Doanh nghiệp viễn thông và giao thông đã "thông"
Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe ô-tô khách tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) |
Ngày 30-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) viễn thông, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam và các DN cung cấp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) chung quanh chuyện các nhà mạng tăng cước 3G làm hàng loạt "hộp đen" tê liệt.
Bước đầu, các đơn vị đã thống nhất phương án tháo gỡ vướng mắc cho các DN ngành vận tải. Trong thời gian sớm nhất có thể, nhà mạng sẽ thiết kế và cung cấp gói cước 3G mới, phù hợp đặc thù của sản phẩm "hộp đen" nhằm giảm chi phí, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các DN.
Cước tăng "chóng mặt"
Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết: Từ năm 2008, theo quy định, các phương tiện xe khách, xe công-ten-nơ,... buộc phải gắn "hộp đen" nhằm quản lý, giám sát phương tiện vi phạm. Ðến nay, hơn 50 nghìn phương tiện trong diện này đã hoàn thành việc lắp đặt và dữ liệu được tích hợp quản lý về Tổng cục Ðường bộ Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 23-6-2013 nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; trong đó, chỉ đạo tích hợp dữ liệu từ "hộp đen" để quản lý, cảnh báo và xử lý những vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe đối với lái xe và cơ sở kinh doanh vận tải. Nếu kiểm tra, phát hiện "hộp đen" không hoạt động, lái xe sẽ bị giữ bằng lái 30 ngày và xử phạt 2,5 triệu đồng. Việc tăng cước 3G trong thời gian qua đã gây xáo trộn lớn cho các DN vận tải. Các DN vận tải trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tiềm lực mỏng lại phải gánh chi phí từ việc tăng cước 3G (DN có 100 xe sẽ phải tăng thêm chi phí từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng). Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của ngành vận tải tăng 72%, vì vậy, chỉ cần thêm một tác động nhỏ nữa cũng là "giọt nước tràn ly", đủ gây khốn đốn ngành kinh doanh vận tải.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Thân Văn Thanh, để truyền dữ liệu, mỗi "hộp đen" phải sử dụng một sim thuê bao di động truyền phát dữ liệu về máy chủ. Các loại "hộp đen" có đặc thù khác biệt là truyền tin ở tốc độ thấp, mỗi bản tin dung lượng rất nhỏ (khoảng 64 - 256 byte), nhưng lại đòi hỏi truyền liên tục nên "block" tính cước 50KB + 50 KB không phù hợp. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone đồng loạt thực hiện điều chỉnh giá cước và "block" tính cước (50KB + 50KB thay cho 10KB + 10KB, sử dụng 0,1KB cũng làm tròn thành 50KB để tính cước) khiến lưu lượng truyền phát dữ liệu chịu cước tăng hàng trăm lần.
Theo thống kê, từ ngày 21-10 đến nay, trong vòng 10 ngày, có DN đã phải nạp gần 100 triệu đồng cho "hộp đen". Chỉ vài ngày sau khi điều chỉnh giá cước 3G hàng chục nghìn "hộp đen" đã bị "tê liệt" do tài khoản hết tiền. Hàng nghìn DN vận tải đứng trước nguy cơ mất kiểm soát phương tiện và bị rút giấy phép kinh doanh vận tải vì thiết bị không truyền phát dữ liệu theo quy định. Lý giải tại sao các DN vận tải chưa có ý kiến gì với việc tăng giá cước mà chỉ có DN cung ứng "hộp đen" lên tiếng, ông Thanh cho biết, hầu hết các DN vận tải đều ký hợp đồng trọn gói với DN cung ứng "hộp đen", nói cách khác, DN cung ứng "hộp đen" đang trả tiền trước cho DN vận tải.
Thiết kế gói cước 3G mới
Trong ngày 29-10, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, Chi hội DN "hộp đen" đã làm việc với đại diện Viettel (chiếm hơn 70% số sim sử dụng trong "hộp đen") bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc, nhằm ổn định hoạt động vận tải. Bước đầu, đại diện Viettel đã ghi nhận ý kiến đề xuất của các đơn vị, sẽ báo cáo lãnh đạo và các cơ quan chức năng chủ trương và phương hướng xử lý. Trước đó, Viettel khẳng định, từ năm 2011 đã cung cấp gói cước V-Tracking với chi phí chỉ từ 15 nghìn đồng/tháng và gói cước này không điều chỉnh giá cũng như "block", nhưng một số DN "chọn nhầm" gói cước, sử dụng các sim thông thường cho mục đích giám sát phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, các DN phản ánh, gói V-Tracking chỉ sử dụng được đối với thiết bị và hệ thống phần mềm do Viettel cung cấp nên không phù hợp với các DN cung cấp thiết bị. Các DN kinh doanh loại hình này cũng phải suy nghĩ làm sao có gói cước phù hợp đối với khách hàng để nâng cao khả năng cạnh tranh nên không thể có chuyện "chọn nhầm" gói cước được. Mặt khác, ngay trong chiều 29-10, khi bộ phận kỹ thuật của Viettel và DN "hộp đen" cùng làm việc với nhau, đã chứng minh và khẳng định giá cước của các gói V-Tracking do Viettel cung cấp vẫn cao hơn so với giá cước các gói cước thông thường.
Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, các DN "hộp đen" phải gánh chi phí quá lớn trong mấy ngày vừa qua, cố gắng hết khả năng cũng chỉ "trụ" nổi đến ngày 10-11 tới, đề nghị các nhà mạng sớm có phương án, thiết kế gói cước mới phù hợp nhằm tháo gỡ cho DN. Tuy nhiên, đại diện Viettel cho rằng, đơn vị phải xem xét, trình lãnh đạo công ty và bộ chủ quản (Bộ Thông tin và Truyền thông), sớm nhất cũng phải đến ngày 16-11 mới triển khai được.
Ðại diện Viettel dự kiến sẽ đưa ra một gói cước mới phù hợp đặc thù của thiết bị "hộp đen", đề nghị Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam sớm có văn bản đề xuất để có căn cứ triển khai gói cước này (giá cước 10 nghìn đồng/tháng, "block" truy cập 10 KB + 10 KB, khi chuyển đổi sang gói cước mới không phải thay sim). Còn Vinaphone và MobiFone cũng đưa ra những gói cước khá linh hoạt và hấp dẫn đối với các DN vận tải.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần CH (Hà Nội), đơn vị cung cấp "hộp đen" cho gần 2.500 phương tiện phản ánh: Công ty sử dụng gói EZ 0 (sử dụng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu) của Vinaphone cho các "hộp đen". Trước đây, mỗi sim bình quân trả 10 đến 15 nghìn đồng/tháng, việc điều chỉnh "block" vừa qua đã khiến mỗi sim tăng vọt lên 300 - 400 nghìn đồng/tháng.
Phó Giám đốc Công ty Vinaphone Hoàng Trung Hải khẳng định khi điều chỉnh giá cước, Vinaphone đã cố gắng không để xáo trộn lớn đối với DN. Ngay trong chiều 30-10, Giám đốc Công ty cổ phần CH cho biết, Vinaphone đã làm việc với công ty và thỏa thuận bước đầu cung cấp trở lại gói EZ 10 rất phù hợp khả năng của công ty (giá cước 10 nghìn đồng/tháng, dung lượng sử dụng cho phép 50 Mb, block tính cước 10 KB + 10 KB). Còn Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Ðình Chiến đề nghị, các DN vận tải, đơn vị cung cấp "hộp đen" ký hợp đồng chính thức với công ty, công ty cam kết cho khách hàng dùng thử, lựa chọn gói cước phù hợp. Ðồng thời, có bộ phận chăm sóc khách hàng riêng cho loại hình này và cung cấp thiết bị theo dõi sim cho DN nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.
Theo Vụ trưởng Vận tải Khuất Việt Hùng, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 91/2009/NÐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải ô-tô, mở rộng phạm vi các DN phải lắp đặt "hộp đen" đối với ta-xi và xe tải chở hàng hóa thông thường. Như vậy, số lượng khách hàng cho các nhà mạng sẽ tăng lên rất lớn, nhưng đồng thời mỗi động thái của nhà mạng cũng gây những ảnh hưởng đến DN và xã hội. Do vậy, trong quá trình hoạt động, các DN và nhà mạng nên phối hợp, liên hệ trực tiếp và thương thảo trước khi có sự thay đổi chính sách, nhằm tránh sự xáo trộn, gây "sốc" cho DN vận tải như vừa qua.
Phó Cục trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Ðức Trung cũng cam kết sẽ tạo điều kiện, giải quyết nhanh về mặt thủ tục cho các DN viễn thông trong việc đưa ra gói cước mới. Ðồng thời, yêu cầu các DN viễn thông phải bóc tách rõ ràng giữa dịch vụ và hàng hóa đối với gói cước mới. Sim phải gắn được vào mọi thiết bị "hộp đen" để các nhà cung cấp đều có thể sử dụng được chứ không phải cung cấp gói cước chỉ dùng cho thiết bị và hệ thống phần mềm của mình.
Theo Nhân dân