Đổi mới tư duy kinh tế trong nông nghiệp

14/01/2013 18:46

(Baonghean) - Năm 1992, lần đầu tiên lúa lai được đưa vào trồng thí điểm ở Nghệ An tại 4 HTX nông nghiệp: Hưng Tiến (Hưng Nguyên), Diễn Xuân (Diễn Châu), Liên Thành (Yên Thành), Lạc Sơn (Đô Lương) với quy mô ban đầu chỉ 22 ha, năng suất bình quân đạt 70,6 tạ/ha, sản lượng đạt 155 tấn, vượt xa năng suất các giống lúa thuần được sản xuất đại trà lúc bấy giờ.

Với kết quả hấp dẫn đó, năm 1993 diện tích lúa lai được đưa lên 1.308 ha ở các huyện vùng lúa của tỉnh, với năng suất 72,2 tạ/ha, sản lượng đạt 9.443 tấn.

Năm 1994, lúa lai được sản xuất đại trà trên toàn tỉnh với diện tích 6.519 ha, sản lượng đạt 44.503 tấn. Liên tục trong 10 năm (1996 - 2005) diện tích lúa lai không ngừng tăng nhanh, từ 18.411 ha (1996) đến 76.338 ha (2005). Từ năm 2005 đến nay, diện tích lúa lai không giảm mà vẫn giữ mức ổn định từ 70 nghìn ha trở lên, riêng năm 2009 tăng lên 81.247 ha, đạt kỷ lục cao nhất từ khi có lúa lai. Năm 2011 diện tích lúa lai vẫn còn 72.662 ha với sản lượng 470.603 tấn. Trong những năm đầu (1992- 1998) phát triển lúa lai hướng tới mục tiêu sản lượng lương thực của tỉnh đạt 1 triệu tấn/năm là hợp lý. Thời kỳ đó phong trào sản xuất lúa lai được chỉ đạo quyết liệt, giao chỉ tiêu diện tích đến từng địa phương, từng HTX và từng đội sản xuất. Nhưng khi lúa lai đã hoàn thành vai trò lịch sử thì đáng lẽ phải tạo cơ cấu giống lúa mới theo hướng thay thế lúa lai bằng những giống lúa chất lượng cao để tạo giá trị hàng hóa cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều này đã diễn ra chậm chạp do tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp không theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường.

Nếu 3 triệu dân Nghệ An đều ăn gạo lúa lai thì sản lượng 1 triệu tấn/năm vẫn tiêu thụ hết. Nhưng thực tế là cư dân thành thị không ăn gạo lúa lai. Hiện nay, dân thành thị và một bộ phận lớn dân nông thôn đều ăn các loại gạo dẻo được sản xuất trong tỉnh và từ các tỉnh khác nhập vào hoặc ăn gạo Thái, gạo Lào. Đó là nguyên nhân làm cho thị trường nội địa của lúa lai bị thu hẹp dần đến mức không thể tiêu thụ được như hiện nay. Lúa lai chỉ còn là sản phẩm tự cung tự cấp của những gia đình nông dân nghèo hoặc là sản phẩm phục vụ chăn nuôi, một số ít phục vụ sản xuất bia rượu. Rõ ràng, sự lạc hậu về tư duy kinh tế trong nông nghiệp đã khiến tình trạng sản xuất lúa lai với diện tích và sản lượng lớn kéo dài nhiều năm mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế.

Khi lúa lai mất giá trị hàng hóa thì nông dân bỏ ruộng đi làm thuê kiếm tiền, hoặc chuyển sang trồng các loại lúa gạo dẻo để ăn và bán với giá cao ở các chợ quê. Phong trào nông dân tự phát sản xuất các loại lúa cho gạo ngon đã xuất hiện từ nhiều năm nay ở các địa phương. Trong những năm gần đây, các huyện đã chỉ đạo tăng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao nên diện tích lúa lai đã giảm dần.

Nhưng đến năm 2012, lúa lai của toàn tỉnh vẫn chiếm trên 60% diện tích, dẫn đến tình trạng hàng nghìn tấn thóc dư thừa trong kho không tiêu thụ được. Đã đến lúc tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt để giảm nhanh diện tích lúa lai, thay vào đó là những giống lúa chất lượng cao có giá trị hàng hóa lớn trên thị trường. Ngành nông nghiệp phải huy động các nhà khoa học nghiên cứu để tạo bộ giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của Nghệ An, vừa bảo đảm chất lượng gạo ngon, vừa đạt năng suất, sản lượng cao có thể thay thế lúa lai. Bà con nông dân đã quen trồng lúa lai là loại lúa ngắn ngày, có khả năng chống chọi sâu bệnh và chịu đựng thời tiết, cho năng suất cao. Các giống lúa chất lượng cao cũng phải đạt được các tiêu chí đó thì mới có thể đưa vào sản xuất đại trà. Cần hạn chế và xóa bỏ những giống lúa dài ngày năng suất, chất lượng kém như giống lúa IR1820 đang được bà con nông dân gieo trồng ở nhiều nơi.

Việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao thay thế lúa lai phải được tỉnh chỉ đạo quyết liệt như khi chỉ đạo sản xuất lúa lai. Nếu cứ để bà con nông dân tự phát làm hoặc các huyện tự chỉ đạo thì không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Trên cơ sở đổi mới tư duy kinh tế trong nông nghiệp, phải hướng tới sản xuất lương thực không chỉ tính bằng sản lượng mà phải tính bằng giá trị hàng hóa tiêu thụ trên thị trường, kể cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.


Trần Hồng Cơ

Mới nhất

x
Đổi mới tư duy kinh tế trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO