Đòn trừng phạt Iran
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm nhập khẩu dầu Iran được cho là nhằm “dằn mặt” Tân Tổng thống nước này.
Trong ngày qua, thế giới chứng kiến bước đi tiếp theo của Mỹ nhằm gia tăng đòn trừng phạt đối với Iran. Với quyết tâm chặn mọi con đường xuất khẩu của Iran, Hạ viện Mỹ vừa thông qua một dự luật cắt giảm nhập khẩu 1 triệu thùng dầu/ngày từ Iran trong vòng 1 năm. Mặc dù dự luật còn phải được Thượng viện Mỹ thông qua và phải có chữ ký của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì mới trở thành luật chính thức, song đòn trừng phạt này của Mỹ đã đẩy căng hơn tình thế đối đầu giữa Mỹ và quốc gia Hồi giáo.
Hạ viện Mỹ xem ra đã đạt được sự nhất trí cao trong việc gia tăng sức ép với Iran khi có tới 400 lá phiếu ủng hộ dự luật hạn chế nhập khẩu dầu từ Iran trên tổng số 420 ghế Hạ viện. Ngoài việc cắt giảm 1 triệu thùng dầu nhập khẩu từ Iran mỗi ngày, dự luật này còn đưa vào danh sách đen một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và khai thác dầu mỏ của Iran.
Tổng thống đắc cử Iran, Rowhani (ảnh: USnews) |
Có thể nói rằng dư luận không lạ trước các hành động trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran với mục đích gây sức ép để Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua lại khiến thế giới chú ý nhiều bởi nó xuất hiện vào thời điểm chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran, Hassan Rowhani dự kiến diễn ra vào 4/8 tới.
Giới quan sát cho rằng, có lẽ Mỹ muốn “dằn mặt” nhà lãnh đạo mới của Iran, bất kể đây là một nhân vật được cho là có tư tưởng ôn hòa hơn trong vấn đề hạt nhân so với Tổng thống sắp mãn nhiệm Ahmadinejad.
Mới đây, Iran đã thể hiện thiện chí muốn “chìa cành ô-liu” về phía Mỹ và phương Tây. Hãng tin chính thức của nhà nước Iran, IRNA, cho biết nước này hy vọng, vào tháng 9 tới, sẽ gặp lại nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) để tiếp tục bàn về giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Song đòn trừng phạt mới của Mỹ chắc chắn sẽ “giội gáo nước lạnh” vào các nỗ lực này của phía Iran.
Điều mà dư luận quan tâm là những diễn biến vừa qua sẽ đẩy căng thẳng giữa Iran và Mỹ lên tới đâu, cũng như tác động thế nào tới tiến trình đàm phán vấn đề hạt nhân của Iran. Có thể nói, quan hệ giữa Mỹ và Iran đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất từ trước tới nay, nhất là sau 1 năm Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ - nguồn thu chính của nền kinh tế Iran.
Không chỉ thắt chặt thị trường nội địa, Mỹ còn thuyết phục, thậm chí là ép nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, ngừng mua bán dầu với Iran bằng các lệnh trừng phạt mở rộng. Hạ viện Mỹ không ngần ngại tuyên bố mục tiêu của Mỹ là “chặn” toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trên toàn thế giới vào năm 2015.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã chứng minh, việc Mỹ và đồng minh dồn Iran vào chân tường chỉ làm cơ hội đàm phán trở nên xa vời, chứ không thể làm thay đổi quyết tâm sở hữu hạt nhân của Iran. Ngay cả khi nhà lãnh đạo ôn hòa Rowhani chính thức lên nắm quyền cũng vậy. Ông Rowhani từng khẳng định: “chính sách ngoại giao ôn hòa không có nghĩa là đầu hàng mà là sự tương tác có tính xây dựng và hiệu quả với thế giới”.
Đành rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ gây khó khăn cho Iran, song dường như nó không đủ sức “bóp nghẹt” nền kinh tế của quốc gia nhiều dầu mỏ này. Iran còn có các đối tác vững mạnh khác như Nga, Trung Quốc và bạn hàng mới ở khu vực Mỹ Latin. Chỉ vài năm trở lại đây, Iran đã ký được hơn 500 thỏa thuận về kinh tế, thương mại và ngoại giao với các quốc gia Nam Mỹ. Chính vì thế, cuộc đối đầu Mỹ- Iran sẽ còn kéo dài và khó có được sự nhượng bộ./.
Theo VOV - ĐT