Đổi thay ở địa bàn khó khăn

04/10/2012 15:11

(Baonghean) Nhằm tăng cường hiệu quả công tác Biên phòng trên 2 tuyến biên giới, từ năm 2003, Bộ Chỉ huy Bộ đội BP Nghệ An đã quyết định thành lập các tổ đội công tác địa bàn tại những vùng trọng điểm khó khăn. Hoạt động của các tổ đội công tác này thực sự đã khẳng định được vai trò của mình trong nhiệm vụ giúp đỡ chính quyền, nhân dân khu vực biên giới ổn định chính trị, phát triển kinh tế - văn hoá xã hội. Trong đó tổ công tác Nậm Khiên, Đồn biên phòng Nậm Càn được đánh giá là đơn vị điển hình đang hoạt động hiệu quả tại một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh - bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn.

Năm nay là năm thứ 4 Đại úy Vũ Duy Dương được tăng cường về địa bàn Nậm Khiên với vai trò là đảng viên cắm bản. Nửa cuộc đời binh nghiệp, anh đã gắn bó với biên cương và đồng bào các dân tộc. Khi tổ đội Nậm Khiên được thành lập, anh đã có thêm đồng đội để cùng sẻ chia, gánh vác trách nhiệm của những người lính bảo vệ biên cương. Tổ đội công tác Nậm Khiên bây giờ như một gia đình. Anh Lầu Nhia Xồng - Trưởng bản Nậm Khiên cho biết: Hơn 10 năm trước, Nậm Khiên còn là một bản vùng cao thuộc diện khó khăn nhất: kinh tế nghèo nàn, văn hóa lạc hậu, số hộ dân thiếu ăn, thiếu mặc chiếm hơn 70%. Chính vì điều này, không ít phần tử xấu đã lợi dụng để lén lút hoạt động trái pháp luật trên địa bàn có đường tiểu mạch qua lại biên giới. Thế nhưng, chuyện về cái đói, cái nghèo ở Nậm Khiên cứ lùi dần vào quá khứ bởi những việc làm của tổ đội công tác bộ đội biên phòng.



Bộ đội giúp dân gặt lúa.

Đối với đồng bào vùng cao, việc vận động nhân dân từ bỏ tập tục phát nương làm rẫy bằng cách thức tuyên truyền suông là một điều khó có thể thực hiện. Chỉ có cách chứng minh cho họ thấy, trồng lúa nước năng suất cao hơn lúa rẫy, nuôi nhốt gia súc sẽ hiệu quả hơn nuôi thả trong rừng… bằng việc làm cụ thể. Như vậy, họ mới thay đổi dần được tập quán canh tác, chăn nuôi của mình. Lựa chọn được vùng đất bằng phẳng, bộ đội biên phòng đã tham mưu cho chính quyền địa phương trồng thử lúa nước. Mô hình đầu tiên của gia đình ông Lầu Và Cả thành công đã làm cho một số gia đình trong bản nhận thấy việc trồng lúa nước giúp họ đỡ vất vả hơn. Vậy là diện tích lúa nước ở Nậm Khiên được mở rộng dần. Đến nay, toàn bản đã trồng được hơn 10 ha. Nhờ đó, tỷ lệ người phát rừng làm rẫy giảm, dân bản đã từ bỏ dần được tập quán du cư, yên tâm ổn định cuộc sống.

Bây giờ, trên đất Nậm Khiên, bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang của đồng bào Mông là màu xanh của những ruộng cỏ voi đã phủ kín, nhà nào cũng có chuồng trâu, chuồng bò để chăm sóc tại chỗ. Đây là điều hiếm thấy ở một bản làng người Mông. Dự án trồng cỏ voi, nuôi nhốt gia súc cũng có công lớn của tổ đội công tác địa bàn. Anh em trong tổ đội đều nỗ lực hết mình để làm công tác tuyên truyền, vận động, cũng như hướng dẫn nhân dân trồng giống cỏ mới thay cho thứ cỏ dại mà dân bản đã từng lấy làm thức ăn cho trâu bò. Hiện Nậm Khiên là bản có số lượng đàn gia súc đông nhất xã Nậm Càn với hàng trăm con trâu bò.

“Cầm tay chỉ việc”, bộ đội biên phòng đã lăn lộn cùng nhân dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế. Đến nay, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 60%. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nậm Khiên, các tổ chức hội được thành lập đã phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi trong nhân dân. Và hễ gia đình nào có nguyện vọng được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, với phương thức sản xuất mới, anh em trong tổ đội công tác đều tận tâm, tận lực giúp đỡ. Đã có nhiều hộ trong tổng số 142 hộ dân ở Nậm Khiên tiến hành phát triển kinh tế VAC, cho hiệu quả cao, với thu nhập trên 50 triệu đồng/năm như gia đình ông Lầu Xái Hờ.

Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tổ công tác đã phối hợp với các ban, ngành liên quan, góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào nơi đây. Những hủ tục lạc hậu trước đây của người Mông dần mất đi, số lượng trẻ em đến trường ngày một tăng; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác giáo dục ngày càng hoàn chỉnh. Đến nay, Nậm Khiên đã có trường học khang trang, đáp ứng nhu cầu học chữ cho con em dân bản.

Công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước được anh em trong tổ đội kịp thời phổ biến, thực hiện đầy đủ. Nhờ vậy, đến nay hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy từng bước được ngăn chặn. Những lo lắng về tình hình vi phạm pháp luật, trật tự trị an đã lắng xuống...

Hiệu quả của những việc làm nói trên là minh chứng đúng đắn cho chính sách tăng cường và phát triển lực lượng tổ đội công tác vùng biên của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An. Lực lượng tổ đội cơ sở không những làm nên đổi thay ban đầu ở những địa bàn khó khăn trong tỉnh mà còn là tiền đề để tiếp tục củng cố các tổ chức chính trị ở cơ sở, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.


Hải Thượng

Mới nhất

x
Đổi thay ở địa bàn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO