Doanh nhân Phạm Đình Hạnh: Lấy thách thức làm cơ hội

20/02/2012 09:29

(Baonghean)- Trong cơn bão giá những năm 2008 - 2009, Công ty TNHH Hòa Hiệp do Phạm Đình Hạnh làm Giám đốc nổi lên như một điểm sáng của ngành Xây dựng công trình giao thông trên địa bàn, khi tìm được cho mình một cách đi riêng, lấy khó khăn thách thức làm cơ hội. Với cách làm này, "Hòa Hiệp" đang ngày càng trở thành một trong những đơn vị tư nhân xây dựng công trình giao thông thủy lợi có uy tín trong tỉnh.

(Baonghean)- Trong cơn bão giá những năm 2008 - 2009, Công ty TNHH Hòa Hiệp do Phạm Đình Hạnh làm Giám đốc nổi lên như một điểm sáng của ngành Xây dựng công trình giao thông trên địa bàn, khi tìm được cho mình một cách đi riêng, lấy khó khăn thách thức làm cơ hội. Với cách làm này, "Hòa Hiệp" đang ngày càng trở thành một trong những đơn vị tư nhân xây dựng công trình giao thông thủy lợi có uy tín trong tỉnh.


Trong một lần viết về các đơn vị xây dựng công trình giao thông khắc phục khó khăn, chia sẻ với chủ đầu tư là ngành Giao thông Vận tải, anh Hoàng Phú Hiền (lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án giao thông của Sở) giới thiệu với tôi về Công ty Xây dựng Hòa Hiệp, đơn vị mà ngành xem như "vị cứu tinh" giải quyết hậu quả khi các nhà thầu "bỏ của chạy lấy người".

Khi hàng loạt các gói thầu bị bỏ dở ảnh hưởng đến tiến độ phải cầu viện đến Công ty Hòa Hiệp, giám đốc Phạm Đình Hạnh đứng ra đảm nhận không một chút đắn đo, với một triết lý rất đơn giản: Họ có cần thì mới nhờ đến mình. Mặt khác, điều này đem lại công ăn việc làm cho người lao động, đấy là điều mà doanh nghiệp nào chẳng muốn.

Thế là hàng loạt gói thầu mà các nhà thầu "rút chạy": D11, 12, 14 đường ven Sông Lam 37 km, đường nối từ Thị trấn Quỳ Hợp, ngã ba Săng Lẻ, rồi các gói thầu khác trên đường Tây Nghệ An, đường Nam Cấm - Cửa Lò vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)... Công ty Hoà Hiệp đều đảm nhận.



Giám đốc Phạm Đình Hạnh (trái) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: V.T


Tại thời điểm đó, không một nhà thầu nào dám ôm cho mình "một đống" công trình như vậy. Nhưng đối với Phạm Đình Hạnh, anh có cách đi riêng của mình. Chắt chiu từng giọt dầu, từng cân nhựa đường, giàn máy móc hiện đại không phải thuê mướn giúp anh tự tin vào công việc.

Hiện nay, Hòa Hiệp có một giàn máy móc phục vụ công trình giao thông lên đến hơn 175 đầu chiếc, một con số mà những công ty mạnh cũng còn thèm. Tại thời điểm bão giá, một cơn bão khác góp phần quật ngã các nhà thầu là cơn bão vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá. Tỉnh siết chặt khai thác, làm giá đá tăng vọt. Các đơn vị thi công hàng ngày phải "chầu chực" trước mỏ mới kiếm được xe đá làm mặt. Khắc phục khó khăn, Hòa Hiệp dựng một máy xay đá, ra tận Hoàng Mai mua đá hộc về xay phục vụ các công trình của mình trên địa bàn tỉnh. Với cách làm này, giá thành của một khối đá giảm xuống vì tận dụng được hết: đá lớn trải mặt, đá nhỏ làm thảm, đến mạt đá cũng sử dụng được vào công trình...

Những năm đó, chưa kể những gói thầu mà đơn vị trúng, riêng những công trình mà Hòa Hiệp nhận lại của các nhà thầu khác khối lượng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để bảo đảm uy tín xây dựng, Hòa Hiệp luôn lấy chất lượng làm thước đo. Có thể so sánh tuyến Quốc lộ 48 từ Yên Lý - Thái Hòa với tuyến ngã 3 Săng Lẻ - Thị trấn Quỳ Hợp. Cũng thảm mặt 7 phân như nhau nhưng 2 tuyến đường hiện nay đã khác hẳn.


Theo Phạm Đình Hạnh, để có được thành công ngày hôm nay, Hòa Hiệp dựa vào 2 yếu tố: Con người và trang thiết bị. Đối với con người, Hòa Hiệp luôn giáo dục cho cán bộ, công nhân một lòng yêu nghề và tinh thông trong công việc. Điều đó phải bắt đầu từ Giám đốc - vốn trưởng thành từ một thợ xe máy trong quân đội, đi bộ đội từ năm 1972, ra quân năm 1993, anh luôn gắn bó với nghề máy móc cơ khí. Trong quân đội, ra trường 6 năm sau anh đã đạt bậc thợ 7/7. Hai lần thi thợ giỏi toàn quân đều đạt giải, điều đó dẫn đến 3 năm được tăng 4 bậc thợ. Máy móc cơ khí đối với anh trở thành niềm đam mê.

Lên công trường, nghe tiếng máy là anh biết được tình trạng máy như thế nào để chỉ đạo bảo dưỡng. Với anh, một lao động phải làm được nhiều việc, lái máy xúc phải biết sử dụng cả máy ủi... Để sử dụng dàn máy 175 chiếc, anh chỉ cần gần 200 thợ điều khiển. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được lao động, giảm chi phí...

Bên cạnh con người, phương tiện là một yếu tố quyết định đến thành bại của doanh nghiệp. Hiện nay Hòa Hiệp đang sử dụng các phương tiện thảm bê tông nhựa nóng hiện đại nhất khu vực phía Bắc. Từ trạm trộn cho đến máy trải thảm, hệ thống xe lu... anh Hiệp đều trực tiếp đến các hãng lớn ở Hàn Quốc, Mỹ... tìm hiểu trang thiết bị. Khi nhập khẩu, chọn những chi tiết mà trong nước không làm được. Giàn thiết bị đó hoạt động đến nay vẫn chưa cần phải bổ sung thêm.

Sau Tết Nhâm Thìn, trong một cuộc "trà dư tửu hậu", tôi hỏi anh về những điều tâm đắc trong nghề xây dựng công trình giao thông thủy lợi. Anh trả lời ngay là vượt khó. Rồi anh lấy ví dụ: Năm 2010, Hòa Hiệp được chỉ định thầu xây dựng cống Nam Đàn.

Đây là một công trình khó, địa chất phức tạp. Công trình nằm trên một con sông cụt. Người Pháp ngày xưa đã từng làm nhưng không xử lý được nên đành bỏ. Công trình phức tạp lại đòi hỏi tiến độ thời gian để vượt lũ đầu mùa. Đây là công trình mà công ty phải tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm tiến độ. Trước bão số 3 năm ngoái, đơn vị được giao nhiệm vụ lắp 3 cánh cửa cống để ngăn không cho nước lũ tràn vào, mỗi cánh nặng 13 tấn.

Để lắp được 3 cánh cửa cống phải có cẩu 100 tấn, trong lúc đơn vị chỉ có cẩu 50 tấn. Với kinh nghiệm của mình, anh sử dụng một máy đào nặng 46 tấn làm đối trọng để lắp thành công 3 cánh cống vào đúng vị trí. Vật lộn với mưa gió, hơn 12h đêm ngày 30/6, công việc mới hoàn thành. Từ lãnh đạo tỉnh, huyện đến anh em trực tiếp thi công mới thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng. Không chỉ có cống Nam Đàn, hiện nay công ty đảm nhận thi công các gói thầu khác: Quốc lộ 18 ở Quảng Ninh với tổng chiều dài 8 km, bãi rác Nghi Yên được tỉnh chỉ định thay thế một nhà thầu không đủ năng lực, rồi đường Tây Nghệ An, Đà Nẵng, Huế... sắp tới sẽ tham gia đấu thầu ở TP. Hồ Chí Minh.




Cống Nam Đàn do Công ty Hoà Hiệp thi công. Ảnh: P.Bằng

Với phương châm lấy thách thức, khó khăn làm cơ hội, từ một xưởng sửa chữa, mua bán máy móc xây dựng năm 1994 với 10 người, đến nay Hòa Hiệp đã trở thành một công ty xây dựng công trình giao thông hùng mạnh với 175 đầu phương tiện, hàng chục kỹ sư, hàng trăm công nhân lành nghề, đảm đương được nhiều công trình khó khăn phức tạp.

Doanh nhân Phạm Đình Hạnh: Lấy thách thức làm cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO