Đồng chí Chu Trang kiên cường với lý tưởng cộng sản
Đồng chí Chu Trang là một trong những cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An - Phó Bí thư Huyện uỷ lâm thời Diễn Châu - Bí thư Chi bộ Hoàng Trường những năm 1930-1931. Đồng chí hết lòng với phong trào cách mạng từ những ngày đầu, là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, hy sinh vì lý tưởng cộng sản.
Đồng chí Chu Trang (bí danh là Trang Nhi, Trường Nhi, Phụng, Châu Trang), sinh năm 1898, tại làng Long Ân Trung, tổng Hoàng Trường (nay là xã Diễn Trường), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khi còn niên thiếu, Chu Trang có tư chất thông minh và nhanh nhẹn, được cha mẹ cho ăn học đầy đủ, tiếp thu những luồng tư tưởng mới thông qua văn thơ yêu nước, sách báo tiến bộ nên sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia tích cực phong trào yêu nước ở tổng Hoàng Trường.
Vào năm 1925, hưởng ứng phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh và phong trào Đông du của Phan Bội Châu, những thanh niên yêu nước Hoàng Trường như: Chu Huệ, Chu Trang, Hồ Hùng, Chu Văn Đàm, Trương Thân,… đã hăng hái xuất dương tìm đường cứu nước. Thông qua con đường của Vương Thúc Oánh (người Nam Đàn), Nguyễn Năng Tựu (người Nghi Lộc),… đồng chí Chu Trang tạm biệt quê hương, dưới sự hướng dẫn của Vương Thúc Oánh vào Vinh, đi sang Xiêm qua đường Lào. Tuy nhiên, chuyến đi không thành công vì khi đoàn người sang đến Lào thì người dẫn đường người Lào đã thoái thác trách nhiệm, không chịu đi tiếp. Đồng chí Chu Trang và đoàn xuất dương đành phải quay về và chờ đợi thời cơ khác.
Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời ở tổng Hoàng Trường gồm các đồng chí như: Chu Huệ, Hồ Hùng, Chu Đàm, Chu Trang,... Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Diễn Châu phát triển mạnh dưới hình thức lập trại cày, chia làm bốn nhóm: nhóm thứ nhất lập trại tại Eo Nghẹt do đồng chí Hoàng Lùa (người Thanh Hóa) tổ chức; nhóm thứ hai do đồng chí Võ Mai thành lập tại Tràng Kè (Yên Thành) gồm: Chu Đàm, Chu Trang và một số thanh niên tích cực của làng Cẩm Bào; nhóm thứ ba do đồng chí Nguyễn Năng Tựu về tổ chức tại cánh đồng Mủng; nhóm thứ 4, lập tại Truông Vân có đồng chí Lê Ty, Lê Tài.
Các hội viên ở Trại Cày vừa tăng gia sản xuất, vừa luyện tập võ nghệ và học tập chính trị. Tài liệu học tập dựa theo những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu. Các tổ đọc sách báo, bình giảng thơ văn yêu nước, các hội phường hiếu nghĩa, hội nước mắm Vạn Phần được lập ra, thu hút thêm nhiều người tham gia.
Năm 1928, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã học tập kinh nghiệm xây dựng cơ sở cách mạng của Hiệu Yên Xuân để mở cơ sở Hưng Nghiệp Hội xã ở ga Si. Đồng chí Hồ Hùng, Chu Trang, Chu Đàm,… đã vận động được nhiều người đóng góp cổ phần xây dựng với mệnh giá là 50 đồng.
Tháng 9/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hoàng Trường được thành lập gồm các đảng viên như: Hồ Xiển (Bí thư), Chu Trang, Chu Đàm, Hồ Nhiếp, Chu Huệ, Chu Toàn, Lê Ty,…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 28/4/1930, tại cuộc họp của Ban Chấp hành Phủ uỷ lâm thời Diễn Châu, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tuyên bố chuyển chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hoàng Trường thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tổng Hoàng Trường gồm các đồng chí: Chu Trang, Chu Đàm, Hồ Hùng, Hồ Truyền, Hồ Nhiếp,... do đồng chí Chu Trang làm Bí thư. Đồng chí Chu Trang đã cùng với các đồng chí đảng viên tích cực chỉ đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân ở tổng Hoàng Trường.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, đồng chí Chu Trang và các đồng chí trong chi bộ đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm trên nóc đình Long Ân và ở các cây cao trong làng, đồng thời phân công cho các đồng chí đảng viên trong chi bộ in truyền đơn, bí mật đi rải ở các đường làng, các chợ và nơi đông người. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và Chi bộ tổng Hoàng Trường, phong trào đấu tranh của Nhân dân đã phát triển mạnh mẽ.
Sự phát triển của phong trào cách mạng huyện Diễn Châu đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng các tổ chức Đảng. Nhiều cán bộ được Tỉnh uỷ cử về Diễn Châu, trong đó có đồng chí Chu Văn Biên đã bắt mối với đồng chí Chu Trang để củng cố lại Chi bộ Hoàng Trường, lập thêm Chi bộ Yên Lý (6/1930).
Cuối tháng 7/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình (tức Bình Định) - đặc phái viên của Tỉnh uỷ về Diễn Châu mở Hội nghị tại nhà ông Vũ Trung thuộc làng Văn Vật (Diễn Liên) bàn về việc thành lập Đảng bộ Diễn Châu. Hội nghị đã nhất trí thành lập Phủ uỷ lâm thời, gồm 5 đồng chí: Nguyễn Duy Trinh giữ chức Bí thư, Chu Trang làm Phó Bí thư, đồng chí Hồ Tựu, Phan Lạc, Đào Xấn làm Phủ uỷ viên.
Sau khi được thành lập, Ban Chấp hành lâm thời đã phân công trọng trách của từng đồng chí trong Phủ uỷ, mở rộng phát triển Đảng trong huyện và một số nơi khác. Đồng chí Chu Trang được Phủ uỷ phân công xây dựng cơ sở ở vùng Diễn Châu và Yên Thành.
Tháng 10/1930, các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc về tổ chức cuộc họp tại nhà Bùi Xuân Nôm (Đô Thành) để phổ biến chủ trương của Tỉnh uỷ, tổ chức cuộc biểu tình trong toàn huyện vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, nhằm biểu dương lực lượng quần chúng, đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối đế quốc, tay sai phong kiến đàn áp công nhân Bến Thuỷ, nông dân huyện Hưng Nguyên.
Ngày 14/10/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chu Trang, nhân dân các thôn làng ở Hoàng Trường kéo về tập trung ở Đình Long Ân nghe đồng chí Chu Trang, Chu Huệ, Hồ Tựu diễn thuyết. Từ đình làng, tiếng trống phát lệnh vang lên như sấm dậy, thúc giục Nhân dân hăng hái xông lên, giương cao cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ, cầm gậy gộc, giáo mác,... kéo về phủ lỵ đấu tranh đòi giảm sưu, hoãn thế, bỏ lệ tuần canh, đòi chia ruộng đất cho dân cày,… Đoàn biểu tình bị lính khố xanh do tri phủ Võ Vọng điều động đến đàn áp, chúng nổ súng làm nhiều người chết và bị thương, trong đó có đồng chí Hồ Sỹ Tiềng, người làng Đông Tháp (Diễn Hồng) đi đầu, cầm cờ chỉ huy.
Ngày 28/10/1930, đồng chí Chu Trang lãnh đạo Nhân dân tổng Hoàng Trường tổ chức cuộc mít tinh ở Đồng Nho (Diễn Đoài) làm lễ truy điệu anh Hồ Sĩ Thiềng, sau đó dân chúng Cao Hậu Đoàn kéo đi thị uy tên lý trưởng Nguyễn Thám.
Nhân kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), Đảng bộ phủ Diễn Châu đã phát động phong trào đấu tranh trong toàn phủ. Nhận được chỉ thị cấp trên, Chi bộ tổng Hoàng Trường đã họp bàn kế hoạch và phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên. Đồng chí Chu Trang tích cực đi kiểm tra việc treo cờ, chuẩn bị khẩu hiệu, rải truyền đơn để vận động quần chúng đấu tranh.
Sáng 7/11/1930, đoàn người biểu tình của tổng Hoàng Trường do đồng chí Chu Trang, Chu Huệ lãnh đạo, tập trung tại đình Long Ân tham gia biểu tình cùng với Nhân dân các tổng Lý Trai, Vạn Phần,... kéo về phủ lỵ đấu tranh. Đồng chí Chu Trang đọc diễn thuyết kêu gọi quần chúng đoàn kết, dũng cảm tiến lên. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu:
- Phản đối đế quốc chiến tranh!
- Ủng hộ Xô Nga, giảm sưu thuế cho nông dân!
Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của Nhân dân, bọn địch điên cuồng bắn xả vào đoàn biểu tình làm nhiều người hy sinh và bị thương. Trước tình hình nguy cấp đó, đoàn biểu tình phải giải tán.
Sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930, phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao, tổ chức Đảng càng được củng cố, phát triển. Đồng chí Chu Trang - Phó Bí thư Phủ uỷ được điều lên Tỉnh uỷ. Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều thách thức, nhiệm vụ mới nhưng với kinh nghiệm, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí Chu Trang luôn hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao.
Tháng 12/1930, Ban Chấp hành Tổng uỷ gồm có 5 đồng chí: Chu Huệ, Trương Châu, Vũ Xước, Hồ Hùng, Hồ Nhiếp. Tổ chức Đảng tổng Hoàng Trường chia ra thành 7 Chi bộ trong toàn tổng, gồm 5 Chi bộ chính thức và 2 Chi bộ ghép. Đó là các Chi bộ: A, B, C, D, Đ, E và G.
Chi bộ B gồm có các đồng chí: Chu Trang (Bí thư), Chu Đàm, Chu Toàn, Chu Huệ, Chu Truật, Hồ Nhiếp, Hồ Xiển, Hồ Truyền, Hồ Tựu, Hồ Thức Nguyên, Hồ Bật, Hồ Hùng, Hồ Nghiêm, Trương Châu, Trương Nghiệm, Trương Ninh, Trương Oanh, Trương Đợi, Chu Hiến ([1])
Đầu năm 1931, đồng chí Chu Trang được Tỉnh uỷ Nghệ An giao nhiệm vụ về củng cố lại Phủ uỷ Diễn Châu. Ban Chấp hành mới gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Biểu, Nguyễn Khối, Hồ Tựu, Lê Hùng, Nguyễn Thế Hạnh, Lý Liên Sơ.
Tháng 4/1931, phong trào đấu tranh của Nhân dân trong vùng tiếp tục phát triển lên cao, địch mở các cuộc càn quét, đốt phá, vơ vét tài sản của nhân dân liên tiếp ngày và đêm ở các thôn trong tổng Hoàng Trường. Đồng chí Chu Trang không may bị địch bắt và bị kết án tù chung thân. Nhà cửa, tài sản của đồng chí bị giặc đốt phá và tịch thu. Trong lao tù, những đòn roi tàn ác, dã man liên tục của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí đấu tranh của người cộng sản.Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức. Đồng chí đã anh dũng hy sinh trong nhà tù Buôn Ma Thuột vào ngày 15/9/1931.
Hình ảnh liệt sỹ Chu Trang, một trong những cán bộ Tỉnh uỷ Nghệ An - Phó Bí thư Huyện uỷ lâm thời Diễn Châu - Bí thư Chi bộ Hoàng Trường những năm 1930-1931, hết lòng nhiệt tình với phong trào cách mạng từ những ngày đầu, mãi là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, đã cống hiến tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng chí Chu Trang đã được truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" theo Quyết định số 125/QĐ - TTg cấp ngày 17/6/1963. Tên đồng chí được khắc trên văn bia tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931 trong khuôn viên của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, góp phần giáo dục thế hệ mai sau luôn ghi nhớ tới công lao đóng góp của đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
-------
Chú thích:
[1] ) Theo Hồ sơ Di tích Đình Long Ân, xã Diễn Trường, Huyện Diễn Châu lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.