Đôi bàn tay thợ

25/09/2014 16:04

(Baonghean) - “Muốn nên người thì phải chịu lấm lem” - đó là câu động viên thường ngày của anh Nguyễn Văn Nam, ở khối Phan Bội Châu, Thị trấn Nam Đàn dành cho những người thợ trong cửa hàng sửa chữa xe máy và ga ra ô tô của mình. Câu nói ấy được đúc rút từ chính cuộc vật lộn mưu sinh, đi lên bằng nghề sửa chữa xe máy của người đàn ông 40 tuổi này...

Xưởng sửa chữa ô tô của anh Nguyễn Văn Nam.
Xưởng sửa chữa ô tô của anh Nguyễn Văn Nam.

Nghề nghiệp gia truyền của anh Nam là nghề dép lốp. Nghề này những năm trước đổi mới thịnh lắm, nhất là ở những vùng quê. Một cái lốp ô tô mua về được cắt xẻ thành lốp xe kiến an, dép cao su, gàu múc nước, chậu nước cao su, dây giun... tất cả những thành phẩm này đều rất cần thiết đối với việc sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn. Nhưng rồi cái nghề cực nhọc này của cha cộng thêm những buổi chạy chợ Sa Nam của mẹ vẫn không thể đưa gia đình anh thoát nghèo. Là anh cả trong gia đình 4 anh em, học hết cấp 2 thì Nam nghỉ học, khác với những chàng trai thị trấn mới lớn lêu lổng khác, Nam đã có ý thức phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Đầu thập niên 90, nghề dép lốp thoái trào, cuộc sống ngày càng phát triển, hàng hóa phong phú hơn, người dân Nam Đàn không còn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm từ cao su nữa. Lời lãi chẳng còn xứng đáng với những buổi còng lưng, mướt mồ hôi mài dao cắt lốp ô tô. Nam quyết định đổi nghề…

Thời điểm đó, ở Nghệ An đã có nhiều người mua xe máy, nhưng cửa hàng sửa chữa còn hiếm. Ở Thành phố Vinh, lác đác vài quán sửa chữa, thợ làm không kịp, còn ở Nam Đàn thì tuyệt nhiên chưa có hàng sửa chữa nào. Nguyễn Văn Nam khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề. Buổi sáng học ở trường nghề, buổi chiều và tối thì đến xưởng sửa chữa của người thân để thực hành. Năm 1993, khi đã vững vàng tay nghề, Nam về quê lập nghiệp. Hàng dép lốp được thu gọn lại, dẹp sang một bên để dành không gian cho anh mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Thời điểm này, đây là cửa hàng sửa chữa xe máy đầu tiên và duy nhất ở Thị trấn Sa Nam nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung.

Là cửa hàng sửa chữa độc nhất ở huyện, bản thân anh lại giỏi tay nghề, giá cả phải chăng nên luôn đông khách. Anh Nguyễn Văn Nam kể: “Nói là giỏi tay nghề, nhưng nhiều khi mình cũng thật sự bó tay trước nhiều trường hợp, khó nhất là phần điện, thứ đến là các loại xe đời mới với những đặc điểm riêng biệt. Khi đó, mình lại gọi điện vào Thành phố Hồ Chí Minh hỏi thầy, hỏi bạn, nêu bệnh trạng hư hỏng của xe để được thầy, bạn hướng dẫn cách sửa”. Nhờ học thầy, học bạn, tìm tòi nghiên cứu, học qua mỗi lần sửa chữa của mình, Nam đã thuộc lòng từng con ốc vít của xe máy, không hư hỏng nào không chữa được.

Từ yêu cầu thực tế của khách hàng và công việc, anh Nam nhập thêm phụ tùng xe máy về để bán, tuyển thêm thợ học việc phụ giúp. Có thời điểm, cửa hàng anh có trên 10 người đến học việc… Sau 2 năm, Nguyễn Văn Nam đã có tiền để xây dựng lại nhà cho bố mẹ. Căn nhà hai tầng khang trang được mọc lên thay thế cho căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Từ hai bàn tay trắng, từ lấm lem của dầu mỡ, anh Nguyễn Văn Nam đã có lưng vốn, cơ ngơi riêng cho mình, giúp em trai có tiền đi xuất khẩu lao động và hai em sau được học hành đầy đủ.

Đồng tiền làm ra khó nhọc, anh Nam tích cực tiết kiệm, tằn tiện chi tiêu, góp gió thành bão. Nghề sửa chữa xe máy dần phổ biến, ở Nam Đàn mọc thêm nhiều cửa hàng sửa chữa do chính “học trò” anh mở ra. Lúc này, anh Nam lại tính toán tìm một hướng mới cho mình: Từ tiền công sửa chữa xe máy, tiền mua bán phụ tùng xe máy, anh gom góp lại mua thêm đất, buôn đi bán lại kiếm lời. Nhận thấy Nam Đàn đang khuyến khích phát triển trang trại, anh Nam góp vốn cùng bạn bè thuê đất nuôi cá và ba ba. Con em ở địa phương thoát ly vào phía Nam lập nghiệp ngày mỗi đông, nhu cầu đi lại lớn, anh Nam mạnh dạn đầu tư mua xe ô tô vận chuyển hành khách đường dài Nam Đàn – Thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc ô tô khách đầu tiên đã “đẻ” ra chiếc thứ hai và hiện tại, hai chiếc ô tô cũ đã được đổi đời thành hai chiếc ô tô giường nằm hiện đại chạy tuyến Bắc - Nam.

Xác định gốc tích của mình là thợ sửa chữa, anh Nam vẫn giữ lại cửa hàng sửa chữa xe máy, nhưng để cho 5 - 6 người thợ của mình làm là chủ yếu, những ca khó anh mới “ra tay”. Trên mảnh đất rộng ở gần nhà mà anh mua được, 3 năm trước, anh Nam mở ga ra sửa chữa ô tô – và là ga ra sửa chữa ô tô đầu tiên ở huyện Nam Đàn. Hỏi chuyện thu nhập và tổng tài sản sau hơn 20 năm làm thợ sửa chữa, anh Nam chỉ cười. Trong nụ cười của anh thấy rõ niềm vui, sự tự hào – nghề sửa chữa xe máy và bây giờ là ô tô đã giúp anh xây dựng bền vững kinh tế gia đình, giúp đỡ bố mẹ và các em cũng như giúp thêm nhiều người khác có việc làm. Bên chén trà thảnh thơi sau giờ làm, tự nhận mình là người ít chữ, nhưng anh Nam cũng mạnh dạn đọc tôi nghe một câu thơ viết về tướng quân Trần Khánh Dư mà anh tâm đắc: “Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác/ Nhưng lệ trời kia lắm kẻ hàn”, câu thơ cũ vận vào cuộc sống hôm nay, ôm ấp hoài bão thoát nghèo, làm giàu của người thợ sửa chữa...

Bài, ảnh: Thanh Sơn

Mới nhất
x
Đôi bàn tay thợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO