(Baonghean) - Nói đến nông dân là nói đến ruộng đất, ruộng đất với nông dân như “máu thịt” Nhưng giờ đây nông dân không còn “yêu”, không còn mặn mà tha thiết với đồng ruộng nữa. Bởi một lẽ làm ruộng lam lũ, cực nhọc mà không đủ ăn.
Để khắc phục tình hình trên đây, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 08 về vận động nhân dân “dồn điền đổi thửa”. Đây là một Chỉ thị ra đời đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, lúng túng. Nhiều đơn vị, sau “dồn điền đổi thửa” kết quả không khác trước chuyển đổi là bao? Khi hỏi về những khó khăn vướng mắc nhiều người nói: Do người nông dân phải đưa ra một lượng tiền lớn để làm giao thông, thủy lợi và chuyển về một thửa, gặp khi mất mùa là mất tất cả…
Không thể phủ nhận, những lý do rất “thực tế” người nông dân đưa ra. Cũng không thể nói, những tính toán của bà con là sai. Bởi sự thật, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn, mà phải đóng góp một khoản tiền không ít để làm giao thông, thủy lợi phục vụ cho “dồn điền đổi thửa” là điều rất nan giải. Cũng là sự thật, khi chưa hiểu lắm, chưa hình dung được kết quả sản xuất sau khi dồn về một thửa sẽ như thế nào? Thì suy tư của bà con là có cơ sở.
Là một tỉnh chiếm gần 80% dân số làm nông nghiệp, đây là cơ sở nền tảng đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Nhưng tình hình sản xuất như hiện nay, nông dân không còn yêu ruộng nữa thì nông dân sẽ làm gì ? Vì vậy, việc dồn điền đổi thửa theo tinh thần Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy Nghệ An là việc làm vô cùng quan trọng nhằm chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng và từng bước hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo bền vững, nâng cao đời sống của nông dân.
Đây là bước đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nếu việc này không thực hiện được thì lĩnh vực nông nghiệp khó bề phát triển tốt hơn. Bởi lẽ, ruộng nhỏ, không có đường giao thông, không đưa cơ giới hóa vào được, mà không đưa cơ giới vào được là không giải phóng được sức lao động và không hạ được giá thành sản phẩm. Ruộng nhỏ, người nông dân mất nhiều thời gian đi lại, phải sản xuất cùng lúc nhiều loại cây trồng nên không đủ thời gian chăm sóc kỹ thuật chuyên sâu… Rốt cuộc người nông dân vẫn tiếp tục lam lũ mà thu nhập vẫn thấp.
Dồn điền đổi thửa, thay đổi cung cách làm ăn, thay đổi một tập quán, một thói quen cố hữu là điều không dễ. Để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này. Cần lắm, trước hết là vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người nông dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích cơ bản, lâu dài của việc dồn điền, đổi thửa. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư xây dựng mô hình điểm trong từng thôn, xã, nhằm tạo sự lan tỏa thuyết phục mang tính thực tiễn.
Củng cố, phát triển, xây dựng các mô hình liên kết, liên doanh, tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã để đầu tư sản xuất theo hướng, người có ruộng thì góp ruộng, người có tiềm lực tài chính thì đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất. Người có sức lao động thì đóng góp ngày công, người có kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực tổ chức sản xuất thì đảm trách khâu kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Làm được như vậy, sẽ có được những cánh đồng mẫu lớn, có đường giao thông nội đồng, đưa cơ giới vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật chuyên sâu, thực hiện sản xuất chuyên canh, giải phóng được sức lao động và hạ được giá thành sản phẩm… Khi đó người nông dân sẽ thoát khỏi tập quán sản xuất tiểu nông, giảm bớt những lam lũ nhọc nhằn và nâng cao được đời sống.
Cần lắm, những tư duy trăn trở vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, Nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp để giúp đỡ người nông dân trong công cuộc chuyển đổi nền sản xuất hiện nay.