Đội tuyển Việt Nam vô địch Giải giao hữu quốc tế: Mừng ít, lo nhiều?

Hoa Bùi 28/09/2022 10:08

(Baonghean.vn) - Giành ngôi vô địch một giải đấu giao hữu quốc tế tất nhiên là tin mừng của Đội tuyển Việt Nam trước thềm AFF Cup 2022. Nhưng chiến thắng quá dễ dàng trước Singapore (4-0) và Ấn Độ (3-0) lại khiến những người am tường lo nhiều hơn mừng, bởi những cữ dượt mới đây của thầy trò ông Park Hang-seo chưa đủ để nói lên điều gì trước đối thủ mạnh hơn phía trước.

Ngay chính ông thầy người Hàn Quốc cũng khẳng định sau khi đội bóng của ông lên ngôi, rằng chưa có ai chắc suất, đội tuyển sẽ tiếp tục tìm kiếm bổ sung lực lượng…

Trong hai trận đấu ở giải giao hữu, ông Park Hang-seo đã tung hầu hết số cầu thủ được gọi nhằm kiểm tra lực lượng mới và cũ. Trận gặp Singapore, các cầu thủ trẻ được kiểm tra trước một đối thủ vừa tầm và họ đã không phụ lòng ông thầy khó tính.

Đến trận gặp Ấn Độ, Đội tuyển Việt Nam với lực lượng tốt nhất, quen thuộc nhất được tung vào sân, khá bất ngờ là Văn Lâm, Văn Quyết, Văn Toàn… lại không nằm trong số này. Dù vậy, đội tuyển đã chơi tốt, vận hành trơn tru và có được kết quả trên cả mong đợi. 3 bàn thua của đội khách đều do lỗi cá nhân, do không chiến kém khi bị gây áp lực.

HLV Park Hang-seo trả lời phỏng vấn sau trận đấu. Ảnh: Hải Hoàng

Ông Park Hang-seo hoàn toàn có lý khi chưa khẳng định điều gì sau 2 trận thắng liên tiếp của đội tuyển. Nếu nhìn vào hiệp 1 trận đấu gặp Ấn Độ, dễ thấy đây là đội hình cũ thời vòng loại World Cup 2022, chỉ có Thanh Bình tương đối mới nên non hơn nhiều người khác, buộc phải thay ra sau một hiệp đấu không an toàn. Điều này có thể cho thấy, dù các nhân tố trẻ thi đấu rất tốt trong trận ra quân, nhưng rốt cuộc chỉ có Văn Khang, người trong 3 tháng có mặt ở 4 đội tuyển gồm U19, U20, U23 và Đội tuyển Việt Nam, được tung vào sân ít phút cuối trận. Kể cả Văn Quyết, người làm chủ trận đấu trước khi đội hình không có Quang Hải, cũng chỉ được vào sân từ phút 60. Rồi Văn Toàn đang thi đấu rất lên chân ở V-League cũng có vẻ chỉ được tin dùng ở vị trí dự bị hạng sang mà chưa thể chen chân vào “đội hình 1” trong quan niệm cố hữu của ông thầy người Hàn Quốc.

Phan Văn Đức ghi bàn mở tỷ số cho Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Trong đội hình 1 nói trên, Tiến Linh thi đấu không nổi bật nhưng không dễ gạch tên vì ngôi sao này thường biết cách tỏa sáng đúng lúc, đúng chỗ, khi đội tuyển cần anh tỏa sáng. Khi Văn Khang vào sân, ai cũng nghĩ sẽ thay Tiến Linh nhưng không có chuyện này, bởi tính toán rất riêng của ban huấn luyện đối với tiền đạo số 1 lâu nay. Vì Tiến Linh không xuất sắc nên nhiều lần đồng đội xuống sát biên tạt bóng vào trong đều không có “điểm cắt” nào, bỏ lỡ rất đáng tiếc. Và đây không phải lỗi riêng Tiến Linh mà cả hệ thống lùi sâu, không đủ tốc độ để dâng cao khi có tình huống mau lẹ xảy ra.

Mừng nhưng vẫn lo là tới đây, Thái Lan hay Indonesia, thậm chí Malaysia hay Philippines… xem ra không có đội bóng nào không chiến tồi và sai lầm cá nhân như Ấn Độ mới đây. Đội tuyển Việt Nam không dễ khai thác điểm yếu này mà chắc chắn phải đi tìm khe hở khác, khoảng trống khác, tận dụng sai lầm khác của đối thủ. Đối thủ có thể sẵn sàng chơi áp đặt, có thể chơi phòng ngự lùi sâu. Vì thế, ông Park Hang-seo phải dắm sẵn mỗi vị trí 3 cầu thủ để tương kế, tựu kế. Đội hình 1 trận gặp Ấn Độ để đối đầu với đối thủ chơi đôi công. Bổ sung Văn Quyết, Văn Toàn khi đối thủ lùi sâu, cù nhầy và hy vọng vào sự tinh quái, đột biến của những nhân tố này. Khi đó, đội tuyển sẽ chơi linh hoạt hơn, biến chuyển hơn so với những gì đã thấy lâu nay, vừa khiến đối thủ bất ngờ, vừa tránh bị bắt bài không gượng nổi…

Khi đội tuyển luôn mở rộng cửa cho những nhân tố mới lạ, khi Văn Khang được tin dùng vượt cấp liên tục như đã thấy thì những Xuân Tiến, Đình Duy, Thanh Nhân… cũng sẽ có nhiều cơ hội để thử tài, mang lại nét tươi mới, bất ngờ thú vị. Những trận đấu tại V-League tới đây là “đất diễn” cho các nhân tố mới, đầy triển vọng nói trên. Hãy chờ xem điều gì sẽ tới trong toan tính của “phù thủy” Park Hang-seo?

Mới nhất
x
Đội tuyển Việt Nam vô địch Giải giao hữu quốc tế: Mừng ít, lo nhiều?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO