Đôi chân khuyết và ước mơ giảng đường
(Baonghean.vn) - Mang theo quyết tâm và giấc mơ trở thành dược sĩ, vượt hàng trăm km từ Tân Hợp (Tân Kỳ) xuống thành Vinh dự thi đại học, thí sinh khuyết tật Nguyễn Thị Phúc đã phải khó khăn lắm mới vật lộn được với chuyến xe khách đông chật và nóng nực. Thế nhưng, nếu biết rằng, đã hơn 17 năm nay, mỗi ngày của Phúc đều là hành trình gian khổ chiến đấu với tật bệnh và khát khao học tập thì mới thấy thấm thía và cảm phục người con gái nhỏ bé ấy xiết bao.
Nguyễn Thị Phúc tự tin bước vào điểm thi chiều nay. |
Sáng 9/7, nhiều phụ huynh và thí sinh ở điểm thi trường THCS Đặng Thai Mai (Tp. Vinh) tấm tắc khâm phục khi thấy hình ảnh hai mẹ con thí sinh Nguyễn Thị Phúc đang loay hoay dìu nhau bước vào cổng trường thi. Trường hợp đặc biệt này nhanh chóng được các tình nguyện viên giúp đỡ, hỗ trợ tận tình, nhưng trái với suy đoán của nhiều người, trên khuôn mặt ngời sáng thông minh của Phúc, thay vì rụt rè, nhút nhát như tâm lý thông thường, thì lại toát lên vẻ tự tin của một cô bé bất chấp nghịch cảnh, biết rõ mục tiêu phấn đấu của cuộc đời mình.
Chị Nguyễn Thị Hằng (mẹ Phúc) năm nay chưa đầy 40 tuổi. Theo sát bên con, đỡ người con nhích lên từng chút một, xuýt xoa khi thấy đôi nạng gỗ dường như làm con đau nhói mỗi khi trở người, dường như với người mẹ ấy, những nỗi đau quá lớn trong cuộc đời chưa phải là dài đã làm chị già dặn hơn trước tuổi. Sinh ra đứa con gái đầu với nhiều mong đợi, hy vọng, chị đặt tên con là Phúc, với ý nghĩa con sẽ được sống hạnh phúc, vui vẻ, may mắn suốt đời. Thế nhưng ông trời nỡ trêu ngươi, bắt con chị khuyết đi đôi chân ngay khi vừa mới sinh ra. “Khi Phúc vài tháng tuổi, gia đình đã thấy chân cháu không bình thường, không phát triển như những đứa trẻ khác. Đến tuổi tập ngồi, tập đi, Phúc cũng vẫn chỉ nằm một chỗ. Gần 5 tuổi, em nó mới nhúc nhắc lết đi vài bước!”- chị Hằng nhớ lại trong những nghẹn ngào.
Từ miền quê nghèo khó Tân Kỳ, chị đã gạt nước mắt bán đi tất cả những gì có thể bán, vay mượn, chạy vạy khắp làng trên xóm dưới để đưa Phúc đi bệnh viện. Tất cả dược sĩ đều kết luận, đôi chân khuyết của Phúc là di chứng đớn đau của chất độc da cam- dioxin! Trong kháng chiến chống Mỹ, ông nội và ông ngoại của Phúc đều kinh qua những trận chiến khắp núi rừng miền Nam, và chất độc oan nghiệt ấy mười mấy năm sau, đã cướp đi sinh mạng của cả hai người. Phúc là cháu gái đầu, là thế hệ thứ 3, là nạn nhân thống khổ của thứ chất độc giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại ấy!
Phúc được các tình nguyện viên tận tình hỗ trợ. |
Không có đôi chân lành lặn, lúc nhỏ, Phúc lết đi bằng tay, lớn dần, Phúc được bố mẹ chặt cho chạng ba cành cây làm nạng gỗ. Đau đớn lắm những bước đi đầu tiên, đau đớn đến bật máu, và tủi hờn, mặc cảm, tự ti… Rồi những khi mưa nắng thất thường và cả những tiếng động lớn, cơn đau đầu nhói quặn từ đâu ập đến, đè nặng lên người con gái đang tuổi thiếu thì ấy. Nhưng vượt qua tất cả, Phúc đã nỗ lực ý chí đến cùng để đứng vững, tự tin bước đến trường đúng như niềm tin bố mẹ em đã gửi trao vào cái tên của mình. 12 năm học đường, Phúc hiếm khi nghỉ học, biết bao giấy khen của nhà trường được treo trang trọng trong ngôi nhà trống trước, hụt sau là thành quả miệt mài học tập thực sự của Phúc. Trong kỳ thi ĐH- CĐ năm nay, Phúc tự tin ghi tên mình vào hồ sơ dự thi trường ĐH Y khoa Vinh. “Từ nhỏ, em đã ước mình trở thành dược sỹ để có thể giúp đỡ phần nào những hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn. Nếu người khác chỉ cần cố gắng thôi, thì em biết mình phải nỗ lực gấp mười lần. Nhưng em tin mình sẽ làm được!”- Nguyễn Thị Phúc chia sẻ thẳng thắn và quyết tâm trước giờ thi môn đầu tiên.
Khi bài viết này đến với độc giả, thì Phúc đã kết thúc môn thi thứ hai của mình. Em bảo đã nhờ các bạn phòng trọ bên cạnh dò lại bài làm, so sánh kết quả và khá vững vàng với bài làm của mình. Chỉ còn sáng ngày 10/7 nữa thôi, mẹ con em sẽ khăn gói về quê để chờ đợi kết quả cuối cùng. Là nói vậy, nhưng đâu đó trong ánh mắt xa xăm của Phúc, vẫn thoáng gợn lên những buồn lo: “Đi thi dĩ nhiên là mong đậu rồi, nhưng nếu đậu, em sợ là gánh nặng cho bố mẹ. Đi học ở thành phố có lẽ là tốn kém lắm, ở quê chỉ trông vào ruộng nương, biết làm thế nào…” Phúc bỏ lửng câu nói, khẽ nghiêng đầu ra phía khác, không dám nhìn vào ánh mắt bối rối của người mẹ đang dợm ngồi trên góc giường đầu kia. Phải rồi, những toan lo về kinh tế là có thật, khi mà để xuống thành Vinh dự thi, mẹ em đã phải ngược xuôi lắm mới lo tròn kinh phí xe cộ lên xuống, tiền trọ 140 ngàn đồng/ ngày, rồi ăn uống, thuốc men của Phúc…
“Khổ thân con bé, nhẽ ra đi thi đại học phải được tí bồi dưỡng thêm, nhưng bố mẹ chỉ lo được đến thế, có gì ăn nấy!”- Chị Hằng thở dài. Sáng nay, mẹ con gọi nhau dậy sớm ăn qua quýt ổ bánh mỳ, ở trọ cách trường thi hơn 500m, may mà có người phụ huynh ở Yên Thành cũng đưa con đi thi đại học, ở trọ phòng kế bên thương tình cho mượn xe máy. “Chở Phúc đi bằng xe máy, cháu đỡ đau hơn chống nạng đi bộ. Đến trường thi, các cháu tình nguyện giúp đỡ tận tình. Nhiều người tốt bụng quá!”- chị Hằng mỉm cười chia sẻ- nụ cười nhọc nhằn và xa xót của người mẹ trong ráng chiều chạng vạng, dễ làm người đối diện liên tưởng đến những bất hạnh trong cuộc đời, thế nhưng không, ở mẹ con chị, lại toát lên niềm tin và hy vọng vào những điều tươi sáng đang chờ đợi ở phía trước./.
NPV