Đổi mới công nghệ khai thác than: Còn nhiều việc phải làm!
Hơn một thập kỷ qua, từ một nền công nghệ khai thác than lạc hậu, thủ công, đến nay, Vinacomin đã có những bước phát triển ngoạn mục về khoa học công nghệ, nhất là trong thiết kế, thi công, kiểm soát an toàn khí nổ, bục nước, sập đổ lò... Tuy nhiên, Vinacomin vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hơn một thập kỷ qua, từ một nền công nghệ khai thác than lạc hậu, thủ công, đến nay, Vinacomin đã có những bước phát triển ngoạn mục về khoa học công nghệ, nhất là trong thiết kế, thi công, kiểm soát an toàn khí nổ, bục nước, sập đổ lò... Tuy nhiên, Vinacomin vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa
Nhiều nỗ lực…
Đột phá quan trọng nhất của Vinacomin là sau năm 2005, các đơn vị thuộc Vinacomin đã thực hiện chống gỗ trong hầm lò bằng vì chống thủy lực, góp phần giảm tổn thất, tăng sản lượng lò chợ từ 50.000 - 60.000 tấn/năm lên 150.000 - 200.000 tấn/năm. Tiếp theo đó, sau năm 2008, cũng tại Khe Chàm, người ta đã thấy những cỗ máy khẩu than cho ra những tấn than bằng máy trong các đường lò. Năng suất tiếp tục được đẩy lên 400.000 – 500.000 tấn/năm cho 1 lò chợ. Đó thực sự là những bước nhảy vọt về công nghệ khấu than và chống lò.
Song song với đó, Vinacomin cũng đưa hàng loạt dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại vào lĩnh vực tuyển than, giúp tận thu mỗi năm hàng triệu tấn còn trong bã sàng, nâng cao chất lượng than nguyên khai, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Đặc biệt, việc đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ mêtan tự động vào trong hầm lò đã giúp Vinacomin làm chủ trong việc đánh giá hàm lượng khí mêtan trong các vỉa than. Vinacomin đã thành lập Trung tâm An toàn mỏ nhằm đưa trình độ công nghệ quản lý khí mỏ sánh ngang tầm các nước phát triển trên thế giới. Nhờ đó, hàng loạt hệ thống tự động quan trắc khí mêtan tập trung đã được đưa vào hoạt động ở hầu hết các mỏ hầm lò và được kết nối với mạng internet để giám sát từ xa. Đây là những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mới chỉ là một bước chuyển mình khá ngoạn mục. Để theo kịp công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, Vinacomin vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vinacomin đang tích cực chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai một số dự án KHCN cấp nhà nước về thiết kế, xây dựng và khai thác thực nghiệm một mỏ hầm lò nhằm tìm lời giải cho việc khai thác than đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, nghiên cứu, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ KHCN sát thực với sản xuất. tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, tiếp cận KHCN tiên tiến của thế giới. |
…nhưng chưa được như mong đợi
Thực tế cho thấy, tỷ lệ than khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa cũng như số mét lò đào bằng máy của Vinacomin còn thấp. Một số dây chuyền cơ giới hóa (CGH) đồng bộ sử dụng dàn chống Vinaalta áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu, Vàng Danh, dàn 2ANSH áp dụng tại Công ty than Uông Bí, Mạo Khê cũng chưa đạt được công suất thiết kế do điều kiện địa chất phức tạp, thiết bị vật tư thay thế còn chưa kịp thời. Mặc dù có thời điểm lò chợ CGH của Nam Mẫu đã hoạt động ổn định với sản lượng đạt khoảng 35.000 tấn/tháng. Một số loại hình công nghệ phù hợp tiếp tục được áp dụng tại các đơn vị với sản lượng khai thác cao như: Giá thủy lực di động dạng khung, xích chiếm khoảng 21% sản lượng khai thác; giá thủy lực di động XDY chiếm 27-29% sản lượng khai thác; cột thủy lực đơn chiếm 21-24% sản lượng than khai thác.
Tương tự, khối lượng mét lò đào bằng máy cũng còn thấp. Công tác phá vỡ than, đất đá hiện nay chủ yếu vẫn bằng khoan nổ mìn, sử dụng máy khoan điện cầm tay hoặc máy khoan khí nén. Các đơn vị đã sử dụng combai vào đào lò than nhưng khối lượng mét lò đào bằng máy còn ít; đối với đào lò đá sử dụng các loại xe khoan 1-2 cần để cơ giới hóa trong công tác khoan lỗ mìn. Bốc xúc than đá bằng máy xúc kiểu lật hông, máy xúc 1PPN-5, máy cào đá P60-B...
Mục tiêu của Vinacomin thời gian tới là phát triển áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác than và khoáng sản, các giải pháp công nghệ khai thác trong điều kiện địa chất phức tạp. Bên cạnh đó, Vinacomin chủ trương phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sử dụng than và khoáng sản. Về cơ khí, Vinacomin chú trọng thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, máy móc, thiết bị điện. Ngoài ra, các vấn đề về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng… cũng sẽ được Vinacomin quan tâm đầu tư.
Theo Báo Công thương - HV