Dồn điền, đổi thửa - "Tiếng nói" từ ruộng đồng - Bài 1: Cuộc "cách mạng" lớn

13/07/2015 07:34

(Baonghean) - Ở Nghệ An, sau hơn 3 năm thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những kết quả bước đầu cũng thực sự đã chứng minh tính đúng đắn, nhạy bén của một chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân, với yêu cầu của thực tiễn; là cơ sở để các cấp, ngành và địa phương đề ra những giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện nhằm đạt chỉ tiêu đã đề ra và góp phần nâng cao kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Có thể nói, Chỉ thị 08-CT/TU ra đời từ yêu cầu tất yếu của thực tiễn, đã tạo nên một cuộc “cách mạng” về ruộng đất mạnh mẽ, khí thế trong nhân dân. Nhận thức đó là một thời cơ, nhiều địa phương vận dụng tốt để quy hoạch lại đất đai nông nghiệp nhằm tăng cường công tác quản lý và đặc biệt là nâng cao được giá trị sử dụng đất trong thời điểm mà người nông dân đang có xu hướng bỏ đồng, bỏ ruộng. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa tại thực địa cho 100% số xã. Trong đó, những địa phương như Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn được đánh giá là những địa phương làm tốt với khí thế mạnh mẽ và đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn. Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương tổ chức thực hiện còn đạt kết quả thấp như Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu.

Thực hiện dồn điển đổi thửa ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn).Ảnh: Phạm Bằng
Thực hiện dồn điển đổi thửa ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn). Ảnh: Phạm Bằng

Nếu so với các địa phương khác, thì huyện Thanh Chương không được thiên nhiên ưu ái nhiều về điều kiện tự nhiên. Đồng đất có địa hình rất phức tạp, ruộng bậc thang, hóc chọ, lầy thụt nhiều. Bên cạnh đó diện tích ruộng, đất trước đây được chia theo dạng hình răng lược, nên trong quá trình thực hiện chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ đi tắt đón đầu, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân nên kết quả dồn điền đổi thửa tại huyện Thanh Chương đạt rất tốt.

Năm 2009, nhận thấy thực trạng ruộng đồng manh mún, hiệu quả thấp nên huyện đã xây dựng đề án về việc tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất (lần 2) để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quá trình chỉ đạo, điều hành được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. Đến năm 2012, Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy ra đời như tạo thêm sức mạnh cho quyết tâm của huyện. Đến nay, 38 xã trên toàn huyện đã hoàn thành xong dồn điền đổi, đổi thửa. Trước chuyển đổi: Bình quân một hộ có 9,5 thửa; 5,6 vùng/hộ, diện tích từ gần 200 - 1.000m2. Sau chuyển đổi, bình quân mỗi hộ dân có 4,5 thửa; 2,26 vùng/hộ, diện tích thửa đất từ 310 - 5.000m2.

Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.B
Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.B

Là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành dồn diền đổi thửa, đến năm 2014, huyện Yên Thành chỉ còn 2 địa phương cuối cùng (trên tổng số 39 xã, thị) triển khai công tác này là Thị trấn và Kim Thành. Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Xác định đây là bước đi quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nên các cấp ngành từ huyện đến xã đã tập trung chỉ đạo, trong đó ưu tiên đảm bảo và thực hiện tốt quy chế dân chủ, từ đó nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và huy động được nguồn lực lớn từ người dân cho giao thông thủy lợi nội đồng. Theo đánh giá chung, tiến độ dồn điền đổi thửa được triển khai thực hiện nhanh, bám sát quy hoạch NTM đã được phê duyệt, từ đó tạo ra được quỹ đất xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng, công trình phúc lợi, góp phần hoàn thành sớm các tiêu chí về xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn (Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai - Sở TN&MT) đánh giá: Nhìn chung, kết quả thực hiện dồn, đổi thửa tại thực địa cơ bản phù hợp với mục đích, tiến độ của đề án dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt. Tiến độ thực hiện tại thực địa ở một số xã điểm nhanh, cơ bản đảm bảo chất lượng. Quá trình dồn điền, đổi thửa đã gắn với quy hoạch cải tạo ruộng đồng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, từng bước gắn dồn điền, đổi thửa với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Đối với những địa phương làm tốt, nguyên nhân là do làm tốt công tác tư tưởng để tạo chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các tổ chức cơ sở đảng đã thể hiện sự quyết tâm, có tinh thần trách nhiệm trong quá trình triển khai, tạo được sự công bằng, dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh toàn dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Dân hiểu, dân sẽ đồng thuận

Chia sẻ kinh nghiệm của huyện Thanh Chương, ông Trần Đình Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Vấn đề quan trọng nhất trong dồn điền, đổi thửa là tuyên truyền và vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Vì vậy, bên cạnh thực hiện các bước họp dân, lắng nghe ý kiến góp ý, công khai minh bạch chủ trương cũng như các phương án thì Ban chỉ đạo huyện đã giao cho các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền đến tận đoàn viên, hội viên, các đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Trong công tác chỉ đạo chuyển đổi, chuyển nhượng ruộng đất lần 2, các thành viên Ban Chỉ đạo của xã bám công việc, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời bổ sung những sai sót trong quá trình thực hiện. “Các thành viên Ban Chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã phải thực sự bám công việc, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời bổ sung những sai sót trong quá trình thực hiện. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng, mới đồng lòng thực hiện và đạt kết quả cao” - ông Thanh cho biết.

Còn đối với Anh Sơn - huyện miền núi thấp, trong quá trình thực hiện dồn điền gặp muôn vàn khó khăn. Song, nhờ có những cán bộ tâm huyết, có phương pháp, cách làm hay và đặc biệt là luôn sát dân, gần dân nên kết quả chuyển đổi đạt cao. Đến nay, 20/20 xã của Anh Sơn đã hoàn thành dồn diền đổi thửa ngoài thực địa, trung bình mỗi hộ có 2,1 thửa, 2 - 3 xứ đồng. Ví như Tường Sơn là một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Anh Sơn. Đến nay, xã đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất trên toàn bộ diện tích canh tác của 12 thôn, bình quân 1,97 thửa/hộ. Xã xác định, chủ trương thì ban hành từ trên xuống nhưng thực hiện phải từ dưới đi lên, Tường Sơn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân. Ban đầu, khi triển khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, xã đã gặp phải sự không đồng tình của một bộ phận người dân.

Tuy nhiên, xác định đây là một cuộc vận động lớn, người dân là chủ thể thực hiện nên xã đã kiên trì thực hiện công tác tư tưởng với phương châm thông qua đối thoại hội nghị và trực diện. Để làm cho dân hiểu, dân làm, xã Tường Sơn đã phải tổ chức đến 180 cuộc họp lớn, nhỏ, từ cấp xã đến cấp xóm. Những thắc mắc của người dân được giải quyết ngay lúc đó, không quanh co. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu và không được tư lợi thì người dân sẽ đồng tình.

Còn đối với huyện Yên Thành, ngoài vận động nhân dân thì việc xây dựng phương án, kế hoạch chuyển đổi hợp lý, hiệu quả là bài học thành công. Trước hết, kế hoạch phải được xây dựng chặt chẽ, bám sát quy hoạch NTM đã được phê duyệt, định hình phân vùng sản xuất, bố trí cây trồng vật nuôi và bám sát vào đề án nâng cao thu nhập trong xây dựng NTM của từng xã để có kế hoạch triển khai ngay từ đầu. Từ công tác chuẩn bị đến triển khai cho nhân dân phải xây dựng được lộ trình và có kế hoạch cụ thể. Kế hoạch tài chính phải xây dựng ngay từ đầu năm, ngân sách xã phải ưu tiên cho công tác chuyển đổi ruộng đất.

Đặc biệt, phương án chuyển đổi ruộng đất phải được thông qua thảo luận dân chủ từ hộ, xóm và xã. Tổ chức huy động nhân dân góp đất, góp công một cách dân chủ, công khai để làm giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình thiết chế văn hóa, các vùng trang trại, gia trại của từng khu dân cư... “Trong quá trình thực hiện chuyển đổi ruộng đất nên ưu tiên cho các hộ có xu hướng thành lập tổ sản xuất về một vùng tập trung để có điều kiện thâm canh, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải phóng lao động nông nghiệp nhằm sớm đạt cơ cấu lao động trong nông nghiệp theo tiêu chí NTM” - ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Thành chia sẻ.

Dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện để sản xuất hàng hóa phát triển, trong đó cụ thể là đã xây nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, tăng năng suất, sản lượng từ 10-15% so với đại trà, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần xây dựng NTM. Dồn điền, đổi thửa cũng giúp Nhà nước nắm chắc được quỹ đất nông nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý đất đai. Có thể nói, Chỉ thị 08 - CT/TU của Tỉnh ủy Nghệ An là một chủ trương đúng đắn và thiết thực, đáp ứng được xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị hàng hóa. Vì vậy, địa phương nào làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa thì sẽ tạo ra được giá trị lớn trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân.

(Còn nữa)

Phạm Bằng - Phú Hương

Mới nhất
x
Dồn điền, đổi thửa - "Tiếng nói" từ ruộng đồng - Bài 1: Cuộc "cách mạng" lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO