Đôi đũa trong cuộc sống người Thái

17/04/2014 22:46

(Baonghean) -Từ xa xưa, hình thức canh tác của người Thái đã có sự xen kẽ giữa làm ruộng nước và phát nương làm rẫy. Gặt lúa nương về và giã thành gạo trắng, người Thái dùng chõ hông lên thành cơm xôi, họ đựng cơm xôi vào trong các “ẹp khàu”. Ẹp khàu có cấu tạo đặc biệt gồm hai ngăn đựng khác nhau, kích cỡ to nhỏ gần bằng nhau, cho phép khi đựng cơm xôi ở độ vừa phải, hai ngăn ẹp có thể úp khít vào nhau như đậy nắp. Mỗi ngăn được đan bằng hai lớp nan mây tách biệt, tạo ra một khoảng không khí, ngăn sự thoát nhiệt ra bên ngoài, vừa giữ cho cơm xôi nóng ấm được lâu, vừa để cho hơi nước lưu thông qua để cơm xôi bị không bị hấp hơi, chóng nhão… Khi ăn cơm xôi, xôi được vắt thành từng nắm, chấm với món chẻo - một loại muối vừng đặc biệt do người Thái tự chế biến, và cũng có nhiều món chẻo khác nhau.

Thế nhưng, điều đó đã không làm cho việc dùng đũa trở nên xa lạ đối với người Thái. Trong tục ngữ, ca dao người Việt, có thể bắt gặp các câu tục ngữ về đôi đũa: Vơ đũa cả nắm, Đũa mốc chòi mâm son, So bó đũa chọn cột cờ… Còn đối với người Thái, đôi đũa không đơn thuần chỉ là vật dụng phục vụ cho việc ăn uống, nó còn thể hiện một nét tâm linh trong sinh hoạt hàng ngày, và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng.

Ngày nay, người Thái đã có nhiều đổi thay về kiến trúc nhà, trang phục và cả thay đổi về… đôi đũa trong mâm cơm. Nhà sàn vẫn được người Thái coi như nét văn hóa truyền thống và cố gắng níu giữ, nhưng nhà sàn chỉ còn thích hợp với một số người có khả năng về kinh tế. Quần áo dệt may công nghiệp tiện lợi và bền hơn váy áo sản xuất từ bông vải tự trồng và tự dệt. Còn đôi đũa dùng trong mâm cơm, đa phần được chế tác từ máy móc, tuy thế những đôi đũa do các cụ già tự vót và mang ra chợ bán vẫn tiêu thụ đều đặn. Ngày nay, người Thái quanh năm cũng đã trồng lúa tẻ và sử dụng cơm tẻ như người Kinh; trong mâm cơm cũng luôn có các món canh, món xào… và việc sử dụng đũa đã như là một việc đương nhiên.

Câu thành ngữ Đũa mốc chòi mâm son cho thấy sự chênh lệch, khập khiễng trong vai vế về quan hệ hôn nhân, trai gái - trong đó hình ảnh đôi đũa (mốc) bị chê là không tương xứng với một cái mâm đẹp. Còn trong lời hát bày tỏ tình cảm của các chàng trai người Thái, lại dùng đôi đũa để so sánh và tôn vinh vẻ đẹp của người bạn tình. Hãy nghe lời họ hát trong đêm giao duyên “Quam púc xáo” (đánh thức bạn tình): “Làn da em như là trứng bóc/ Như là cánh hoa bưởi Mường Thanh/ Dáng em như đôi đũa ngà đũa ngọc/ Khảm vàng dát bạc lung linh…”.

Thầy mo đang
Thầy mo đang "bắt quyết",

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày lễ tết, trong lễ buộc chỉ cổ tay (hằng vắn), hoặc trong cả các dịp lễ “xăng khan” hay “xên bản, xên mường”, các thầy cúng hoặc thầy mo đứng ra hành lễ nhất thiết không được bỏ qua mấy lời cúng mang vẻ tôn vinh đối với những đôi đũa quý được lựa chọn dùng trong mâm cúng: “Mí tấng thù mạy hịa mạy hàng pong bảng/ Thù mạy hốc mạy xáng pong nen pong xừ”. Tạm dịch: Đũa này vót từ cây nứa cây dang ống đẹp,/ Vót nên từ cây mạy hốc, mạy xang (thuộc họ tre) ống thẳng ống thon”.

Đặc biệt, với mâm lễ buộc chỉ cổ tay cho một người cụ thể, việc lấy đũa đặt vào mâm cúng được người thân như bố/ mẹ hoặc vợ/ chồng, anh chị em… nắm lấy đũa trong ống theo kiểu hú họa (chỉ trong một lần). Nếu số đũa không bị lẻ đôi, mới được tiến hành cúng lễ; trường hợp ngược lại thì phải cho một người thân khác đến chọn, cho đến lúc bằng được mới thôi. Việc chọn được số đũa không bị lẻ đôi, coi như là sự thể hiện một “thông điệp bí ẩn” của hồn vía, rằng hồn vía của người được làm vía đã sẵn sàng để tham gia trong lễ cúng vía.

Trong các câu chuyện cổ tích, thể nào cũng có kể về những thầy phù thủy với những đôi đũa thần, đũa phép... Các thầy mo của người Thái khi tiến hành làm các lễ cúng cũng có ít nhất là chục đôi “đũa phép”. Thực ra, đấy là những đôi đũa “bắt quyết” của họ. Loại đũa này nhỏ và dài hơn các loại đũa thông thường, được làm bằng gỗ mun, bằng sừng hoặc các loại chất liệu quan trọng khác (những vật liệu này có lúc cũng mang tính bí hiểm và có thể trấn áp tà ma). Các thầy mo sử dụng loại đũa này để “bắt quyết” trong việc mo của họ, giúp cho họ “giải mã” được thông tin liên quan đến việc mo, chứ không bao giờ dùng đũa này trong ăn uống... Khi làm việc mo, đến công đoạn cần nắm bắt ý nguyện của thần linh, thầy mo xốc xốc ống đũa quyết, chọn hú họa lấy một phần trong số đó rồi kẹp từng đôi vào giữa các kẽ ngón tay. Làm vài ba lượt như thế, theo một cách tính riêng của họ, thầy mo đó sẽ biết được ý nguyện của thần linh hoặc kết quả của việc mo, nếu chưa trọn vẹn thì phải đọc lại lời cầu khấn, bổ sung các lễ vật còn thiếu, hoặc tăng thêm số lượng các lễ vật đã có, hoặc v.v…, cho đến lúc hiệu quả việc mo được coi là trọn vẹn, thầy mới đưa ra lời phán bảo của mình.

Còn trong đám ma, bát cơm cúng cho người vừa chết được đặt ngay phía đầu quan tài, với một đôi đũa duy nhất cắm thẳng đứng giữa lòng bát cơm. Một mâm cúng định riêng cho người đã qua đời, nhưng chưa được làm lễ rước đặt vào hàng ngũ gia tiên, cũng chỉ dùng một đôi đũa. Vậy nên, trong một gia đình người Thái, khi dọn cơm cho bất cứ ai, dù chỉ có một người ngồi ăn, cũng phải đặt trong mâm từ hai cái bát, hai đôi đũa trở lên, để tránh kiêng kị...

Ngẫm ra, cách sử dụng đối với một đôi đũa giản đơn trong gia đình cùng với cách gắn kết ý nghĩa của chúng trong lời hát giao duyên, với các lễ cúng và sinh hoạt tâm linh của người Thái đã thể hiện một nét nhân sinh quan và vũ trụ quan của cộng đồng; là nét văn hóa luôn được lưu truyền và hàng ngày vẫn tiếp tục hiện diện trong cuộc sống sinh hoạt của người Thái. Những nét độc đáo trong “kho kiến thức” về tập tục riêng của một cộng đồng (trong đó có cả người Thái) sẽ giúp chúng ta tìm ra cách hòa nhập tốt nhất với đồng bào, phát huy những mặt tích cực, bài trừ các mặt tiêu cực, góp phần làm cho cuộc sống người dân trong các bản mường luôn được bình an, no ấm!

Sầm Văn Bình

(Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp)

Đôi đũa trong cuộc sống người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO