Doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng môi trường đầu tư Việt Nam
Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định thời gian cụ thể để các công ty bảo hiểm bồi thường cho doanh nghiệp..
Sáng 30/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam để trao đổi thông tin, cập nhật những vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ sự đồng tình trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương trong việc nhanh chóng ổn định tình hình, giúp doanh nghiệp khắc phục hậu quả, duy trì sản xuất. Điều này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ Việt Nam trong việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn tính mạng và tài sản của nhà đầu tư, và họ khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhà đầu tư mong các tỉnh, thành triển khai sớm.
Bà Liu Mei Teh, Tổng Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise cho biết: “Về tiền lương, tôi kiến nghị Nhà nước giải quyết tùy mức độ thiệt hại. Bởi vì tình trạng của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên phải có hướng xử lý khác nhau. Vấn đề giám định thiệt hại để bồi thường, mong Nhà nước hối thúc các công ty bảo hiểm làm nhanh vì ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư tái sản xuất.”
Các doanh nghiệp cũng đề nghị, văn bản liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp cần được dịch ra tiếng Anh và tiếng Hoa để phổ biến nhanh chóng. Các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp đã, đang và sẽ thực hiện cũng cần được thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, có hướng dẫn và chương trình hành động cụ thể, gắn với mốc thời gian triển khai. Về vấn đề đảm bảo an ninhcác cơ quan chính quyền phản ứng nhanh hơn và có đường dây nóng hoặc đầu mối để nhận thông tin, hướng dẫn rõ ràng cho nhà đầu tư trước các tình huống tương tự.
Ông Phua Koon Kee, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Kỳ vọng chung của các nhà đầu tư là phản ứng của các lực lượng chức năng cần nhanh chóng hơn. Vấn đề thiệt hại về tài sản là ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục những động thái tích cực hơn nữa để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.”
Nhà đầu tư cũng cần một cơ quan nhà nước đứng ra làm đầu mối để tiện việc liên hệ, thủ tục hành chính cũng cần đơn giản hóa. Riêng việc giải quyết tiền lương cho công nhân những ngày công ty ngưng sản xuất, ngoài các chính sách vừa ban hành, các doanh nghiệp mong muốn có thêm nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn từ phía Việt Nam. Ở Đồng Nai, một số doanh nghiệp đã tổ chức làm thêm bù vào những ngày nghỉ không hưởng lương, thể hiện sự hợp tác của chính quyền, chủ doanh nghiệp và người lao động.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Quan điểm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm “nói đi đôi với làm” để nhanh chóng khẳng định lòng tin về môi trường đầu tư ở Đồng Nai. Khi xảy ra sự cố, Chính phủ rất tích cực, chính quyền cũng rất nỗ lực. Bên cạnh đó, rất cần sự cộng tác thiết thực trong tuyên truyền đến các doanh nghiệp trong hiệp hội để chúng ta cùng chung sức chung lòng tạo dựng lại công việc và lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, VCCI sẽ phối hợp với Công đoàn cũng như các cơ quan chính quyền sẽ vào cuộc để tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn cho người lao động, đây là hoạt động cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm về ổn định an ninh chính trị tại Việt Nam và tiếp tục đầu tư trong thời gian tới./.
Theo vov