Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Bá Cảnh (1911-1941): Trọn đời chiến đấu sôi nổi vì lý tưởng cách mạng

BTXVNT 06/11/2024 15:17

Cuộc đời chiến đấu sôi nổi của đồng chí Lê Bá Cảnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918, nhiều tên thực dân Pháp kéo đến phía Bắc Đèo Ngang chiếm đất, đuổi dân lập đồn điền. Thời gian này, Lê Bá Cảnh cũng vừa đến tuổi cắp sách đến trường sơ học huyện Kỳ Anh. Những năm học ở quê nhà, hàng ngày, Lê Bá Cảnh bắt gặp hàng loạt gia đình nông dân không ruộng, vườn phải bỏ quê đi tha phương kiếm nghề sinh sống. Những điều bất công, ngang trái đó đã sớm gieo vào lòng Lê Bá Cảnh những ấn tượng sâu sắc.

Mùa hè năm 1926, Lê Bá Cảnh rời quê hương Thanh Sơn (nay là xã Kỳ Văn), huyện Kỳ Anh ra học Trường Tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Hà Tĩnh. Thời kỳ này, ở tỉnh lỵ Hà Tĩnh đang dấy lên phong trào đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Lê Bá Cảnh nhanh chóng hòa vào phong trào đấu tranh chính trị sôi động đó.

Được sự hướng dẫn của các thầy giáo là đảng viên Tân Việt như Nguyễn Sỹ Sách, anh hăng hái hoạt động trong tổ chức Sinh Đoàn. Nhà trọ của anh trở thành nơi gặp gỡ của nhiều bạn bè cùng chí hướng. Những ngày chủ nhật hay ngày lễ, họ thường đến đây cùng anh đọc sách báo, bình thơ ca, nói chuyện về thời cuộc...

Chân dung đồng chí Lê Bá Cảnh (1911-1941)
Chân dung đồng chí Lê Bá Cảnh (1911-1941).

Tuy còn nhỏ tuổi , nhưng Lê Bá Cảnh đã là một học sinh tích cực đấu tranh chống lại những bất công trong trường học. Có lần, một thầy giáo người Pháp là Grip - phông (Gripfon) đuổi bạn Mai ra khỏi trường, Lê Bá Cảnh đã đứng phắt dậy phản đối thái độ hống hách của tên thầy giáo kiêm mật thám đó. Anh ngang nhiên bỏ lớp ra về. Theo gương Lê Bá Cảnh, các bạn cùng lớp đã hành động như anh. Trước sự phản ứng kiên quyết của học sinh, hiệu trưởng Tôn Thất Cổn vội vàng can thiệp. Bất chấp sự hăm doạ của Cổn, Lê Bá Cảnh thay mặt học sinh yêu cầu Grip- phông không được đánh đập, xỉ vả và tự tiện đuổi học sinh. Để xoa dịu lòng phẫn nộ của học sinh, Tôn Thất Cổn phải chấp nhận yêu sách của họ.

Sau cuộc đấu tranh này, Lê Bá Cảnh được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Ít lâu sau, anh được Tỉnh bộ Tân Việt Hà Tĩnh giao trách nhiệm phụ trách tổ chức Học sinh Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Lê Bá Cảnh, tổ chức Học sinh Đoàn nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở thị xã Hà Tĩnh.

Cuối năm 1928, đầu năm 1929, Đảng Tân Việt bị khủng bố. Một số cán bộ đảng viên bị địch bắt, một số lao động nằm im và sao nhãng dần chí hướng cứu nước. Trong hoàn cảnh đó, Lê Bá Cảnh cùng một số cán bộ nòng cốt trong Học sinh Đoàn ra Đức Thọ tìm gặp cụ Lê Huân, một trong những người đã sáng lập ra Hội Phục Việt (tiền thân của Đảng Tân Việt). Tuy trải qua nhiều thất bại trong quá trình hoạt động cứu nước và đang bị địch quản chế tại địa phương, song cụ vẫn giữ vững tinh thần cách mạng và quan tâm theo dõi thời cuộc. Cụ khuyên Lê Bá Cảnh và các bạn cứ bền gan, vững chí và hướng theo con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Những ngày nghỉ hè, Lê Bá Cảnh không về quê, anh lấy cớ ở lại thị xã ôn thi để cùng bạn bè tìm cách làm theo lời khuyên của cụ Lê Huân. Được tin ở Nghệ An đã có hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng, Lê Bá Cảnh liền ra Vinh bắt mối liên lạc. Anh được người em rể là Nguyễn Tiềm, một đảng viên trong chi bộ cộng sản ở Trường Quốc học Vinh giải thích về đường lối cách mạng của Đông Dương Cộng sản Đảng. Như người đi đêm có ánh sáng của sao Bắc Đẩu chỉ đường, Lê Bá Cảnh bước vào con đường cách mạng với nhiệt tình sôi nổi của tuổi mười tám.

Sau khi thi vào Trường Quốc học Vinh bị trượt, để có điều kiện ở lại thị xã Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động, Lê Bá Cảnh xin học thêm ở trường tiểu học. Anh đã cùng Nguyễn Huy Lung và Nguyễn Đình Chuyên lập nhóm nòng cốt, xúc tiến việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản trong thanh niên và học sinh. Trên cơ sở nhóm này, tháng 10/1929, tổ chức Sinh Hội Đỏ được thành lập ở trường tiểu học.

Từ đó, mỗi khi nhận được truyền đơn, sách báo của Tổng Sinh Hội Nghệ An bí mật chuyển vào, Lê Bá Cảnh cùng các hội viên Sinh hội Đỏ tổ chức in lại và phân phát đi nhiều nơi trong tỉnh. Đêm mồng 6/11/1929, Lê Bá Cảnh lãnh đạo Sinh hội Đỏ tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga bằng cuộc rải truyền đơn ở nhiều địa điểm trong thị xã. Lần đầu tiên những tờ truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng xuất hiện ở trung tâm chính trị, văn hoá của cả tỉnh, kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, học sinh và bà con lao động noi gương Cách mạng tháng Mười Nga “đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến, thành lập Xô Viết công nông binh...”.

Cuối năm 1929, được sự giúp đỡ của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Trường Quốc học Vinh, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở trường tiểu học thị xã Hà Tĩnh được thành lập gồm 5 đảng viên do Lê Bá Cảnh làm Bí thư. Đầu năm 1930, khi đồng chí Trần Hữu Thiều, cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng vào xây dựng cơ sở Đảng ở Hà Tĩnh, Lê Bá Cảnh là người cộng tác tích cực trong việc chắp mối với các cơ sở Đông Dương cộng sản Liên Đoàn, thành lập ra Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh năm 1930.

Hoạt động của Lê Bá Cảnh bị lộ, chiều 1/3/1930, Sở mật thám Hà Tĩnh đến khám nhà trọ, thu hồi một số tài liệu cùng dụng cụ in ấn và bắt đồng chí cùng 7 bạn học của anh.

Biết Lê Bá Cảnh là đầu mối quan trọng của tổ chức Đảng Hà Tĩnh, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn thâm độc hòng khuất phục người cộng sản trẻ tuổi. Song, Lê Bá Cảnh không hề để lộ một điều gì về hoạt động của Đảng.

Ngày 18/4/1930, Toà án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh mở phiên toà xử án Lê Bá Cảnh và những người cùng bị bắt. Đây là phiên toà đầu tiên xét xử các đảng viên cộng sản ở Hà Tĩnh nên có đông người đến xem. Tranh thủ thời cơ, Lê Bá Cảnh đã biến phiên toà thành diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Đồng chí bác bỏ những điều vu khống, xuyên tạc bỉ ổi của quân thù đối với Đảng cộng sản. Với thái độ kiên quyết và giọng nói đĩnh đạc, Lê Bá Cảnh vạch tội cướp nước của thực dân Pháp và lên án tội bán nước của triều đình nhà Nguyễn. Đồng chí khẳng khái bênh vực cho các bạn chiến đấu của mình. Không có chứng cứ cụ thể để kết án 7 học sinh cùng bị bắt với Lê Bá Cảnh, bọn địch phải tha bổng họ. Nhưng chúng lại kết án Lê Bá Cảnh 13 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc về tội “in truyền đơn và cất giữ sách báo cộng sản”. Ngoài ra, Toàn quyền Đông Dương còn ra quyết định số 1.500 S, phạt Lê Bá Cảnh “đuổi vĩnh viễn ra khỏi các trường học ở Đông Dương và không bao giờ được nhận vào làm việc ở công sở nào”.

Án tiết bất công và chế độ nhà tù khắc nghiệt của bọn đế quốc, phong kiến không thể làm nhụt ý chí cách mạng của Lê Bá Cảnh. Đồng chí một mặt tuyên truyền vận động anh em tù đấu tranh; mặt khác đặt mối liên lạc với cơ sở Đảng ở thị xã để nắm được tình hình đấu tranh của quần chúng. Lê Bá Cảnh rất đỗi vui mừng khi biết được khắp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh làn sóng biểu tình, đình công từ Vinh - Bến Thủy đang lan nhanh ra các phủ, huyện, thu hút hàng chục vạn quần chúng công nông.

Ngày 8/9/1930, được tin nông dân Thạch Hà biểu tình kéo vào dinh công sứ Pháp đưa yêu sách, Lê Bá Cảnh cùng với anh em tù chính trị ở nhà lao Hà Tĩnh phối hợp đấu tranh bằng cách tuyên bố tuyệt thực và đòi bọn cầm quyền thực hiện các yêu sách:

+ Tắm giặt tự do
+ Cải thiện ăn uống
+ Mỗi ngày được tự do 4 giờ

Trong những ngày đấu tranh quyết liệt đó, đồng chí thường đem những tấm gương bất khuất của các bậc tiền bối kể lại cho anh em cùng nghe. Đêm đêm, đồng chí đọc thơ ca cách mạng, tuyên truyền đến mọi người niềm tin tưởng và lạc quan. Lê Bá Cảnh còn hướng dẫn các đồng chí của mình hát bài Quốc tế ca. Tinh thần đấu tranh bất khuất và lòng yêu đời của Lê Bá Cảnh đã tiếp thêm nghị lực cho các bạn tù trong cuộc tuyệt thực kéo dài 14 ngày.

Cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cộng sản ở nhà lao Hà Tĩnh vừa kết thúc thắng lợi, bọn mật thám Trung Kỳ liền chuyển Lê Bá Cảnh và một số đảng viên nòng cốt vào giam giữ ở nhà lao thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Âm mưu của chúng là cách ly họ với cao trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh đang dấy lên như nước vỡ bờ. Nhưng từ bên kia Đèo Ngang, Lê Bá Cảnh ngày đêm vẫn theo dõi từng bước đi lên của phong trào cách mạng ở quê nhà. Đồng chí rất vui sướng khi biết tin ở nhiều làng xã, nông dân đã đạp đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến thành lập chính quyền Xô viết. Mặc dù chân bị xiềng, tay bị xích, nhưng lúc nào Lê Bá Cảnh cũng cảm thấy như mình đang có mặt trong đội ngũ trùng điệp của công nông. Đồng chí làm những vần thơ gửi các bạn ra tù nói lên tình cảm của mình trước sự kiện mới mẻ đó:

Bóng Xích kỳ ánh đỏ nước non xanh,
Đài chuyên chế phá tan tành trong một thuở.
Xông mây gió, dọc ngang trời long hổ,
Ở tù ta vẫn cứ vui...

Bọn thống trị ở Quảng Bình đối xử với tù nhân ngày càng tàn tệ. Tuần vũ Nguyễn Hy ỷ thế là con Nguyễn Thân, kẻ đã có tội cùng với thực dân Pháp đàn áp phong trào Cần Vương, y tự đặt ra luật lệ riêng đối với người tù. Hàng ngày, y ngang nhiên bắt tù chính trị phục dịch cho gia đình y. Tên giám binh người Pháp ở Đồng Hới cũng đánh đập tù nhân không chút ghê tay. Không chịu cảnh bất công đó, Lê Bá Cảnh cùng các đồng chí bị giam nhất loạt tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù vô nhân đạo và đòi các yêu sách:

+ Phải biệt đãi đối với tù chính trị.
+ Không được bắt các tù nhân làm công không cho gia đình các quan lại.
+ Bỏ việc đánh đập, phạt vạ tù nhân và không được đặt ra luật lệ riêng bắt tù nhân phải thực hiện.

Cuộc đấu tranh của tù chính trị thu hút đông đảo anh em tù kinh tế và tù hình sự tham gia. Khâm sứ Trung Kỳ phải từ Huế ra can thiệp. Nhân cơ hội ấy, Lê Bá Cảnh cùng với anh em tù chính trị kiên quyết vạch tội ác dã man của tên tuần phủ và giám binh. Trước tình hình đó, khâm sứ Trung Kỳ buộc phải ra lệnh thuyên chuyển viên tuần vũ Nguyễn Hy đi nơi khác và cách chức tên giám binh.

Trong nhà lao Đồng Hới, đồng chí Lê Bá Cảnh đã tổ chức thành lập một chi bộ Đảng có 4 tiểu tổ. Ban chấp hành gồm có :

Lê Bá Cảnh: Bí thư. Trần Mạnh Táo: phụ trách binh lính; Tuyên truyền phụ nữ: Võ Thị Ngọ; Phụ trách công nhân: Nguyễn Trung Lục, Đinh Quế (theo báo cáo ngày 18/1/1934 của Paul Humbert, chánh cảnh sát đặc biệt gửi chánh cảnh sát và liêm phong Trung Kỳ tại Huế). Trong nhà lao Đồng Hới, chi bộ đã in lại báo "Bước Tới" và "Lao khổ".

Từ ngày bị địch kết án, Lê Bá Cảnh một mặt tham gia không mệt mỏi các cuộc đấu tranh trong tù, mặt khác liên tục viết đơn kháng án gửi khâm sứ Trung Kỳ, Viện Cơ mật, toàn quyền Đông Dương và Nghị viện Pháp. Không thể bỏ qua những lá đơn chống án đầy lý lẽ sắc bén của Lê Bá Cảnh, ngày 25/12/1934, bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương phải trả lại tự do cho đồng chí.

Lê Bá Cảnh trở về quê nhà trong lúc tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh sau nhiều năm bị địch khủng bố trắng chưa được khôi phục. Sum họp với gia đình chưa được bao lâu, Lê Bá Cảnh lại lao vào công việc. Đồng chí một mình lặn lội từ Kỳ Anh ra Đức Thọ, Hương Sơn, rồi về Can Lộc, Cẩm Xuyên tìm hiểu tình hình. Nhưng đi đến đâu Lê Bá Cảnh cũng bị địch theo dõi sát sao. Việc móc nối liên lạc để phục hồi cơ sở gặp nhiều khó khăn. Không chịu bó tay, đồng chí tìm cách ra Vinh để liên lạc với cơ sở Đảng ở Nghệ An. Để che mắt địch, Lê Bá Cảnh làm đơn xin dạy học ở trường tư thục tiểu học Lệ Văn do Phạm Kiếm Huy làm hiệu trưởng ở thành phố Vinh.

Tri huyện Kỳ Anh không chịu chấp nhận đơn của Lê Bá Cảnh, đồng chí mang thẳng đơn ra xin công sứ Pháp ở thị xã Hà Tĩnh. Tên công sứ này buộc lòng phải cho anh ra cư trú ở Vinh, nhưng y mật báo với Om-be (Humber), chánh mật thám ở Nghệ An để theo dõi.

Trong thời gian dạy ở trường Lệ Văn, Lê Bá Cảnh vừa tìm cách che mắt bọn mật thám, vừa bí mật bắt liên lạc với cơ sở Đảng ở thành phố Vinh. Đồng chí rất phấn khởi khi được nghe phổ biến chủ trương của Trung ương Đảng về việc phát động phong trào “Đông Dương Đại hội” thu thập nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để trao cho phái viên của Mặt trận Nhân dân Pháp sắp sang Đông Dương điều tra tình hình. Nhân phong trào này, Lê Bá Cảnh ra hoạt động công khai. Ngày 20/9/1936, đồng chí đã cùng anh em tù chính trị ở thành phố Vinh tham gia cuộc họp “Đông Dương đại hội” ở hội trường Quảng Trí để thống nhất hành động và tập hợp lực lượng quần chúng. Sau hội nghị, Lê Bá Cảnh đã cùng với các bạn chiến đấu cũ ở Hà Tĩnh vừa ra tù thành lập ra “Uỷ ban hành động” chung của tỉnh để chỉ đạo phong trào “Đông Dương Đại hội” ở các huyện.

Ngày 23/2/1937, hàng trăm đại biểu của nhân dân các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân kéo ra thành phố Vinh - Bến Thuỷ phối hợp với hàng nghìn đại biểu của nhân dân các huyện ở Nghệ An dự cuộc đón Gô-đa, phái viên của Mặt trận Nhân dân Pháp.

Trước những hoạt động tích cực của Lê Bá Cảnh, công sứ Pháp ở Nghệ An đã ra lệnh trục xuất đồng chí về Hà Tĩnh. Rời thành phố Vinh về quê, Lê Bá Cảnh được Tỉnh uỷ Hà Tĩnh giao trách nhiệm chủ trì Ban quản trị hiệu sách “Liên Thành” ở thị xã, một hiệu sách công khai của Đảng bộ Hà Tĩnh.

Với hai gian nhà gạch thuê của một gia đình viên chức trước cửa chợ tỉnh, hiệu sách “Liên Thành” ngày đêm nhộn nhịp người ra vào làm bọn mật thám ở thị xã Hà Tĩnh rất tức tối. Chúng cho người hàng ngày bám chặt Lê Bá Cảnh, nhận mặt những người đến giao dịch. Ngày 23/6 và ngày 13/8/1937, bọn mật thám đến khám xét và tịch thu hàng trăm cuốn sách, đe dọa và kiềm chế gắt gao Lê Bá Cảnh. Hoạt động công khai của Lê Bá Cảnh ngày càng khó khăn. Trước tình hình đó, tháng 11/1937, Tỉnh ủy Hà Tĩnh bố trí cho đồng chí chuyển vào hoạt động bí mật. Để đánh lạc hướng địch, Lê Bá Cảnh rời thị xã Hà Tĩnh về Kỳ Anh, rồi từ Kỳ Anh đồng chí bí mật vào Huế theo sự giới thiệu của Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Được Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ, Lê Bá Cảnh cải trang là một tư chức thất nghiệp đi tìm việc làm để vào hoạt động ở các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân. Nhờ bản tính hoạt bát và thông thạo nhiều nghề, Lê Bá Cảnh khi thì vào làm công ở hãng buôn tư nhân, lúc lại làm nhân viên ở một công sở. Thông qua việc đi lại làm ăn, đồng chí bắt liên lạc với các cơ sở Đảng ở Quảng Nam, Nha Trang, Sông Câu, Phan Thiết... Đến đâu Lê Bá Cảnh đều được các tổ chức Đảng tin cậy và bà con lao động yêu mến.

Giữa năm 1939, đồng chí lên hoạt động ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhờ một bạn tù cùng quê đang hoạt động trong chi bộ Bồi Bếp ở khách sạn Pa-lát-xơ giới thiệu, Lê Bá Cảnh vào dạy học cho con cái gia đình tên tư bản chuyên kinh doanh biệt thự. Đồng chí hướng dẫn chi bộ Bồi Bếp vận động những người làm thuê trong gia đình tên tư bản này lập tổ ái hữu để giúp đỡ nhau trong đời sống. Đồng chí tìm cách giác ngộ lòng yêu nước và bồi dưỡng tình cảm giai cấp cho họ, hướng dẫn họ đấu tranh theo các khẩu hiệu của Đảng.

Cuối năm 1939, Lê Bá Cảnh rời Đà Lạt xuống hoạt động ở Phan Rang. Đồng chí được tổ chức Đảng bố trí làm thư ký cho hãng buôn Hiệp Thanh. Hoạt động ở đây bị lộ, đồng chí chuyển vào hoạt động ở Sài Gòn. Phát hiện ra Lê Bá Cảnh “đang liên lạc với các tay hoạt động ở địa phương và giữ vai trò quan trọng ở Sài Gòn” (báo cáo số 2539 ngày 23/4/1941 của Sở Cảnh sát Sài Gòn), ngày 25/4/1941, Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh trục xuất Lê Bá Cảnh về nguyên quán.

Ngày 29/5/1941, khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định bắt Lê Bá Cảnh đưa vào trại lao động đặc biệt Ly Hy với lý do "Lê Bá Cảnh là một tay hoạt động hàng đầu, vì lợi ích của nền an ninh công cộng phải cô lập những hoạt động chống đối của nó".

Ở trại giam Ly Hy (Thừa Thiên Huế), Lê Bá Cảnh được gặp lại nhiều bạn bè quen biết. Họ là những cán bộ, đảng viên của các tỉnh miền Bắc Trung bộ bị địch ra lệnh bắt tập trung sau ngày chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Đồng chí được anh em tín nhiệm cử vào Ban đại diện tù nhân. Hàng ngày, Lê Bá Cảnh thay mặt tù nhân tiếp xúc với ban quản lý trại. Với cương vị đó, Lê Bá Cảnh kiên quyết phản đối những hành động bạc đãi tù nhân của bọn cai ngục. Biết đồng chí là “một người tù chưa bao giờ chịu khuất phục” nên bọn địch tìm cách chuyển Lê Bá Cảnh lên nhà tù Đắk Tô.

Sống giữa núi rừng Tây Nguyên heo hút và đang bị quân thù dùng chế độ “cải tạo đặc biệt” để giết dần giết mòn, nhưng Lê Bá Cảnh vẫn giữ niềm tin sắt đá vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng. Đồng chí tranh thủ mọi thời gian để giải thích cho anh em nghe các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI, lần thứ VII. Đồng chí khuyên mọi người giữ vững ý chí chiến đấu, chờ cơ hội tháo cũi, sổ lồng trở về cùng đồng chí, đồng bào giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc.

Ngày 18/10/1941, Thống sứ Nam Kỳ lại gửi công điện cho Khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu trao trả Lê Bá Cảnh cho Sở Cảnh sát Sài Gòn. Trong bối cảnh sục sôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Lê Bá Cảnh bị bọn địch sát hại vào khoảng cuối năm 1941. Năm ấy đồng chí vừa tròn 30 tuổi.

Cuộc đời chiến đấu sôi nổi của đồng chí Lê Bá Cảnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/le-ba-canh1911-1941
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/le-ba-canh1911-1941
Đồng chí Lê Bá Cảnh (1911-1941): Trọn đời chiến đấu sôi nổi vì lý tưởng cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh