Doanh nghiệp ô tô xả hàng, giảm giá

06/07/2013 16:45

Các hãng liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô đồng loạt bung hàng với những dòng xe nhỏ bắt mắt, giá mềm. Bên cạnh đó, lượng ô tô nhập khẩu đang tăng dần theo lộ trình cam kết gia nhập AFTA khiến các nhà sản xuất kinh doanh tìm mọi cách xả hàng để cạnh tranh.



Khách hàng tham khảo mẫu ô tô Honda City tại TPHCM.


Cạnh tranh giá bán


Gần đây, nhiều hãng ô tô trong nước đã tung ra hàng loạt dòng sedan với mức giá khá ấn tượng, trên dưới 500 triệu đồng/chiếc. Do ra mắt cùng thời điểm, chất lượng, mẫu mã xe lại khá tương đồng nên các hãng khá thận trọng, thậm chí cạnh tranh nhau từng đồng về giá bán để dễ bề chiếm ưu thế.


Phát pháo đầu tiên, Kia Forte (của Thaco Kia) được xem là mẫu sedan có giá thấp nhất thị trường với 535 triệu đồng cho phiên bản số sàn. Chỉ sau một thời gian ngắn trình làng, Kia Forte đã được tiêu thụ hơn 850 chiếc. Tiếp sau đó vào trung tuần tháng 6, Honda Việt Nam quyết định tung ra thị trường mẫu sedan cỡ nhỏ Honda City với giá bán từ 540 - 580 triệu đồng/chiếc. Chỉ sau thời gian ngắn ra mắt thị trường, hiện đã có hơn 300 đơn đặt hàng đối với mẫu xe này.


Ông Nguyễn Đình Nhu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Kim Thanh - nhà phân phối chính thức ô tô Honda cho biết, sau khi ra mắt dòng xe Honda City, lượng khách hàng đặt mua tăng đột biến. Sau đó không lâu, Nissan liền ra mắt dòng xe Nissan Sunny với giá bán lẻ từ 518 - 588 triệu đồng/chiếc, tùy theo số sàn hoặc tự động, nhằm cạnh tranh với Honda City.


Ngay sau khi Honda City và Nissan Sunny ra mắt, Thaco Kia đã nhanh chóng điều chỉnh giá dòng Kia Forte xuống còn 495 triệu đồng, giảm 40 triệu đồng so với ban đầu. Chuyên viên bán hàng của Thaco Kia cho biết, bản chất của việc giảm giá này là nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng trước hai đối thủ của Honda và Nissan.


Theo nhiều nhà sản xuất kinh doanh ô tô, các phân khúc xe trên với động cơ nhỏ 1.5L - 1.6L, trước đây có nhu cầu thấp, ít được quan tâm. Tuy nhiên, nay khi chính sách về công nghiệp ô tô đang hướng đến nhiều ưu tiên cho dòng xe này, cùng với xu thế tiêu dùng thay đổi nên phân khúc thị trường trở nên sôi động. Đặc biệt, với giá bán chỉ trên dưới 500 triệu đồng, rất phù hợp với túi tiền của nhiều người, đồng thời tính linh hoạt của các dòng xe cao khi đi trong TP nên càng được thị trường ưa chuộng.


Giá xe còn giảm


Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xu hướng hồi phục của ngành tiếp tục tăng nếu trong thời gian tới, chính quyền các địa phương quyết định áp dụng mức thuế trước bạ 10%. Khi đó dự báo doanh số bán hàng toàn thị trường có thể đạt đến 108.000 xe thay vì 100.000 xe như dự báo ban đầu. Bên cạnh đó, theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam năm 2014 sẽ giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%.


Như vậy, sang năm 2014, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ 60% hiện nay về còn 50%, đồng nghĩa với giá nhiều mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ giảm 10%. Đơn cử, 1 chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo 10.000 USD, sẽ giảm giá khoảng 1.650 USD so với hiện nay.


Theo các doanh nghiệp ô tô Việt Nam, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về mức 50% sẽ khiến giá một số mẫu xe nhập khẩu bằng giá xe lắp ráp trong nước. Điều này sẽ tạo ra áp lực khiến cho xe lắp ráp sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thấp hơn để cạnh tranh hoặc nhận thấy sản xuất không có hiệu quả sẽ phải ngừng và chuyển sang nhập khẩu. Do vậy, dự báo cho thấy các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ còn tiếp tục giảm giá mạnh trong những năm sau.


Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang tính toán và lên kế hoạch, thời gian tới sẽ tập trung vào lắp ráp những mẫu xe có sản lượng lớn, có lợi thế cạnh tranh, còn những mẫu nào không có lợi thế sẽ ngừng lại và chuyển sang nhập khẩu.


Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Ngô Văn Trụ cho rằng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu ô tô khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong ASEAN về 0% vào năm 2018, dẫn tới gia tăng áp lực nhập siêu cho nền kinh tế.


Do vậy, phương án giảm mạnh thuế phí nhằm phát triển dung lượng thị trường, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô rất cần được tính toán, quyết định sớm. Bởi khi thực hiện giảm mạnh các loại thuế, phí sẽ tạo điều kiện để các hãng xe lớn ở lại sản xuất thay vì chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.


Theo SGGP - P.H

Mới nhất
x
Doanh nghiệp ô tô xả hàng, giảm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO