Đổi thay nơi bản xa...

28/01/2015 08:56

(Baonghean) - Bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn) nằm ở độ cao trên 1400 m, tựa vào dãy Pù Lan hùng vĩ. Bản làng với những nhà mái gỗ sa mu thâm nâu, nằm dưới những gốc hồng xanh tốt, cây đào Mông nay bắt đầu ra nụ… Bản đẹp và bình yên như tranh vẽ, cuộc sống người dân đang dần đổi thay…

Một góc bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn).
Một góc bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn, Kỳ Sơn).

Loa phát thanh của bản Huồi Giảng 1 vang lên to, rõ ràng và được phát hoàn toàn bằng tiếng Mông. Đợi anh Trưởng bản Vừ Bá Gianh (SN 1982) đọc xong chương trình phát thanh, chúng tôi mới có dịp trò chuyện. Anh tâm sự: “Bà con trong bản nhiều người không biết tiếng Kinh đâu, dân trí còn thấp lắm. Mỗi lần đi họp về, có chỉ thị, hay các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, là phải mất hơn 1 ngày ngồi dịch từ tiếng Kinh sang tiếng Mông mới xong, sau đó đọc trên loa phát thanh cho cả bản nghe”.

Vừ Bá Gianh là một trong những trưởng bản trẻ tuổi của xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Anh học hết lớp 9 nghỉ học ở nhà làm nương, làm rẫy. Nhưng ngày ấy, anh đã là người nhiều chữ nhất bản rồi! Làm bí thư chi đoàn, phó bản kiêm công an viên, sau đó được bầu làm trưởng bản. Vừ Bá Gianh đã làm được nhiều việc cho bà con bản Huồi Giảng 1: đưa giống, cây con về trồng; phổ biến kỹ thuật trồng các loại giống cây mới; tổ chức công tác phòng, chống chữa cháy rừng phòng hộ; đảm bảo an ninh trật tự xóm…

Học được cái chữ ở vùng rẻo cao này không phải là chuyện dễ dàng. Những đứa trẻ Huồi Giảng vẫn còn nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Nghèo đói in hằn trên bộ quần áo cũ sờn, đôi dép mòn vẹt… nhưng trên gương mặt hồn nhiên và nụ cười tươi rạng rỡ. Các em chính là tương lai của một bản Mông mới, sẽ có nhiều thêm tiến bộ, hiểu biết, ấm no…

Huồi Giảng 1 bây giờ có khoảng trăm nóc nhà, hầu hết đều được lợp và thưng bằng gỗ cây sa mu, qua thời gian đã ngả màu nâu đen, cũ kỹ. Đường đi từ nhà nọ đến nhà kia hầu như chẳng có, phải trèo qua những phiến đá nhấp nhô, gập ghềnh, qua những gốc đào cổ thụ của người Mông, xù xì, xám mốc đang gom nhựa, gom những chồi sống tràn trề chờ ngày bừng nở sắc thắm đỏ, và sắc xanh mơn mởn của ngày xuân mùa mới...

Chúng tôi lặng ngắm những gốc đào, đây không chỉ là một loại cây tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, mà còn là một phần linh hồn, ý nghĩa và liêng thiêng đối với đồng bào Mông. Chẳng phải vì thế mà qua bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, bao nhiêu cuộc di dân bắt nguồn từ tập tục du canh, du cư của người Mông, mà gốc đào vẫn được mang theo? Những ngày cuối năm, cái rét như ngọt hơn, sương mù nặng, ủ những mái nhà gỗ chìm trong vẻ mờ ảo của bản làng người Mông vẫn còn giữ được rất nhiều nét bản sắc đặc trưng.

Trời sáng, bản làng vắng lặng, trẻ con đi học, người lớn đi làm. Nương rẫy ở xa lắm, con ngựa, con bò… đi trước, những dáng người chắc nịch, chăm chỉ phía sau… Anh Vừ Bá Xá cười nói: “Ta nuôi 4 đứa con mà, phải đi làm mới có cái ăn, cho con đi học…” câu nói của anh như lẫn vào trong sương, khuất sau mái nhà, thoắt cái, bóng dáng người đàn ông cùng con ngựa chỉ còn là chấm nhỏ trên núi cao.

Những năm gần đây, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, như dự án 30a cung cấp giống bò, giống cây trồng đã tạo ra hướng đi mới, bền vững cho bà con. Ở Huồi Giảng 1, khoai sọ, hồng không hạt đang được trồng làm hàng hóa. Ngoài ra, dưới tán rừng phòng hộ cũng được khoanh nuôi cây bo bo, vừa phòng, chống cháy rừng, vừa tạo thu nhập cho bà con với khoảng 15.000 đồng/kg. Những gốc đào cổ thụ vào dịp Tết này đang được nhiều khách đến hỏi mua. Người dân nơi đây chỉ bán cành mà không bán gốc, hằng năm tiếp tục trồng thêm đào mới. Bà con cũng được cấp bò giống, chăn nuôi thêm lợn, gà, dê… để phát triển kinh tế.

So với trước kia, cuộc sống người dân bây giờ đã thay đổi rất nhiều, đã có định hướng trong chăn nuôi trồng trọt để đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, con đường từ Thị trấn Mường Xén vào Tây Sơn được rải nhựa, đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, các loại nông sản, hàng hoá dễ tiêu thụ. Nhận thức chung của bà con nơi đây vẫn còn sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, nhưng đang từng bước được cải thiện.

Tôi rời khỏi Huồi Giảng khi mặt trời đã lên cao, nắng chảy tràn qua những cây đào xuống từng mái nhà gỗ ám đen màu khói, màu sương, nắng thời gian. Dưới nếp nhà ấy, là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu đời người, và bao nhiêu đổi thay từng bước một…

Hồ Lài

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đổi thay nơi bản xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO