Độc lập dân tộc trong sự nghiệp đổi mới

19/08/2013 17:12

(Baonghean) - Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử,...

(Baonghean) - Kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử, hiểu sâu sắc hơn chân lý của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cách mạng tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, tự do đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày thống nhất đất nước, toàn dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng “xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn đoàng hoàng hơn” như Di chúc Bác Hồ để lại. Thời kỳ đổi mới mở ra triển vọng lớn cho đất nước Việt Nam phát triển; nhưng cũng từ đây, vấn đề độc lập dân tộc đặt ra những yêu cầu mới mang tính thời đại.

Con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng, Bác Hồ đã chọn là giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua 27 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, con đường đó không hề thay đổi. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới đất nước, độc lập dân tộc có những yêu cầu cao hơn trước đây. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, độc lập dân tộc thể hiện ở lập trường kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có con đường đó mới giữ được thành quả cách mạng mà dân tộc ta giành được trong 30 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Độc lập dân tộc thể hiện trước tiên là độc lập tự chủ về cương lĩnh, đường lối của Đảng, không lệ thuộc vào bất cứ thế lực chính trị nào. Đây là yêu cầu cao nhất của độc lập dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Trong thế giới “đa cực” với nhiều xu hướng chính trị khác nhau, Đảng ta kiên định lập trường “đổi mới nhưng không đổi hướng, hội nhập nhưng không hòa tan”, đó là biểu hiện của tinh thần độc lập dân tộc.

Với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, độc lập dân tộc không chỉ giới hạn trong phạm vị chế độ chính trị mà còn liên quan đến các lĩnh vực kinh tế. Dù kinh tế thế giới được toàn cầu hóa trong một “thế giới phẳng” nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, các thế lực đại diện cho chủ nghĩa tư bản luôn dùng đòn bẩy kinh tế làm áp lực hòng buộc Việt Nam thay đổi chế độ chính trị. Bởi vậy, trong phát triển kinh tế, Việt Nam vừa mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế tạo nguồn lực xây dựng đất nước vừa kiên định lập trường độc lập dân tộc, giữ vững chế độ chính trị.

Đảng ta thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng). Với đường lối đối ngoại đó, Việt Nam vừa tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế vừa giữ vững độc lập dân tộc, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Trong quá trình đổi mới, muốn giữ vững độc lập dân tộc phải có tinh thần tự lực tự cường về kinh tế. Nếu không phát huy tinh thần tự lực tự cường để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới thì Việt Nam sẽ phải chịu sức ép trong quan hệ giao lưu kinh tế. Độc lập về kinh tế là một yêu cầu quan trọng của độc lập dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Trong quan hệ quốc tế vừa đấu tranh vừa hợp tác hiện nay, độc lập về chính trị phải đi đôi với độc lập về kinh tế mới đảm bảo chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị; không vì hội nhập kinh tế làm ảnh hưởng đến ổn định chính trị, ngược lại phải đổi mới hệ thống chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Có như vậy thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, đất nước mới phát triển.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta phải hy sinh xương máu để giành độc lập tự do. Trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” (lời Bác Hồ) để không một thế lực nào xâm phạm quyền độc lập tự do của dân tộc.


Trần Hồng Cơ

Độc lập dân tộc trong sự nghiệp đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO