Đồng chí Lê Duy Điếm (1906 - 1930): Tinh thần hăng say hoạt động cách mạng
Lê Duy Điếm sinh năm 1906, tại làng Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một dòng họ yêu nước và cách mạng. Dòng họ Lê làng Xuân Viên có cội nguồn ở tỉnh Thanh Hóa vào huyện Nghi Lộc ở, sau đó sang Nghi Xuân, đến đời ông nội Lê Duy Điếm chuyển đến ở làng Xuân Viên.
Lê Duy Điếm là con trai đầu của cụ Lê Duy Hy. Anh là một thanh niên thông minh, từng theo học Quốc học Huế rồi đi làm cách mạng. Tháng 8/1925, Lê Duy Điếm gia nhập Hội Phục Việt tại Vinh. Cuối năm đó anh sang Xiêm gặp Đặng Thúc Hứa.
Đầu năm 1926, Lê Duy Điếm sang Quảng Châu (Trung Quốc), anh được dự lớp huấn luyện chính trị khóa đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy; đồng thời, anh được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau đó, anh về nước làm nhiệm vụ dẫn đường đưa các đoàn sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị.
Ngày 14/7/1926, Lê Duy Điếm dẫn đoàn cán bộ sang Quảng Châu gồm 9 người, trong đó có các đồng chí Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Phan Trọng Bình... Tháng 9/1926, anh dẫn tiếp đoàn thứ hai có các đồng chí Trần Văn Cung, Võ Mai...
Năm 1927, anh trở về nước làm nhiệm vụ vận động hợp nhất giữa 2 tổ chức Thanh niên và Tân Việt, nhưng không thành. Từ năm 1927-1929, Lê Duy Điếm còn đảm nhận các công tác: Ủy viên Tổng bộ Thanh niên, giảng viên chính trị, viết báo cho Báo Thanh niên, tham dự Đại hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Hương Cảng tháng 5/1929. Tháng 8/1929, anh tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng.
Tháng 10/1929, Lê Duy Điếm bị kết án tử hình vắng mặt tại Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An.
Cuối năm 1929 anh được phân công sang Xiêm gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình và xin giải pháp thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đầu năm 1930, Lê Duy Điếm lâm bệnh nặng và mất ở Xiêm.