Đôi điều suy nghĩ về văn hoá ứng xử và phục vụ trên sân Vinh

26/05/2011 10:50

Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp năm nay, với thành tích thi đấu ấn tượng của mình, Đội bóng Sông Lam Nghệ An đã dần dần chinh phục và kéo khán giả trở lại với sân Vinh. Lâu lắm rồi, người hâm mộ lại mới được chứng kiến không khí bóng đá sôi động ngày nào.

(Baonghean) - Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp năm nay, với thành tích thi đấu ấn tượng của mình, Đội bóng Sông Lam Nghệ An đã dần dần chinh phục và kéo khán giả trở lại với sân Vinh. Lâu lắm rồi, người hâm mộ lại mới được chứng kiến không khí bóng đá sôi động ngày nào.

Tuy nhiên, khi xem bóng đá trên sân Vinh, ngoài hài lòng với kết quả thi đấu của đội SLNA trên sân nhà thì người hâm mộ chân chính vẫn còn phiền lòng vì những chuyện không đáng có.

Trong khi một số khâu của công tác tổ chức trên sân vận động đã dần đi vào chuyên nghiệp và nền nếp thì công tác phục vụ cho cổ động viên trên khán đài A vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta đều biết, ở các sân vận động lớn, để bán được vé và thu hút được khán giả, ngoài chăm lo sân cỏ, ngày thường Ban quản lý sân vận động phải tổ chức lau dọn, đảm bảo ghế sạch sẽ; khán giả đến sân là được thưởng thức bóng đá. Thế nhưng, điều này dường như là quá xa xỉ đối với sân Vinh nói riêng và các sân vận động nước ta nói chung. Nếu trận đấu diễn ra sau khi trời mới mưa, các hàng ghế ngồi quá bẩn. Ngoài bùn đất do giày dép dẫm lên ghế, có khi hàng dãy ghế rất bẩn, do thời gian dài không được lau dọn, chăm sóc.

Cùng với công tác vệ sinh lau dọn sân vận động kém, các khán giả cũng chưa có ý thức, khi xem xong mỗi trận đấu, sân vận động chẳng khác nào một bãi rác thải với cơ man nào là giấy báo, vỏ chai nhựa, ống hút…

Trận đấu mới đây nhất trên sân Vinh khi SLNA gặp Đồng Tâm Long An, một xích mích nhỏ dẫn đến lời qua tiếng lại giữa 2 khán giả trên khán đài A vì chuyện số ghế ghi trên vé. Hai khán giả đều có vé, 1 người là vé mời và 1 người vé mua. Vé mời không ghi số ghế còn vé mua thì ghi rõ số ghế. Khi người mua vé tìm đến số ghế của mình nhưng đã bị người mua vé mời ngồi nên không còn chỗ nữa, nên tranh chấp xảy ra.

Chúng tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên trên sân Vinh khán giả phàn nàn, buồn bực vì bỏ tiền mua vé đến sân nhưng không có chỗ để ngồi. Nhắc lại sự việc này chúng tôi cũng sực nhớ, trước đây khi đi xem bóng đá, Ban tổ chức sân yêu cầu khán giả ngồi đúng chỗ của mình nhưng vài mùa giải gần đây, do số khán giả ít đến sân nên quy định này không được chú ý.

Để đảm bảo quyền lợi của người mua vé cũng như hình thành thói quen ứng xử văn minh, có văn hoá trên sân vận động, nên chăng Ban tổ chức sân Vinh nên phổ biến và áp dụng trở lại quy định này. Đây không chỉ là trách nhiệm của Ban tổ chức sân đối với khán giả mà còn là cử chỉ góp phần mang niềm vui trọn vẹn cho người hâm mộ khi đến sân vào mỗi chiều cuối tuần.


Nguyễn Hải

Đôi điều suy nghĩ về văn hoá ứng xử và phục vụ trên sân Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO