải. 9h sáng, sương là là mặt đất. Không khí làm việc tại Đoàn nhộn nhịp, khẩn trương như một công trường. Phía dưới chân dốc Phù Khả, một tốp chiến sỹ đang đổ bê tông đường ra các vùng sản xuất chè shan tuyết và trại dược liệu. Tại nhà xưởng, tốp chiến sỹ khác đang soạn sửa để cho ra lò những mẻ miến dong. Còn một đội ngũ đang tích cự xử lý môi trường ao nuôi cá...

Đoàn KTQP 4 thu mua dong riềng cho người dân.
Đoàn KTQP 4 thu mua dong riềng cho người dân.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây dược liệu atiso sắp đến ngày thu hoạch, đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Chính ủy Đoàn 4 tâm sự, để có được cơ ngơi khang trang, sạch đẹp và khép kín giữa núi rừng biên giới như hiện nay, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Đoàn đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức. Đầu những năm 2000, Puxalaileng được biệt đến là nơi trú ngụ của vắt, sên, bọ chó và cỏ dại cây rừng. Bà con dân tộc Mông ở nơi ngút ngàn vẫn tái trồng thuốc phiện. Tình trạng di dịch cư tự do sang Lào xảy ra khó kiểm soát. Các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy hoạt động phức tạp.

Ngày đó, người lính Đoàn 4 tiên phong khai phá vùng đất mới với quyết tâm xây dựng kinh tế, gắn đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên vững chắc. Những cung đường Khe kiền - Na Ngoi, Na Cáng - Phù Quặc, Ka Dưới - Tẳng Păn trước đây chỉ có thể đi bộ nay đã được Đoàn 4 đầu tư, trở thành những con đường chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. “Có lẽ Kỳ Sơn là khu vực đặc biệt nhất của miền Tây xứ Nghệ. Thời tiết ở Na Ngoi quá bất thường, một ngày có 4 kiểu khí hậu. Mùa mưa lũ ống, lũ quét kinh khủng. Nhiều lần chứng kiến thành quả lao động trong hàng tuần của anh em bị nước lũ cuốn trôi trong tích tắc, ai cũng tiếc lắm, nhưng với tinh thần người lính, anh em đã khắc phục, vượt lên sự khắc nghiệt của khí hậu vùng biên”, Chính ủy Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ...

Ở vùng vành đai biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong, các đội sản xuất của Đoàn trở thành những đơn vị cắm bản trải dài trên địa bàn 8 xã với 165 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Đây cũng là khu vực có 70% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, bà con rất nghèo, tập tục lạc hậu, tình trạng du canh du cư và di dịch cư tự do xảy ra phổ biến. Các chiến sỹ Đoàn 4 vừa làm nhiệm vụ cắm bản, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất, vừa làm nhiệm vụ dân vận, tuyên truyền pháp luật, động viên bà con không vượt biên trái phép.

Hiện nay, ở tất cả các bản trong khu vực Đoàn 4 phụ trách đều đã có các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng chanh leo (như xã Tri Lễ của huyện Quế Phong), trồng gừng, dong riềng, hoa ly, chè shan tuyết (các xã thuộc huyện Kỳ Sơn) và đang phát huy hiệu quả giúp đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú có cơ hội thoát nghèo. Đại tá Vi Hiểu, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 khẳng định: “Đó là cả một quá trình từng bước thay đổi nhận thức cho đồng bào. Cách làm của Đoàn là cầm tay chỉ việc, cán bộ làm mô hình rồi kiên trì hướng dẫn bà con. Vừa làm mô hình vừa tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng như điện hạ thế, trung thế; đường giao thông liên bản; nước sinh hoạt tự chảy hay các đập thủy lợi...”.

Đoàn 4 còn có nhiều cách làm hay để giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống như: Xây dựng ngân hàng trâu, bò, lợn đen bản địa, luân phiên tặng giống cho người dân; cử các đội trí thức trẻ tình nguyện xuống bản cùng giúp dân phát triển kinh tế; mời bà con đến các đội sản xuất để tham quan, học tập mô hình... Với những cách làm cụ thể và thiết thực đó, đến nay, khu vực mà Đoàn 4 phụ trách đang từng bước thay đổi diện mạo. Đặc biệt, với việc gắn sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, Đoàn 4 đã giới thiệu được những sản vật mang thương hiệu Puxalaileng ra thị trường như miến dong, chè Shan tuyết, cao Atiso, chanh leo.

Trên mặt trận mới, những cán bộ, chiến sỹ của Đoàn KT-QP 4 đang phát huy truyền thống anh hùng, cống hiến tài năng, công sức để hoàn thành nhiệm vụ, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con và giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới.

Nguyên Khoa

Từ khi thành lập cho đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 4 đã đánh 69 trận, tiêu diệt và làm tan rã 2 lữ đoàn địch, 1 liên đoàn bảo an, 14 đại đội, 1 lữ đoàn thiết giáp, 1 lữ đoàn pháo binh, bắn rơi 5 máy bay, diệt 25 xe tăng, phá hủy 37 khẩu pháo, thu 275 xe quân sự, 26 khẩu pháo, 8 tàu thuyền, ca nô và nhiều trang thiết bị khác...
Đoàn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Tiểu đoàn BB1 và Tiểu đoàn BB2 được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; đồng chí Nguyễn Như Hoạt - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn BB4 được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngày 16/12/2014 Chủ tịch nước ký Quyết định số 3329/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Trung đoàn Bộ binh 4, nay là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4.
Mới nhất
x
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Bộ CHQS Nghệ An): Khai phá Miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO