Doanh nghiệp nhỏ bấp bênh trong dịch bệnh

Vnexpress.net 13/02/2020 08:00

Hôm nay, nhiều nhà máy mở cửa lại nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lo "chưa chắc có đủ nhân viên quay lại làm việc".

Khi chính quyền Trung Quốc đang ra sức ngăn chặn nCoV lây lan thì đó cũng là lúc Fabien Gaussorgues, giám đốc công ty Agilian Technology đang vật lộn để công ty tiếp tục hoạt động. Công ty của ông sản xuất hàng điện tử tiêu dùng cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ ở Bắc Mỹ.

Là CEO nhưng Fabien Gaussorgues cũng không chắc chắn 80 nhân viên của nhà máy sẽ quay trở lại đầy đủ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Ngay cả khi làm được việc đó, ông cũng không thể đảm bảo quy trình chất lượng vốn có và không thể chuyển hàng đi cho khách, vì rất nhiều chuyến bay từ Trung Quốc đã bị hủy.

"Chúng tôi đã lưu ý khách hàng rằng việc vận chuyển hàng không là không thể trong vòng 3 tháng tới", ông Gaussorgues nói. "Các nhà cung cấp không thể cam kết bất cứ điều gì lúc này. Đó là nguy hiểm số một. Nó có thể buộc chúng tôi dừng sản xuất", ông nói thêm.

Tình cảnh của Agilian Technology là một đơn cử cho các thách thức mà các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang đối diện khi cố gắng hoạt động trở lại sau mùa Tết, nhưng gặp phải dịch viêm phổi. Các khu vực bị phong tỏa, hạn chế đi lại ngày càng nhiều, khiến các nguồn cung cấp nguyên vật liệu sản xuất bị tắc nghẽn. Người lao động cũng di chuyển khó khăn.

Agilian Technology là một trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tại Trung Quốc gặp khó vì nCoV.Ảnh: F.G

nCoV là đòn giáng mới nhất vào các doanh nghiệp trong nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới, vốn đã bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ năm ngoái. Sự gián đoạn sản xuất dự kiến ảnh hưởng đến các công ty thuộc mọi quy mô, bao gồm cả những gã khổng lồ như Apple và Qualcomm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương.

"Đột nhiên, một mối đe dọa lại ập đến. Nhiều tổ chức đang tính toán lại chuỗi cung ứng của họ", Renaud Anjoran, CEO Sofeast, một công ty về đảm bảo chất lượng và kỹ thuật tập trung vào thị trường Trung Quốc, nhận định. Ông cho rằng, hàng nghìn nhà máy nhỏ và vừa tại đây có thể đóng cửa bởi cú sốc này.

"Thật không may, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và giao hàng của chúng tôi", Janice Wang, CEO của Alvanon (New York), cố vấn cho các nhà sản xuất bán lẻ và may mặc bao gồm Under Armor, hoạt động tại Thượng Hải. "Chúng tôi dự đoán hàng hóa đã thanh toán của mình sẽ bị trễ trong 4 tuần", ông nói.

Trung Quốc đã cho kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm ba ngày và để hầu hết doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa sau đó để hạn chế lây lan nCoV. Nhiều nhà máy dự kiến mở cửa lại hôm nay (10/2) dù không rõ bao nhiêu trong số đó có khả năng. Nhiều lao động vẫn không thể rời khỏi quê nhà để quay lại làm việc trong khi chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu tiền lương. Các nhà máy mở cửa lại có thể đạt năng suất thấp hơn do thiếu người.

Nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen AG đã lùi ngày sản xuất trở lại tại một số nhà máy đến 17/2, với lý do thách thức trong chuỗi cung ứng và đảm bảo an toàn cho công nhân nhà máy, khi họ phải đối mặt với các lựa chọn đi lại hạn chế.

"Nếu một số nhà cung cấp chính đột nhiên đóng cửa, hoặc trễ vài tháng trong giao hàng, thì đó là một mối đe dọa chết người đối với một doanh nghiệp", ông Anjoran nói rằng việc chịu thuế quan thêm 10% vẫn không nặng nề bằng tình cảnh hiện tại.

Theo nền tảng phân tích rủi ro Resilience360 của DHL, vận tải hàng hóa nội địa Trung Quốc đang phải tốn thêm 4-5 giờ cho mỗi hành trình khi các xe tải 18 bánh tắc nghẽn tại các trạm kiểm tra thân nhiệt. Vận tải hàng không và đường thủy cũng bị ảnh hưởng. Kể từ khi dịch viêm phổi bùng phát, hơn chục quốc gia đã dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Các hãng tàu cũng ngừng hoạt động. Nhà vận tải CMA CGM SA cho biết đã hủy các chuyến hàng đến cảng Trung Quốc.

Terry Newman, Tổng giám đốc một công ty sàn gỗ ở phía đông thành phố Hồ Châu, không rõ về khả năng vận tải hàng hóa diễn biến ra sao. Ông còn chưa chọn được ngày mở cửa lại nhà máy vì đang vật lộn để tìm đủ khẩu trang cho 25 nhân viên. Việc đeo khẩu trang đã trở nên bắt buộc tại một số địa phương của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp trong và xung quanh thành phố Vũ Hán bị ảnh hưởng đầu tiên của dịch viêm phổi. Trong số đó bao gồm cả nhà máy của Hyundai và Hitachi. Sau đó, chuỗi cung ứng trên khắp đất nước bắt đầu bị ảnh hưởng lan tỏa.

Sự gắn bó ngày càng mật thiết của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu trong hai thập kỷ qua đã thúc đẩy xuất khẩu tăng gấp 11 lần, lên 2.700 tỷ USD trong năm 2018, tính từ năm 2000. Cùng giai đoạn đó, nền kinh tế thế giới mở rộng gấp 2,6 lần. Do đó, thế giới hiện phụ thuộc hơn bao giờ hết vào Trung Quốc đối với các hàng hóa và dịch vụ quan trọng, làm tăng tác động của nCoV với nền kinh tế toàn cầu.

Agilian Technology có trụ sở tại Đông Quan, miền nam Trung Quốc. Ông Fabien Gaussorgues nói với khách hàng là sản xuất sẽ bị ảnh hưởng ít nhất trong tháng này và rất có thể là tháng sau. Trong số 80 nhân viên của mình, ông dự kiến có 15 người sẽ trở lại làm việc tuần này, nếu nhà máy được phép mở cửa. Con số có thể cải thiện lên khoảng 30 người sau đó.

"Kế hoạch kinh doanh của chúng tôi có tính đến những rủi ro như hỏa hoạn nhưng không phải là tình trạng tê liệt cả nước thế này", ông nói sự kết hợp giữa chi phí tăng và rủi ro sản xuất có thể khiến ông cân nhắc rời khỏi Trung Quốc.

"Vào năm ngoái, chúng tôi đã cảm thấy áp lực về việc chuyển đến một quốc gia khác. Chúng tôi chắc chắn thấy áp lực mạnh hơn để làm điều đó vào năm 2020", ông nói.

Mới nhất

x
Doanh nghiệp nhỏ bấp bênh trong dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO