Doanh nghiệp ph­ải tự “làm mới” mình

11/09/2012 14:22

(Baonghean) Với chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư, thay đổi nguồn vốn, hình thức thanh toán... nên không ít các doanh nghiệp ở tỉnh ta rơi vào tình trạng khó khăn. Vì vậy, việc chuyển đổi doanh nghiệp là bước đi phù hợp để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

“Luồng gió mới”.


Một thực trạng đáng buồn của các doanh nghiệp nhà nước (thuộc tỉnh quản lý) là kết quả sản xuất – kinh doanh luôn không tương xứng với quy mô vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư. Tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để, bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động không phù hợp... Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần có sự thay đổi lớn về chất và lượng, muốn vậy phải mạnh dạn đổi mới doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn. Sau một thời gian nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, đến nay, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý và trong lĩnh vực này, đã có 169 doanh nghiệp chuyển đổi các hình thức sở hữu là cổ phần hóa, giao bán khoán, giải thể, chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu và sát nhập vào các doanh nghiệp trung ương, địa phương, phá sản, chuyển sang Công ty TNHH một thành viên.



Doanh nghiệp sản xuất gói ở Thanh Chương cần đổi mới công nghệ để đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Sau khi đổi mới hình thức hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất – kinh doanh và làm ăn có lãi. Qua khảo sát tại 26 doanh nghiệp cho thấy kết quả sản xuất – kinh doanh rất khả quan, tổng doanh thu đạt gần 866 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, phải đối mặt thời kỳ khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng vẫn đạt kết quả đáng mừng như: Công ty CP Thương mại Nghệ An tổng doanh thu đạt gần 344 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên ĐT - PT Chè Nghệ An tổng doanh thu đạt gần 111 tỷ đồng; Công ty CP Giống cây trồng doanh thu đạt hơn 99 tỷ đồng; ; Công ty CP Quản lý & Xây dựng giao thông thủy bộ doanh thu gần 56,5 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sông Hiếu doanh thu hơn 56,5 tỷ đồng…

Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, lợi nhuận thực hiện của các doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước và bên cạnh đó còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, chi trả cổ tức cao, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp rất lớn trong công tác an sinh xã hội. Đổi mới doanh nghiệp đã tạo ra “luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo các doanh nghiệp ở tỉnh ta. Lãnh đạo Sở Tài chính cho hay: Việc thực hiện chuyển đổi này đã tái cơ cấu và thu hồi một phần vốn nhà nước đã bỏ ra đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp phát huy quyền làm chủ trong sản xuất – kinh doanh.

Tạo dựng doanh nghiệp “ đầu tàu”

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt đầu tư... nhưng ở tỉnh ta các doanh nghiệp vẫn luôn phát triển. 7 tháng đầu năm 2012, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 551 doanh nghiệp, nhưng một vấn đề rất đáng lo ngại, là các doanh nghiệp quy mô còn nhỏ chiếm tỷ lệ cao ( hiện có đến 21% doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ, 59% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa). Bởi thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ lớn và do cách nghĩ, cách làm theo kiểu gia đình, thiếu sự liên kết, hỗ trợ nhau và “mạnh ai nấy làm”, nên các doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc duy trì, ổn định sản xuất – kinh doanh.

Một giám đốc doanh nghiệp nói rằng: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ chuyên về sản xuất - kinh doanh mặt hàng nhôm kính và nguồn hàng chủ yếu mua lại của các đại lý lớn ở các tỉnh phía Bắc. Làm ăn nhỏ, nguồn hàng nhập về giá cao mình buộc phải tăng giá bán, may mà chưa đầu tư lớn vào nghề này, nếu không gặp phải thị trường tiêu thụ khó khăn như hiện nay thì thua lỗ, nợ nần chồng chất”. Vấn đề hạn chế đối với doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý và phương án kinh doanh phù hợp, nên số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều. Đến thời điểm hiện nay, đã là 985 doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; có 553 doanh nghiệp đóng mã số thuế (tăng 64% so cùng kỳ...)

Hiện nay, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11, Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư vốn NSNN và vốn TPCP, tiếp tục cắt giảm đầu tư công, chuyển đổi hình thức đầu tư, thay đổi nguồn và hình thức thanh toán... nên đã tạo thành “cửa hẹp” và không còn cách lựa chọn nào khác là các doanh nghiệp phải tự “làm mới” mình với những hướng đi phù hợp. Cũng như cách làm hay của việc đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh ta, mạnh dạn đổi mới sẽ mang lại sự thành công cho những doanh nghiệp nào biết tận dụng thời cơ, biết xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp.

Điển hình cho sự chuyển đổi từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ và tập quán quản lý, sản xuất – kinh doanh theo kiểu gia đình vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn với mô hình quản lý kinh doanh hiện đại, khoa học là doanh nghiệp Thanh Thành Đạt.

Công ty CP Chế biến thực phẩm Hoàng Long, kim ngạch xuất khẩu đạt 15,8 triệu USD với 3 mặt hàng chính: tinh bột sắn, cao su và đường kính... Với phần lớn các doanh nghiệp ở tỉnh ta có quy mô nhỏ và vừa, thì việc doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi để phát triển, trở thành những doanh nghiệp “ đầu tàu” khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường là rất cần được ghi nhận, biểu dương và đây là động lực để các doanh nghiệp khác học tập, làm theo...

Ưu tiên nguồn vốn

Bên cạnh những doanh nghiệp sau khi đổi mới thì thế và lực thực sự tăng lên, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp sau khi đổi mới gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là về vốn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, trong thời gian tới các ngành liên quan cần tạo ra nhiều “ kênh” hỗ trợ vốn, đây là một trong những khâu quan trọng để tạo nền tảng cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại, đồng thời tận dụng được cơ hội sản xuất- kinh doanh.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về vốn, thì doanh nghiệp ở tỉnh ta hiện nay cũng đang rất cần sự trợ giúp để mở rộng thị trường tiêu thụ, đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng như đối với người lao động…

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có hơn 10.500 doanh nghiệp và để bảo đảm cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững trong cơ chế thị trường, tỉnh cần đổi mới cơ chế, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là về vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất – kinh doanh... và đặc biệt là ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tiến hành đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh.


Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Doanh nghiệp ph­ải tự “làm mới” mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO