Doanh nghiệp "sốc" với giá thuê đất 2011

04/07/2011 09:55

Tiền thuê đất năm 2011 đang là vấn đề "nóng" đối với cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An. Hàng ngàn doanh nghiệp trong tỉnh đang sốc và lo lắng nếu áp dụng chính sách thu thuế đất mới ban hành thì sẽ đẩy doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Đầu tháng 6 năm 2011, Công ty CP cơ khí ô tô Nghệ An nhận được Thông báo nộp tiền thuế thuê đất năm 2011 với số tiền phát sinh là 3.349.118.000 đồng. Cầm Thông báo nóng hổi của Cục Thuế Nghệ An trên tay, ông Lê Huy Phương- giám đốc Công ty không khỏi bàng hoàng.

Từ trước tới nay, năm nào cũng tăng giá thuê đất, nhưng đây là lần tăng giá cao đột ngột nhất, quá sốc đối với DN. Năm 2010, giá thuê đất của Công ty phải nộp là 518 triệu đồng, bỗng dưng đến giữa năm 2011 lại có thông báo nộp tiền thuê đất lên tới xấp xỉ 3.350 triệu đồng, tăng gấp 6,46 lần so với năm 2010.

Hơn nữa, mãi đến hết quý II mới thông báo. Đại hội cổ đông đầu năm, mọi chỉ tiêu kế hoạch của DN đã đề ra cụ thể, đơn vị biết nhìn vào đâu để có gần 3,5 tỷ đồng nạp tiền thuê đất? Trong khi hiện nay tất cả các DN đều đang chịu nhiều áp lực: cạnh tranh thị trường, đảm bảo lương cho cán bộ công nhân viên, chi phí đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng quá cao... DN làm gì ra để có đủ lợi nhuận trên 35% để chi trả cho những khoản đầu vào cao ngất ngưởng như vậy. Nếu thực hiện theo giá thuê đất mới, DN không chịu nổi.


Ông Trần Anh Sơn- giám đốc Công ty CP nông sản XNK tổng hợp Nghệ An phàn nàn: Năm 2010 tổng thuế đất của Công ty chúng tôi phải nộp 610 triệu đồng, năm 2011 nhận được thông báo tổng số tiền thuế đất phải nộp là 2.745 triệu đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với mức thuế đất năm 2010. Trong khi đó lợi nhuận của Công ty được 1,4 tỷ đồng/năm. Lấy đâu ra để trả tiền thuế đất? Với mức thu tiền thuê mặt bằng cao như vậy là quá bất cập đối với doanh nghiệp Nghệ An trong điều kiện hiện nay.


Cùng chung tâm trạng, ông Bùi Thành Chung- Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào bức xúc: năm 2010 tiền thuê đất của Công ty hết 217 triệu đồng, bỗng dưng đến tháng 6 năm 2011 nhận được Thông báo tổng mức thuế đất Công ty phải nạp lên đến 1.281.360.000 đồng, tăng gấp 6 lần so với giá năm ngoái. Trong tình hình hiện nay, kinh doanh khó khăn, đã hết 6 tháng đầu năm, Công ty mới đạt 30- 40% kế hoạch. Nếu nạp tiền thuê đất cao như hiện nay, Công ty bị lỗ vốn.


Theo ông Trần Anh Sơn - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An, các DN đều có chung quan điểm: chủ trương tăng thuế đất là đúng, bởi do chính sách thay đổi, đồng thời để tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, qua đó các DN phải nỗ lực mở rộng sản xuất để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng hiệu quả quỹ đất thuê.

Tuy vậy, các DN đều nhận thấy việc áp dụng cách tính tiền thuê đất đối với DN Nghệ An chưa phù hợp với thực tế tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN Nghệ An nói riêng. Trong khi kinh tế 6 tháng đầu năm khó khăn, lạm phát cao, chi phí đầu vào của DN tăng cao đột biến. Trong bối cảnh đó thì mức tăng tiền thuê đất của tỉnh Nghệ An năm 2011 so với các năm trước là quá sức chịu đựng đối với DN.


Trong khi đó, qua tham khảo các tỉnh bạn như 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà NΩng, Hà Tĩnh, Thanh Hoá... thì giá tiền thuê đất của họ thấp hơn Nghệ An rất nhiều. Việc xác định giá đất và đơn giá thuê đất cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đến công tác an sinh xã hội trong cộng đồng DN và đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư của tỉnh nhà.

Vì chi phí tiền thuê đất được tính vào chi phí đầu vào của DN, do đó nếu cùng thực hiện một dự án có các điều kiện cơ sở hạ tầng như nhau, nhưng giá thuê đất thấp hơn thì nhà đầu tư đương nhiên chọn địa phương có giá thuê mặt bằng thấp, họ sẽ có lợi hơn trong cạnh tranh sản phẩm.


Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn - Phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh thì: Luật đất đai năm 2003 quy định về nguyên tắc xác định giá đất là giá đất phải sát với giá thị trường. Song, mức giá tại năm 2011 của tỉnh ban hành chỉ bằng 50- 70% so với giá thị trường. Ví dụ: đất bám mặt đường Minh Khai - TP.Vinh, giá đất thị trường 100- 110 triệu đồng/m2, nhưng tại Bảng giá của tỉnh cao nhất là 45 triệu đồng/m2. Giá thị trường của đất bám mặt đường Lê Lợi từ 80- 100 triệu đồng/m2, nhưng giá tại Bảng giá của tỉnh cao nhất là 42,5 triệu đồng/m2... Như vậy, qua so sánh mức giá giữa mặt bằng Bảng giá đất của tỉnh với giá thị trường thì việc DN kêu nộp tiền thuê đất nhiều do giá đất cao là không thuyết phục- ông Toàn nói.


Ông Toàn cho rằng, việc thuê đất và giao đất có thu tiền là hoàn toàn tự nguyện. Nếu DN thấy khả năng của đơn vị mình sản xuất kinh doanh không có hiệu quả trên tổng diện tích đất thuê thì sắp xếp tiết kiệm diện tích sử dụng, trả lại phần đất dôi dư cho Nhà nước để Nhà nước cho các đơn vị khác có nhu cầu thuê và DN cũng giảm bớt được gánh nặng tiền thuê đất.


Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Quân- trưởng phòng quản lý giá và công sản Sở Tài chính cho rằng, so với mặt bằng chung trên toàn quốc thì giá đất thị trường tại thành phố Vinh và Bảng giá của tỉnh là hơi cao. Song một số DN trên địa bàn đang "ôm" nhiều đất quá, trong giai đoạn này DN nên rà soát lại diện tích đất, sắp xếp lại diện tích sử dụng phù hợp.

Đối với những diện tích không cần thiết nên trả lại cho nhà nước để giảm tiền thuê đất cho DN. Chính sách của tỉnh cũng nhằm khuyến khích DN nỗ lực sản xuất kinh doanh, khai thác tối đa diện tích đất thuê. Đồng thời hạn chế tình trạng DN thuê đất "treo" không sử dụng, sau đó cho các đơn vị khác thuê đi thuê lại...


Thiết nghĩ, chính sách của Nhà nước ban hành làm sao để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa hai bên, DN không quá bị sức ép về tiền thuê đất và Nhà nước cũng không bị thất thu thuế tài nguyên- đó là điều cần phải cân nhắc cẩn trọng và công bằng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.

Nguyên nhân tăng giá đất là do Chính phủ thay đổi chính sách về thuế đất, ban hành Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tại Nghị định 142, hệ số áp dụng cho các DN là 0,65. Theo Nghị định 121 sửa đổi thì hệ số Chính phủ quy định 1,5 đến 3,0 (tăng 3 lần so với hệ số cũ).

Triển khai thực hiện Nghị định số 121/2010/NĐ-CP, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 4/5/2011 thay thế Quyết định số 67/2006/QĐ-UBND ngày 7/7/2006 và Quyết định số 103/2009/QĐ-UBND ngày 10/11/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với mức tăng tỷ suất thuê đất bình quân khoảng 3 lần. Theo đó, tỉnh áp dụng cho các DN hệ số từ 1,6-2, so với giá cũ 0,65 thì nay cao gấp 3 lần. Cộng với mức giá đất điều chỉnh tăng của năm 2011 so với năm 2006 tăng khoảng 2 lần (mỗi năm tăng 20% - 50%) tùy theo vị trí, đã cộng hưởng đẩy mức tuyệt đối về tiền thuê đất hàng năm tăng cao, đặc biệt đối với các DN đóng trên địa bàn TP.Vinh (gần 1.000 DN thuê đất trên địa bàn TP.Vinh).


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Doanh nghiệp "sốc" với giá thuê đất 2011
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO