Bối cảnh

Bối cảnh trong nước và nguyên nhân bên trong dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh

BNA 28/10/2024 19:43

Sự tuyên truyền và vận động cách mạng của các tổ chức như Thanh Niên, Tân Việt và sau này là Đông Dương Cộng sản đảng và các tổ chức cộng sản khác là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của cường hào, địa chủ ở nông thôn của quần chúng nông dân lao khổ Nghệ Tĩnh.

“Bài ca cách mạng” như tiếng kèn xung trận, giục giã mọi người vùng lên đấu tranh (Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng).

Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới đã bùng nổ ở Bắc Mỹ và Tây Âu từ cuối tháng 10 năm 1929, nhưng cho tới cuối năm 1930 tác động và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế của xứ thuộc địa Đông Dương còn chưa đáng kể. Tuy vậy, do chính sách bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, từ lâu tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam, nhất là nông dân và công nhân, đã bị dồn đến bước đường cùng về kinh tế và xã hội. Các kết quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu và quan chức thực dân Pháp thời đó cũng xác nhận tình hình trên.

Tình cảnh cơ cực của người nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nguồn: Tư liệu
Tình cảnh cơ cực của người nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nguồn: Tư liệu

Trên cơ sở đó, nhà sử học người Mỹ William J. Duiker có lý khi nhận định rằng: Cho dù không có cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới “... thì những vấn đề kinh tế và xã hội kinh niên ở Việt Nam thời đó tự chúng cũng đã đủ để tạo ra những khả năng tiềm tàng cho các cuộc náo loạn”. Trong khoảng thời gian từ giữa năm 1925 tới đầu năm 1930 ở Việt Nam đã có một số chính đảng và phong trào tôn giáo - chính trị mà những hoạt động của chúng ít nhiều đều có ảnh hưởng tới ý thức, tâm trạng chính trị, xã hội của quần chúng. Đó là Đảng Lập hiến, đạo Cao Đài, Hội kín Nguyễn An Ninh, Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng đảng), Việt Nam Quốc dân đảng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, và sau đó là 3 tổ chức cộng sản.

Trong số các tổ chức và phong trào nói trên, đảng Lập hiến, Hội kín Nguyễn An Ninh, Việt Nam Quốc dân đảng và Hội Phục Việt (thời kỳ đầu, trước khi chịu ảnh hưởng của Thanh Niên) đều rất ít quan tâm đến tuyên truyền và vận động quần chúng. Tất cả những tổ chức trên đây đều không chủ trương tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc dựa trên sự tham gia đông đảo và tích cực của quảng đại quần chúng nhân dân, vì vậy, họ không có chiến lược tuyên truyền và vận động quần chúng. Ngoài hệ thống tổ chức thường là lỏng lẻo và hết sức bí mật, các tổ chức này không lập ra các đoàn thể, tổ chức quần chúng. Vì vậy, ảnh hưởng của họ trong quần chúng nhân dân, nhất là trong công nhân, nông dân và dân nghèo thành thị tương đối hạn hẹp và yếu.

nguyen_an_ninh.jpg
Nguyễn An Ninh (15/9/1900 - 14/8/1943) là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tôn giáo và là nhà cách mạng ở đầu thế kỷ XX trong lịch sử Việt Nam.

Tuy vậy, một số hoạt động của những tổ chức này cũng trực tiếp hay gián tiếp làm thức tỉnh ý thức chính trị và cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng, chẳng hạn như các cuộc vận động của Hội Phục Việt, một vài hoạt động của Nguyễn An Ninh và tổ chức hội kín của ông. Đặc biệt, các hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng và cuộc khởi nghĩa do tổ chức này lãnh đạo vào nửa đầu tháng 2 năm 1930 đã trực tiếp góp phần nung nóng bầu không khí chính trị và trực tiếp góp phần thúc đẩy việc xuất hiện cao trào cách mạng của quần chúng ở Việt Nam vào thời gian ngay sau đó.

Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).
Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).

Trong số các tổ chức và phong trào kể trên, chỉ có đạo Cao Đài và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động quần chúng, và là 2 tổ chức có số lượng quần chúng đáng kể nhất.

Các chức sắc của đạo Cao Đài, phần lớn là trí thức Tây học, đại địa chủ, cựu quan chức người Việt trong bộ máy cai trị thực dân, đã tỏ ra hết sức khôn khéo khi biết khai thác các yếu tố truyền thống văn hóa tâm linh để tuyên truyền và lôi kéo quần chúng. Do đó, chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, họ đã có một đội ngũ tín đồ đông tới hàng trăm nghìn người, chủ yếu là tá điền. Sự gia nhập vào Cao Đài, với tư cách là "đạo", có thể mang lại tín ngưỡng cho tín đồ, nhưng không mang lại cho họ sự thức tỉnh về ý thức chính trị và về vai trò của chính bản thân họ trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Tuy vậy, những lời tiên tri, cơ bút của Cao Đài (và một số giáo phái khác) về ngày tận thế đang tới gần, về sự sụp đổ của trật tự hiện tồn, cũng ít nhiều góp phần tạo ra tâm lý chán ghét trật tự thực dân, tin rằng, một cuộc đảo lộn trật tự xã hội đang tới gần. Chính vì vậy, khi cao trào cách mạng 1930-1931 bùng nổ ở Nam Kỳ, đã có không ít tín đồ Cao Đài tham gia vào các đoàn biểu tình nông dân dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản.

hinh 2
Báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, số ra đầu tiên ngày 21/6/1925. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM

Khác hoàn toàn với các tổ chức chính trị và đảng phái nêu trên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã xác định ngay từ đầu rằng, "công nông là gốc cách mệnh", và học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là "bầu bạn cách mệnh của công nông". Từ sớm, Thanh Niên đã coi vận động quần chúng là nhiệm vụ trung tâm của tổ chức. Bước chuyển biến có tính chất quyết định của Thanh Niên chính là sự xuất hiện phong trào vô sản hóa từ khoảng tháng 8 năm 1928. Thông qua phong trào này, một mặt đội ngũ cán bộ của Thanh Niên chủ yếu (trên 90%) là trí thức Tây học, xuất thân từ các tầng lớp trên, đã trở nên gần gũi, am hiểu hơn tình cảnh và nguyện vọng của quần chúng công - nông, mặt khác, thông qua đó ảnh hưởng của Thanh Niên thấm sâu, lan rộng vào một bộ phận không nhỏ của quần chúng nhân dân, góp phần thức tỉnh ý thức chính trị và tinh thần tranh đấu của họ. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất góp phần tạo nên bước phát triển đột biến của phong trào công nhân từ tự phát đến tự giác trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1930.

NA Q
Nguyễn Ái Quốc năm 1924. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM)

Tiếp nối truyền thống đó của Thanh Niên, 3 tổ chức cộng sản hình thành ở Việt Nam từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 đã rất chú trọng đến công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân và nông dân. Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn sau khi thành lập đều tiếp tục đẩy mạnh phong trào vô sản hóa, tiếp tục cử cán bộ thâm nhập quần chúng công nông và dân nghèo thành thị, tổ chức được nhiều cuộc tranh đấu của công nhân và nông dân, trong đó, nổi bật nhất là các cuộc bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Nam Kỳ), các cuộc bãi công của công nhân ở Nhà máy Dệt Nam Định được sự hưởng ứng mạnh mẽ của công nhân nhiều nhà máy lớn khác ở Bắc Kỳ vào cuối năm 1929, đầu năm 1930.

Việc 3 tổ chức cộng sản cùng tồn tại, như đã trình bày ở chương trước, đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh ảnh hưởng, tranh giành quần chúng và tranh giành việc được Quốc tế Cộng sản công nhận là tổ chức cộng sản chân chính duy nhất ở Đông Dương. Trong điều kiện đó, dưới ảnh hưởng của đường lối của Quốc tế Cộng sản được thông qua tại Đại hội VI và dưới ảnh hưởng của phong trào khởi nghĩa lập công xã và Xô viết ở Trung Quốc, cả 3 tổ chức cộng sản nói trên đều đưa ra những khẩu hiệu tuyên truyền quá tả trong quá trình vận động quần chúng, tập hợp lực lượng và tổ chức đấu tranh.

Từ tháng 6 năm 1929, ngay trong Tuyên ngôn sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản đảng đã tuyên bố một trong những nhiệm vụ của đảng trong tổ chức tranh đấu hàng ngày là: "Lãnh đạo quần chúng tranh đấu dần dần về đằng chính trị mà dự bị cướp chính quyền". Bản Tuyên ngôn đó được kết thúc với những khẩu hiệu tranh đấu nhằm hiệu triệu quần chúng: "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa! ... Đánh đổ đại địa chủ, chế độ phong kiến và các cách bóc lột tiền tư bản! Công nông chuyên chính! Vô sản chuyên chính! Tiêu diệt giai cấp! Thực hiện xã hội cộng sản!".

Các khẩu hiệu như trên cũng được phổ biến rộng rãi trong các tài liệu tuyên truyền của Đông Dương Cộng sản đảng. Chẳng hạn, báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đảng, trong số ra đặc biệt kỷ niệm Quảng Châu công xã ngày 1 tháng 12 năm 1929, kêu gọi: "Công, nông, binh Đông Dương! Theo gương Cách mạng Tháng Mười, theo Quảng Châu bạo động, theo Đảng Cộng sản ... 1. Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tụi vua quan cả xứ Đông Dương, ... 3. Lập chính phủ Xô viết công nông binh Đông Dương, 4. Giao lò máy cho thợ thuyền quản trị, 5. Trao ruộng đất cho dân cày 6. Trao ruộng đất và việc làm cho binh lính".

nha so 312 kham thien
Ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, nơi ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17/6/1929. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Xét trong điều kiện chủ quan và khách quan của cách mạng Việt Nam lúc đó, rõ ràng đây là những khẩu hiệu tranh đấu, tuyên truyền quá tả, khi đi vào quần chúng đang rên xiết dưới ách thống trị và bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai thì sẽ trở thành lời kêu gọi cho một cuộc khởi nghĩa non. Những phương châm tuyên truyền cực tả như vậy của Đông Dương Cộng sản đảng cũng được vận dụng, thậm chí ở mức quyết liệt hơn, tại các cơ sở Đảng ở địa phương. Ví dụ, tháng 11 năm 1929, trong truyền đơn kêu gọi của Kỳ bộ Trung kỳ đóng tại Vinh nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng kêu gọi: "Công-nông-binh đoàn kết lại theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga! Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đánh đổ Nam Triều phong kiến chế độ, lập Chính phủ Xô-viết công-nông-binh Đông Dương! Giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày! Thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản!"

Những khẩu hiệu tuyên truyền tương tự cũng được sử dụng khá phổ biến trong các tài liệu tuyên truyền, vận động của An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Những chủ trương chiến lược và sách lược quá tả của 3 tổ chức cộng sản hình thành và hoạt động ở Việt Nam từ giữa năm 1929 tới đầu năm 1930 đã góp phần rất lớn vào việc chuẩn bị và bùng nổ mạnh mẽ của cao trào cách mạng 1930-1931, và việc sau này các Xô viết xuất hiện tại các “làng đỏ” ở Nghệ Tĩnh chắc chắn không hoàn toàn xuất phát từ “sáng kiến” tự phát của cán bộ cơ sở của Xứ ủy Trung kỳ, mà đã có nguồn gốc từ những lời hiệu triệu của Đông Dương Cộng sản Đảng được lan truyền rộng rãi ở Trung kỳ và một số địa phương khác. Điều cần lưu ý thêm là, trong khoảng thời gian đó, Việt Nam Quốc dân đảng cũng ráo riết chuẩn bị lao mình vào một cuộc khởi nghĩa vũ trang quyết liệt. Như vậy, ở vào thời điểm đầu năm 1930, tất cả các tổ chức cách mạng ở Việt Nam đều ra sức chuẩn bị và hiệu triệu quần chúng vùng lên lật đổ chế độ thực dân và quân chủ. Đây chính nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931.

tranh ngn
Ảnh chụp bản phác thảo “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (1957), chất liệu sơn mài của Nguyễn Đức Nùng.

Ngoài các nguyên nhân kinh tế và chính trị nói trên, một số yếu tố kinh tế - xã hội truyền thống cũng góp phần dẫn tới sự bùng nổ quyết liệt cao trào cách mạng 1930-1931. Do sự bóc lột hà khắc của địa chủ phong kiến cùng những hà lạm, áp bức, phân biệt đối xử của bọn cường hào, ác bá mà từ lâu trong nông thôn Việt Nam đã dồn tụ những mâu thuẫn và xung đột xã hội gay gắt. Đây chính là những nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ liên tục của hàng trăm, hàng nghìn cuộc khởi nghĩa, nổi dậy của nông dân trong suốt nhiều thế kỷ, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII. Dưới thời Pháp thuộc, những mâu thuẫn, xung đột này không những không được giải quyết, ngược lại còn bị ách thống trị thực dân thông qua chính sách sưu thuế nặng nề làm cho gay gắt thêm.

Điển hình là ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh, từ lâu các xung đột xã hội này biểu hiện ra dưới hình thức đấu tranh quyết liệt giữa phe hộ (là hình thức đoàn kết của những nông dân nghèo, bị áp bức, phân biệt đối xử) chống lại phe hào (là những tập đoàn hào lý, địa chủ cố kết lại trong các làng để áp bức nông dân, bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của chúng).

Người dân Hà Tĩnh được cày trên thửa ruộng do chính quyền Xô viết chia trong những năm 1930 - 1931. Ảnh: Tư liệu
Người dân Hà Tĩnh được cày trên thửa ruộng do chính quyền Xô viết chia trong những năm 1930 - 1931. Ảnh: Tư liệu

Cho tới cuối những năm 20 của thế kỷ trước cuộc đấu tranh giữa phe hộ và phe hào ngày càng trở nên gay gắt và lan rộng ở hầu hết các làng, xã ở Nghệ Tĩnh. Trong nhiều làng, phe hộ khá mạnh, không những đủ sức cô lập, tẩy chay, làm vô hiệu hóa các lệ làng do phe hào đặt ra để trục lợi, hà hiếp dân làng, mà thậm chí còn chi phối cả bộ máy quản lý làng, xã, tự đứng ra thu thuế, chia công điền, bao vây, đánh đuổi cả bọn Tây đoan khi chúng vào làng khám rượu, khám muối lậu.

Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa phe hộ và phe hào ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh là hình thức biểu hiện điển hình của cuộc xung đột gay gắt của nông dân Việt Nam chống lại ách áp bức của chế độ quân chủ chuyên chế và thực dân ở nông thôn.

Chính trong bối cảnh đó, những sự tuyên truyền và vận động cách mạng của các tổ chức như Thanh Niên, Tân Việt và sau này là Đông Dương Cộng sản đảng và các tổ chức cộng sản khác đã được quần chúng nông dân lao khổ, nhất là ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh nhiệt liệt hưởng ứng và tiếp nhận, vì nó không những phù hợp với nguyện vọng của họ mà còn mang lại cho họ ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của cường hào, địa chủ ở nông thôn.

Bối cảnh trong nước và nguyên nhân bên trong dẫn đến cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh