'Đội đặc nhiệm' giữa đại ngàn Pù Mát
(Baonghean.vn) - Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, có một nhóm bảo vệ rừng khá đặc biệt. Công việc của họ là mỗi tháng ăn, ngủ trong rừng suốt hơn 2 tuần với nhiệm vụ chính là tuần tra, vây bắt những kẻ săn, bắn động vật hoang dã trái phép; đồng thời, tháo gỡ những bẫy thú giăng chi chít trong rừng.
“Ăn rừng, ngủ bụi” để giải cứu động vật hoang dã
Trung tuần tháng 12, dưới cái rét căm căm của những đợt gió mùa đầu tiên, Nguyễn Hữu Trung (28 tuổi) vẫn đang cùng với đồng nghiệp của mình gói ghém đồ đạc, chuẩn bị cho chuyến đi rừng dài ngày. Để ứng phó với mưa rét trong những ngày ăn, ngủ giữa rừng sâu, họ phải gùi trên lưng khá nhiều tư trang. Đây là chuyến đi rừng dài ngày cuối cùng trong năm 2022 của đội.
Trung là điều phối viên của Đội Bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát. Đội này còn gọi là Đội Antipoaching - biệt đội lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam để hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm. Ngoài ra, đội còn có thêm nhiều tên gọi khác như “Biệt đội bảo vệ thú rừng” hay “Đội đặc nhiệm”… Đội có 15 người, trong đó, Trung chịu trách nhiệm lên kế hoạch và phối hợp với kiểm lâm viên triển khai các tuyến tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng và kịp thời ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại khai thác động, thực vật tại Pù Mát.
Đội do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam thành lập và chi trả lương từ năm 2018. Họ hầu hết là kỹ sư, cử nhân lâm nghiệp, được tuyển dụng, đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng. Không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đi rừng, sức khỏe tốt, để được chọn, ứng viên phải yêu rừng, đặc biệt, yêu động vật hoang dã. Thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, khó tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng từ khi được tuyển chọn, 15 thành viên của đội rất gắn bó, đam mê với công việc.
Hành trình gian nan. Ảnh: H.T |
Nguyễn Hữu Trung quê ở huyện Thanh Chương, tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp xong thì về gắn bó với núi rừng Pù Mát. Đặc thù công việc thường ở trong rừng sâu, có khi cả tháng Trung không về quê ngày nào. Làm việc trong đội này, mỗi tháng ít nhất phải có 2 chuyến đi rừng, mỗi chuyến thường kéo dài hơn 1 tuần. Hành trang mang theo của họ là gạo, cá khô, thịt lợn ướp muối, nồi, võng, tăng, thuốc men... Mỗi người gùi 1 bao tải nặng chừng 20 kg trên lưng. Để có sức băng rừng dài ngày trong điều kiện thời tiết bất lợi, họ còn kèm theo vịt, gà lủng lẳng bên hông để vào rừng ăn lấy sức. Mỗi lần vào rừng, họ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm chỉ chừng khoảng 5 người.
Mỗi chuyến đi rừng như thế, nỗi sợ lớn nhất đối với họ là những cạm bẫy do thợ săn đặt chi chít trong rừng như thiên la địa võng. Nếu không cẩn thận, người đi rừng rất dễ gặp nạn. Ngoài ra, còn gặp phải sự chống trả quyết liệt của những kẻ đi săn thú rừng, với những khẩu súng săn tự chế luôn lăm lăm trên tay. Trong khi đó, gọi là “Đội đặc nhiệm”, nhưng họ vẫn không có công cụ hỗ trợ nào. Mỗi chuyến đi như thế, ngày thì họ băng rừng, lội suối, đêm đến mắc võng ngủ. Có ngày, các thành viên trong nhóm đã phải đi cả chục cây số trong rừng vẫn không gặp nguồn nước. Không có nước, ban đêm các thành viên phải dùng bao ni lông mang theo hứng nước sương từ thân cây lớn có rêu mọc để dùng. Vắt, muỗi rừng, ruồi vàng, cành cây mục gãy đổ và lũ ào về bất ngờ là những mối đe dọa thường trực.
Giải cứu thú rừng dính bẫy. Ảnh: H.T |
Trả nợ rừng xanh
Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi còn gặp một nhân vật khá đặc biệt. Đó là Nguyễn Văn Huy (41 tuổi), quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh Huy hiện là nhân viên làm việc bán thời gian cho “Đội đặc nhiệm”. Quê nhà nằm sát Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, từ nhỏ Huy đã thông thuộc núi rừng, sống dựa vào rừng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi rừng, anh là cánh tay đắc lực cho cả đội trong mỗi chuyến tuần tra.
Hơn 20 năm trước, anh Huy lần đầu tiên đặt chân đến Vườn Quốc gia Pù Mát theo chân những người đồng hương để đi tìm trầm. Kể từ đó, những cánh rừng già dọc biên giới xứ Nghệ này anh thông thuộc đến từng con suối. Hành trình đi tìm trầm kéo dài vài tháng giữa rừng, những lúc thiếu thức ăn, việc săn, bắt thú rừng để làm thịt là chuyện không thể tránh khỏi. Chính vì thế, ngoài kỹ năng tìm trầm, anh Huy cũng dần trở thành tay săn thú điêu luyện. “Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất đó là nhóm người như anh Huy còn thường xuyên dạy người dân địa phương cách săn, bắt thú rừng hiệu quả”, anh Nguyễn Hữu Trung nói về người từng đối đầu, nhưng nay đã là đồng nghiệp thân thiết của nhau.
Cho đến một ngày cuối năm 2018, nhóm tìm trầm gồm 4 người ở tỉnh Quảng Bình, trong đó có anh Huy đang vượt rừng Pù Mát để sang Lào thì bị “Đội đặc nhiệm” và lực lượng kiểm lâm, biên phòng phát hiện. Cả 4 người bị đưa về đồn biên phòng gần đó. Tại đây, 4 người bị xử phạt hành chính mỗi người 300.000 đồng về hành vi xâm nhập trái phép khu vực biên giới. Khi 4 người đang bị lập hồ sơ xử lý, ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát đã trực tiếp đến gặp, hỏi thăm. Biết những người này rất giỏi đi rừng và rành rọt địa hình rừng Pù Mát, nên ông Cường ngỏ ý thuê 4 người ở lại. 2 trong số đó đã nhận lời, tuy nhiên, đến nay chỉ còn mỗi anh Huy bám trụ lại với công việc này.
Kể từ khi thành lập đến nay, “Đội đặc nhiệm” này đã thực hiện hơn 2.000 chuyến tuần tra, với 7.466 ngày đi bộ trong rừng. |
Dù chẳng có bằng cấp, cũng không được đào tạo, nhưng kinh nghiệm đi rừng của anh Huy đã khiến cho cả đội phải thán phục. Mỗi chuyến tuần tra, băng rừng hàng chục km, không cần đến bản đồ, nhưng chưa bao giờ anh Huy dẫn đoàn đi lạc. Anh chỉ cần nhìn tán rừng và lớp rêu mọc trên thân cây rừng là nhận biết được các hướng. Những kinh nghiệm đi rừng và cách phát hiện, đối mặt với lâm tặc, thợ săn ở Pù Mát đã được anh Huy truyền lại cho đồng đội. “Lâm tặc” ở Pù Mát cũng là dân sống nhiều thế hệ ở rừng, việc đi rừng, đối phó với lực lượng bảo vệ rừng cũng “không phải dạng vừa”. Sau khi loại bẫy dông được giăng khắp rừng bị phát hiện, phá hủy, thợ săn chuyển sang bẫy lẻ và không dựng lán ở nơi dễ phát hiện. Tuy nhiên, những tay thợ săn này cũng không qua được mắt của Nguyễn Văn Huy.
Kể từ khi thành lập đến nay, “Đội đặc nhiệm” này đã thực hiện hơn 2.000 chuyến tuần tra, với 7.466 ngày đi bộ trong rừng. Họ cũng tính quãng đường đi bộ của cả đội lên tới 68.665 km. Trong những chuyến đi rừng đó, Đội phát hiện 861 người vi phạm, lập biên bản xử lý 370 người. Ngoài ra, họ còn tháo gỡ được gần 15.000 bẫy thú, phát hiện 311 động vật bị săn, bắn, vận chuyển; phá hủy hơn 1.000 lán trại của người đi săn…. Thông qua bẫy máy ảnh, Vườn Quốc gia Pù Mát đánh giá, kể từ khi đội được thành lập, số lượng thú rừng trong vườn tăng lên đáng kể.