Doanh nghiệp Việt bỡ ngỡ với thị trường ASEAN

12/04/2015 08:35

Thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành đã sắp tới, song đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn còn bị động, chưa được chuẩn bị cần thiết để nắm bắt cơ hội.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành, tạo nên một thị trường rộng lớn với 600 triệu dân và quy mô GDP có thể tương đương một nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Theo lộ trình, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa trong khu vực sẽ bằng 0, tạo nên một dòng chảy thương mại tự do, bên cạnh sự dịch chuyển về lao động, đầu tư, dịch vụ...

Với Việt Nam, ASEAN chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2005 - 2012. Do đó, AEC sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, song thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi này.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có chiến lược cụ thể, hữu hiệu khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành cuối năm 2015.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có chiến lược cụ thể, hữu hiệu khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành cuối năm 2015.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse nhận định nhiều doanh nghiệp hiện chỉ quen phục vụ thị trường nội địa, chưa am hiểu nhiều về các thị trường xung quanh nên không có những phân tích cụ thể về năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với các đối thủ trong khu vực.

"Doanh nghiệp Việt rất ít để ý đến điều đó nên chắc chắn sẽ có một giai đoạn trong quá trình hội nhập doanh nghiệp sẽ bị bất ngờ vì hàng hóa nước ngoài xâm lấn rất nhanh, nhiều đơn vị có thể rơi vào cảnh khó khăn", ông Phú chia sẻ với VnExpress bên lề hội thảo Cộng đồng kinh tế ASEAN và chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho hay bán lẻ sẽ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, bên cạnh các cam kết thuế của ASEAN + 6 bởi nhiều doanh nghiệp trong khu vực, đến từ Thái Lan, Malaysia đã trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới. Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lấy ví dụ: "Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Metro sẽ gây nguy cơ cạnh tranh lớn bởi đơn vị này chiếm 22% thị phần bán lẻ Việt Nam, thời gian tới 22% có thể trở thành hàng Thái Lan".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra thách thức với ngành nông nghiệp, vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam hiện tại. "Nông nghiệp 5 ăn 5 thua. Trồng trọt, lương thực thủy sản có cơ hội nhưng mia đường, đậu tương, ngô gặp khó. Chăn nuôi nguy cấp, 3 đối tượng chính là heo, gà và bò thua là chắc. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ thua thiệt. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế nội địa vì người dân có thói quen dùng thịt tươi. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi", ông nhận xét.

Tuy nhiên, các lãnh đạo cho rằng sẽ không có con đường nào khác và doanh nghiệp Việt buộc phải đối mặt với cuộc chơi này. "AEC đã sắp thành lập, khi khó khăn thì mọi người phải suy nghĩ", ông Phú nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước tiên, doanh nghiệp phải nắm chắc các cam kết để thực thi cho đúng, khẩn trương tái cơ cấu, xây dựng chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh. Không có lời khuyên chung cho doanh nghiệp nhưng bà Lan cho rằng doanh nghiệp nào cũng phải xác định lại lợi thế để chọn được sản phẩm mục tiêu, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, văn hóa kinh doanh phù hợp để có chỗ đứng và đi được chặng đường dài.

Một phương pháp khác dành cho doanh nghiệp nhỏ cũng được ông Phạm Đình Đoàn nêu ra, đó là liên doanh liên kết, dựa vào thế kể mạnh. Khi đó, lãnh đạo phải nắm được lợi thế của doanh nghiệp, ví dụ khi có đối tác hỏi mua phải trả lời là có bao nhiêu khách hàng, phân phối cho bao nhiêu doanh nghiệp, bởi đây chính là tài sản. "Khi mình nhỏ thì mình nên làm theo cách bỏ hết trứng vào một giỏ, chỉ khi rất to thì mới nên đa dạng hóa làm chuỗi cung ứng", ông nói thêm.

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Doanh nghiệp Việt bỡ ngỡ với thị trường ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO