Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Huy Lung (1908-1931): Chiến sỹ cộng sản bất khuất

Thục Linh 05/11/2024 22:23

Làng Giao Tác, tổng Lai Thạch (nay là xã Thuận Lộc) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm giữa vùng đồng chiêm mênh mông với xóm làng trù phú trải dài dưới chân núi Hồng Lĩnh, một danh lam nổi tiếng ở vùng Nghệ Tĩnh. Tại đây, năm 1908, Nguyễn Huy Lung cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà Nho yêu nước.

Ông nội Nguyễn Huy Lung là nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng. Thân sinh của anh cũng là người có tinh thần chống Pháp, làm Chánh tổng Lai Thạch nhưng chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước của nhân dân địa phương, đặc biệt là những hoạt động cách mạng của các con. Trong thời gian làm Chánh tổng, ông đã lợi dụng chức vụ của mình để cấp thẻ thuế thân giả cho một số hoạt động cách mạng. Ông bị Chính phủ Nam Triều cách chức, từ đó ông ở quê làm ruộng và tham gia hoạt động yêu nước.

Mùa Thu năm 1924, Nguyễn Huy Lung ra học Trường Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh. Anh được dịp tiếp xúc với các thầy giáo có chân trong Hội Phục Việt như Trần Phú, Hà Huy Tập…, được các thầy tuyên truyền tư tưởng tiến bộ và khêu gợi lòng yêu nước. Tác động ấy cùng với không khí sôi nổi của phong trào học sinh thành phố Vinh hồi bấy giờ đã cuốn hút Nguyễn Huy Lung nhanh chóng bước vào con đường tranh đấu. Anh tham gia tích cực các hoạt động yêu nước của học sinh. Sau cuộc bãi khóa năm 1927, anh bị Tổng đốc Nghệ An đuổi học.

Chân dung đồng chí Nguyễn Huy Lung (1908-1931)
Chân dung đồng chí Nguyễn Huy Lung (1908-1931).

Trở về quê nhà, Nguyễn Huy Lung cùng một số thanh niên tiến bộ tổ chức truy điệu cụ Phan Châu Trinh và diễn thuyết kêu gọi dân làng bài trừ mê tín dị đoan, vận động cải cách hương thôn, đòi chia ruộng đất công… Bằng những hoạt động ấy, Nguyễn Huy Lung trở thành chiếc gai nhọn đối với bọn hào lý địa phương. Tri huyện Can Lộc liền cho lính về bắt giam Nguyễn Huy Lung. 3 tháng sau, anh mới được trả lại tự do.

Để tạo địa bàn cho Nguyễn Huy Lung hoạt động, năm 1928 các thầy giáo là đảng viên Tân Việt bố trí cho anh học tiếp chương trình tiểu học ở Trường Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh.

Mùa Thu năm 1929, Nguyễn Huy Lung liên lạc được với Đông Dương Cộng sản Đảng ở Vinh, anh cùng với Lê Bá Cảnh, Nguyễn Đình Chuyên, thành lập nhóm nòng cốt, xúc tiến việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản ở thị xã và thành lập tổ chức Sinh hội Đỏ ở trường tiểu học.

Cuối năm 1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở trường tiểu học do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư. Đầu năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều, một cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng vào Hà Tĩnh và dựa vào chi bộ này để tiến hành xây dựng cơ sở Đảng. Nguyễn Huy Lung là một trong những người đã cộng tác tích cực với đồng chí Trần Hữu Thiều trong việc chắp mối với cơ sở Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành lập ra Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Tĩnh vào tháng 3 năm 1930.

Sau khi đồng chí Lê Bá Cảnh bị bắt, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh chỉ định Nguyễn Huy Lung đảm nhận trách nhiệm Bí thư Chi bộ và chỉ đạo phong trào thị xã.

Ngày đêm Nguyễn Huy Lung đi vào trường học và các làng, xã xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), đồng chí lãnh đạo Chi bộ tổ chức treo cờ, rải truyền đơn. Truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh đòi tăng tiền lương, bớt giờ làm, giảm sưu, hoãn thuế. Cờ búa liềm mọc lên ở những nơi công cộng, cờ còn được cắm ngay ở trước dinhCcông sứ Pháp ở thị xã Hà Tĩnh.

Ngày 16/6/1930, Nguyễn Huy Lung bị sa lưới địch. Căn cứ vào những tài liệu địch thu được chúng biết “Nguyễn Huy Lung không phải là một đảng viên thường” (Thông báo số 9618, ngày 23/12/1930 của Sở Mật thám Trung Kỳ). Vì vậy, chúng dùng mọi thủ đoạn để buộc đồng chí cung khai những bí mật của Đảng, của cách mạng. Nhưng suốt mấy tháng liền, bọn chúng không hề moi được điều gì ở đồng chí. Tuy vậy, Tòa án Nam Triều Hà Tĩnh vẫn kết án đồng chí 13 năm tù khổ sai.

Nhưng bản án ấy vẫn chưa làm hài lòng Sở Mật thám Trung Kỳ. Ngày 23/12/1930, Chánh mật thám Trung Kỳ gửi thông báo cho Bộ Tư pháp kháng nghị: “Theo ý tôi, hình phạt do các nhà chức trách địa phương đối với Nguyễn Huy Lung chưa đầy đủ… Nó là một tay hoạt động quan trọng mà bản án chưa làm nổi bật”.

Nhận được thông báo của Chánh mật thám, Tòa án Nam Triều tiếp tục khai thác tài liệu về hoạt động của Nguyễn Huy Lung. Đồng chí liên tục bị chúng thay nhau tra khảo và nhốt vào xà lim cấm cố ở Nhà lao Hà Tĩnh.

Giữa những ngày bị địch tra tấn chết đi sống lại, Nguyễn Huy Lung nhận được những lời động viên ân cần của người cha. Trong bài thơ gửi Nguyễn Huy Lung, ông viết:

Con cứ bền gan cứ vững lòng,
Đã muốn non sông xoay trở lại,
Sợ gì lụy tiết vào vòng…”.

(Bài thơ do ông Nguyễn Huy Chín, em ruột Nguyễn Huy Lung cung cấp).

Cảm động trước những lời khuyên khảng khái của cha, Nguyễn Huy Lung đã làm bài thơ “Gửi thầy mẹ” để bài tỏ ý chí sắt đá của mình:

Con xin thầy mẹ chớ sầu thương,
Lụy tiết lao lung chính sự thường.
Đã quyết liều thân cùng xã hội,
Lẽ nào trở mặt với giang sơn,
Công nhà nhờ mẹ lo săn sóc,
Việc nước khuyên thầy cứ đảm đương.
Nghĩa nặng ơn dày khôn trả kịp,
Con xin lấy máu tỏ can trường”.

Không khí chính trị sục sôi bên ngoài lúc bấy giờ cũng dội mạnh vào nhà lao, tiếp thêm cho người chiến sĩ chiến đấu trong tù một nguồn sinh khí. Nguyễn Huy Lung coi gông cùm thực dân Pháp là “chuyện nhởi”, sự tra tấn của chúng cũng là “trò chơi”. Đồng chí luôn tâm niệm:

“Treo gương phấn đấu cho người biết,
Nợ nọ thù kia trả có hồi”.

(Trích bài thơ “Phát vãng” của Nguyễn Huy Lung do Nguyễn Huy Chín cung cấp.)

Đồng chí hăng hái vận động và tổ chức anh em tù chính trị đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù để phối hợp với làn sóng đấu tranh đang dâng cao của công - nông Nghệ Tĩnh.

Với Nguyễn Huy Lung, thơ cũng là vũ khí. Những vần thơ chân thật và giàu tính chiến đấu của đồng chí đã tiếp sức cho đồng chí trong bước đường đấu tranh và động viên anh em tù giữ vững tinh thần cách mạng. Những bài thơ đồng chí gửi về gia đình cũng vậy, vừa dạt dào tình cảm, vừa tràn đầy tinh thần lạc quan và tin tưởng. Dẫu bản thân còn bị cầm tù, đồng chí vẫn mong muốn các bậc đàn em nối gót các bậc cha anh làm cách mạng, một sự nghiệp mà đồng chí nguyện suốt đời hy sinh, phấn đấu. Bài thơ thứ hai gửi về cho cha, đồng chí viết:

Dẫu bác xanh kia có phũ phàng,
Làm người đâu sợ nỗi gian nan.
Tha hồ gông trói không sờn chí,
Mặc sức lao tù cứ vững gan.

Cha ơi về dạy đàn em bé
Để trẻ xoay vần với thế gian”.

Để cách ly ảnh hưởng của Nguyễn Huy Lung ở Nhà lao Hà Tĩnh, ngày 4/8/1931, bọn đế quốc chuyển đồng chí vào Nhà lao Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vừa đặt chân tới sân Ga Đồng Hới, với ý thức chiến đấu thường trực của người cộng sản. Nguyễn Huy Lung tổ chức ngay một trận tấn công chớp nhoáng, bất ngờ làm cho kẻ thù không kịp đối phó. Đồng chícùng với một bạn tù thay nhau “hát những bài ca cộng sản và diễn thuyết trước đông đảo hành khách đang chờ tàu, trong đó có cả ông Tuần vũ, binh lính và số đông nhân viên hành chính quân sự của Nam Triều.” (Tài liệu mật thám Trung Kỳ, số 9618, ngày 22/4/1931). Bằng giọng nói ấm áp và sôi nổi, Nguyễn Huy Lung đã thu hút được sự chú ý của hàng trăm hành khách và để lại trong tâm trí của họ những ấn tượng sâu sắc về cách mạng, về người chiến sĩ cộng sản.

Vào Nhà lao Đồng Hới chưa đầy 1 tháng, bọn địch lại đày Nguyễn Huy Lung vào Kon Tum, nơi nổi tiếng là “rừng thiêng nước độc”. Lập ra Nhà tù Kon Tum, ngoài việc giết dần, giết mòn những người cộng sản mà thực dân Pháp cho là trọng yếu, chúng còn có mục đích bòn rút sức lao động còn lại của họ để phục vụ cho chính sách khai thác.

Nhà ngục Kon Tum - nơi ra đời của tổ chức đảng đầu tiên ở Kon Tum. Ảnh trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum
Nhà ngục Kon Tum. Ảnh trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

Chế độ Nhà tù Kon Tum thật khắc nghiệt. Người tù đêm thì một chân xiềng, tay xích, ngày thì cứ 2 người xích chung một xích, “mình trần thân trụi” và phải nai lưng ra đốn cây, nổ mìn, phá đá làm đường… Dưới làn roi họng súng của địch. Nhiều người thịt nát xương tan theo đá, theo mìn. Và không ít người chết oan vì tội “làm biếng” hoặc “chạy trốn”. Việc ăn uống càng tồi tệ: “Cơm pha trấu, mắm pha dòi…”.

Trước cảnh tượng đau lòng đó, với cương vị là Bí thư, Nguyễn Huy Lung một mặt lãnh đạo Chi bộ đấu tranh chống bọn cai ngục và động viên anh em tù giữ vững tinh thần cách mạng; mặt khác, đồng chí nhận về mình mọi công việc nặng nhọc, miễn là giảm bớt được khó khăn cho bạn, hạn chế bớt đau thương cho anh em. Đồng chí nhường nhịn thuốc men, quần áo và cả khẩu phần ăn ít ỏi hàng ngày của mình cho anh em ốm yếu. Đồng chí che chở, bênh vực cho các bạn tù, mặc dù mọi sự hiểm nguy có thể bất thần đến với anh. Nguyễn Huy Lung luôn luôn đứng ở mũi nhọn các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị chống chế độ lao tù hà khắc. Và đối với bản thân, đồng chí cũng đã kiên trì đấu tranh để chiến thắng bệnh tật, đói, rét và sự cám dỗ của quân thù, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Bọn địch mất khá nhiều công sức theo dõi và khống chế Nguyễn Huy Lung, chúng gắn cho đồng chí tội “cứng đầu” và “âm mưu làm loạn” để truy bức, hành hạ đồng chí một cách tàn nhẫn hơn. Tuy đã chịu đựng nhiều năm cuộc sống tù ngục ê chề, trái tim Nguyễn Huy Lung vẫn rực cháy ngọn lửa đấu tranh, tâm hồn Nguyễn Huy Lung vẫn thanh thản; đồng chí vẫn có những tiếng cười sảng khoái để đả kích, mỉa mai chế độ nhà tù đế quốc một cách dí dỏm.

“Một giường một chiếu một xà lim
Sinh hoạt nào ai sánh kịp mình
Trộm chẳng vào nhà nhờ lính gác
Cướp không qua cửa có pha canh
Đi đâu nửa bước quan cũng sợ,
Nói chuyện nhiều điều lính phải kinh”.

(Bài thơ do đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, người cùng quê và là bạn chiến đấu cùng thời với Nguyễn Huy Lung cung cấp).

Tái hiện Cuộc đấu tranh lưu huyết của tù chính trị ở Ngục Kon Tum phản đối sự tàn ác, vô nhân đạo của thực dân Pháp. Ảnh Đông Hưng - Báo Sức khỏe và Đời sống
Tái hiện cuộc đấu tranh lưu huyết của tù chính trị ở Ngục Kon Tum phản đối sự tàn ác, vô nhân đạo của thực dân Pháp. Ảnh: Đông Hưng - Báo Sức khỏe và Đời sống

Ngày 12/12/1931, bọn địch bắt 40 tù chính trị đi làm khổ sai ở Dak Pek lần thứ 2 để giết dần những người cộng sản trung kiên. Chúng cho Mu-le, một tên cai ngục người Pháp khét tiếng gian ác dẫn lính đến bắt người tù đi làm. Khi chúng vừa kéo tới, anh em tù liền thực hiện kế hoạch đã bàn, đồng thanh hô “nhất định không đi Dak Pek” và vỗ tay hò la, làm náo động cả một vùng. Anh em còn cài chặt cửa lao và vây kín lấy nhau quyết không cho bọn lính bắt đi một người nào. Nguyễn Huy Lung - người cộng sản mang số tù 299 bất chấp sự đe dọa và lồng lộn của quân thù dõng dạc quát vào mặt chúng:

- Chúng tôi nhất định không đi Dak Pek… vì đi cũng chết, không đi cũng chết. Thà chết ở đây còn hơn phải lên Dak Pek chịu trăm điều khổ sở rồi mới chết (Lê Văn Hiến, “Ngục Kon Tum”, NXB Văn học Hà Nội, 1970, tr57).

Thấy mọi người nhất loạt phản đối, Mu-le buộc phải quay về báo với công sứ, giám binh và các đồn lính xung quanh chúng huy động lực lượng ập đến vây kín nhà lao và chĩa súng vào từng phòng giam gọi Nguyễn Huy Lung, người đại diện của tù nhân ra hỏi. Anh Trương Quang Trọng đứng phía trước và phanh ngực ra thách thức bị chúng bắn chết. Người trước ngã, người sau xông lên, chỉ trong chốc lát đã có 16 người chết và bị thương. Nguyễn Huy Lung đã anh dũng hy sinh trong giờ phút quyết định ấy.

Đồng chí Nguyễn Huy Lung, người đứng đầu cuộc đấu tranh lưu huyết (ảnh trái) và đồng chí Trương Quang Trọng, người đầu tiên ngã xuống trong cuộc đấu tranh lưu huyết.
Đồng chí Nguyễn Huy Lung, người đứng đầu cuộc đấu tranh lưu huyết (ảnh trái) và đồng chí Trương Quang Trọng, người đầu tiên ngã xuống trong cuộc đấu tranh lưu huyết.

Nguyễn Huy Lung đã ngã xuống nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ các bạn tù tiếp tục đấu tranh giành sự sống. Cuộc đấu tranh sinh tử ấy đã gây một tiếng vang khắp trong và ngoài nước. Trước áp lực của phong trào đấu tranh của những người cộng sản trong và ngoài nhà tù, bọn thực dân không những phải thực hiện một số yêu sách của tù nhân mà sau đó ít lâu, chúng còn ra lệnh bãi bỏ Nhà lao Kon Tum.

Cái chết của đồng chí Nguyễn Huy Lung đã trở thành một trong những biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu bất khuất của các chiến sĩ cộng sản ở Kon Tum.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-huy-lung-1908-1931
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/nguyen-huy-lung-1908-1931
Đồng chí Nguyễn Huy Lung (1908-1931): Chiến sỹ cộng sản bất khuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh