Đổi thay dưới chân núi Mộ Dạ

02/10/2013 01:27

(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, Đảng ủy xã Diễn Trung (Diễn Châu) đã tập trung lãnh đạo địa phương đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa dựa trên tiềm năng sẵn có. Nhờ vậy, một bức tranh với những gam màu ấm no, đủ đầy đang được vẽ lên trên mảnh đất yên bình dưới đỉnh Mộ Dạ này.

Nằm cách Quốc lộ 1 không xa nhưng trái với không khí nhộn nhịp, ồn ào trên con đường thiên lý Bắc - Nam, trang trại của gia đình anh Hồ Văn Sáu (xã Diễn Trung, Diễn Châu) nằm gọn dưới những tán phi lao rầm rì gió biển. Nhìn cơ ngơi khang trang ngày hôm nay, ít ai ngờ rằng, chỉ dăm năm về trước, bãi đất này bạc một màu cằn cỗi. Là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, với tinh thần xung kích quả cảm của người đảng viên, năm 2010, anh Sáu cùng 2 người họ hàng đầu tư làm ao hồ, quyết tâm làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng. Trên diện tích 3ha đất cằn, lần lượt các ao nuôi tôm ngay ngắn, vuông vức được đầu tư bài bản, đúng quy trình kĩ thuật hình thành. Năm 2011, gia đình anh chính thức đi vào nuôi vụ tôm đầu tiên. Vừa nói chuyện, vừa hướng dẫn chúng tôi đi thăm các ao nuôi trồng, người đảng viên 20 năm tuổi đảng, da đen sạm, rắn rỏi mặn mòi vị biển cả vẫn chưa thể quên được tâm trạng những ngày đầu xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Anh Sáu chia sẻ: “Đặc tính của con tôm rất “đỏng đảnh” với môi trường và khí hậu nên trước khi quyết tâm theo nghề này, anh em mình hết sức phân vân. Vì tất cả toàn là “lính mới”, kĩ thuật nuôi trồng chưa nắm bắt được hoàn toàn, thiếu kinh nghiệm chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm”. Sau bao trằn trọc, suy nghĩ, nhất là chứng kiến cảnh các diện tích gần biển có rất nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang hoặc trồng màu cho giá trị kinh tế không cao, anh bàn bạc với anh em trong gia đình quyết định vay 1,2 tỷ đồng đầu tư nuôi tôm.

Rút kinh nghiệm từ nhiều mô hình, hiệu quả kinh tế bấp bênh, “vụ được vụ thua” đã xảy ra tại các vùng nuôi tôm trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng nên anh đầu tư rất nhiều vào khâu kĩ thuật. Hàng ngày, sau khi hoàn thành công việc của một xã đội trưởng, về nhà, anh đi thẳng ra trang trại dồn toàn bộ tâm sức chăm mấy ao tôm. “Đất không phụ lòng người”, 2 năm qua, mỗi năm 2 vụ, gia đình anh thu hoạch bình quân được 12 -13 tấn tôm thương phẩm một vụ. Tính giá thị trường khoảng 120.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi vụ, 3ha nuôi tôm cho lãi ròng 500 triệu đồng. Nhờ vậy, anh không chỉ trả được số nợ vay ban đầu mà gia đình cũng đã có tích lũy và tái đầu tư sản xuất. “Trước đây, cả gia đình chỉ làm màu. Trồng ngô, lạc, vừng giá trị kinh tế không cao nên cuộc sống chẳng mấy khá giả. Kinh tế gia đình phát triển rất nhiều từ khi nuôi tôm. Hiện nay, tôi đang nuôi thử nghiệm thêm gà, ngan, dê tại trang trại. Bước đầu cho hiệu quả rất tốt”, đảng viên Hồ Văn Sáu phấn khởi cho biết khi đang làm vệ sinh các ao tôm năm thứ 3 sắp đến vụ thu hoạch.

Đảng viên Hồ Văn Sáu (Diễn Trung - Diễn Châu) làm vệ sinh ao tôm.
Đảng viên Hồ Văn Sáu (Diễn Trung - Diễn Châu) làm vệ sinh ao tôm.

Cũng tại Diễn Trung, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thành công về việc phát triển chăn nuôi gà thịt theo quy mô công nghiệp. Tiêu biểu như gia đình đảng viên Hồ Sỹ Cương (52 tuổi). Năm 2010, anh quyết định thuê hơn 600m2 đất ở xóm 14 mở trại chăn nuôi gà thịt với quy mô 7.000 con mỗi lứa theo hình thức nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam. “Mình chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng của trại nuôi. Công ty CP chịu trách nhiệm đầu tư giống gà từ một ngày tuổi, thức ăn, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chúng tôi”, anh cho biết. Nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo ổn định. Từ trại chăn nuôi gà thịt, mỗi năm gia đình anh cho xuất chuồng 3 lứa, tổng lợi nhuận đạt 150 triệu đồng. Nói đoạn, anh chỉ cho chúng tôi khu trại nuôi gà thịt có quy mô hơn 1.000 con giống vừa được đưa vào sử dụng ở mảnh vườn kế bên. “Từ khi nuôi gà thịt, vợ tôi không phải chạy đôn chạy đáo buôn bán ở chợ nữa. Thu nhập ổn định giúp cuộc sống không những khấm khá hơn mà còn có điều kiện để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất”, người đảng viên kì cựu phấn khởi chia sẻ về những thành quả bước đầu.

Bây giờ về Diễn Trung, những mô hình chăn nuôi như trên không còn lạ lẫm với nông dân từ khi UBND xã cụ thể hóa nghị quyết về đẩy mạnh chuyển đổi đất sản xuất thu nhập thấp sang nuôi trồng thủy sản và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa của Đảng bộ xã. Đây là một chủ trương đúng đắn và thức thời khi mà thực trạng tại Diễn Trung, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào 462 ha đất trồng màu và 70,5 ha đất một lúa- một màu; ngoài ra nghề đi biển còn nhỏ lẻ, manh mún, hầu hết đánh bắt gần bờ bằng bè mảng nên hiệu quả kinh tế thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với mặt bằng chung của huyện Diễn Châu.

Hiện nay, toàn xã đã có 26 hộ chuyển đổi đất sản xuất năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 24ha, ngoài ra có 168 gia trại và trang trại tập trung chăn nuôi gà thịt, gà lấy trứng theo mô hình công nghiệp với tổng đàn lên đến gần 200.000 con mỗi năm, trung bình mỗi trang trại, gia trại chăn nuôi từ 500 – 15.000 con giống/ lứa. Nông dân Diễn Trung càng thêm phấn khởi vì vừa qua có 100 trang trại chăn nuôi (80 trang trại nuôi gà, 20 trang trại nuôi lợn) đã áp dụng thành công quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) vào sản xuất. Những con số “vàng” biết nói cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng bộ xã Diễn Trung, đồng thời cũng thể hiện sự khởi sắc trên bức tranh đời sống của người dân xứ biển.

Đồng chí Trần Văn Dung – Chủ tịch Hội Nông dân xã tấm tắc: “Áp dụng thành công VietGAP là một bước phát triển quan trọng trong ngành chăn nuôi của xã. Bởi, đây là chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Diễn Trung bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động. Hội Nông dân sẽ tiếp tục giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất của từng mô hình thông qua tập huấn và chuyển giao kĩ thuật”.

Đồng chí Ngô Đức Lân – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Việc đưa nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả như hôm nay, trước hết vai trò của các đảng viên trong các tổ chức chính trị, đoàn thể có vị trí hết sức quan trọng. Thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội nông dân xã, các đồng chí đã tiên phong đi đầu, mạnh dạn xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, gà thịt, gà lấy trứng đạt hiệu quả cao. Qua đó, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong quần chúng nhân dân, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Giờ đây về với vùng đất biển, những người con xa quê bao năm trở về chắc hẳn sẽ có nhiều ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương. Đứng trên đỉnh Mộ Dạ nhìn xuống, ngoài cái lộng lẫy kì thú của cảnh sắc thiên nhiên đất trời giao hòa, mảnh đất lành dưới chân núi cũng mang lại một cảm giác thật trù phú và bình yên. Quyết tâm thoát cuộc đời lênh đênh sóng biển, người dân Diễn Trung đang bước những bước đi chắc chắn trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

Bài, ảnh: Thành Duy

Đổi thay dưới chân núi Mộ Dạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO