Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Liệt sĩ Phạm Văn Tước với ý chí cách mạng, niềm tin vào Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

ThS. Trần Thị Hồng Nhung - P.Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 04/11/2024 17:54

Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả, nguy hiểm luôn rình rập, bủa vây nhưng gia đình đồng chí Phạm Văn Tước vẫn lạc quan, dấn thân vào con đường cách mạng, giữ vững niềm tin vào Đảng.

Liệt sĩ Phạm Văn Tước (bí danh Phạm Thái) sinh năm 1905, trong một gia đình giàu lòng yêu nước tại làng Vạn Lộc, xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Phạm Văn Thành, từng tham gia các hoạt động yêu nước và bị thực dân Pháp giết hại khi đang còn trẻ tuổi. Thân mẫu là bà Phan Thị Mão - người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, luôn dạy bảo con cái những điều nhân nghĩa.

Đồng chí Phạm Văn Tước (1905-1930).

Thủa nhỏ, cậu bé Phạm Văn Tước được cha mẹ cho theo học chữ Hán với các thầy đồ tại trường làng trong tổng, sau đó được cha gửi đến nhà bạn là Nguyễn Năng Cảnh (Tú Kép) để nuôi ăn học. Năm 1923, sau khi thầy Tú Kép bị thực dân Pháp giết hại do tham gia phong trào Đông Du, Phạm Văn Tước phải nghỉ học, trở về quê giúp gia đình kiếm sống. Tại quê nhà, anh đã được thầy giáo Trần Văn Tăng (dạy học Trường Cao Xuân Dục Vinh) đưa vào Vinh tìm việc làm và truyền đạt kiến thức, dìu dắt vào con đường cách mạng.

Tháng 7/1925, tại thành phố Vinh, những tri thức yêu nước Nghệ Tĩnh đã nhóm họp và thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam) với nhiệm vụ truyền bá tư tưởng yêu nước và xây dựng lực lượng chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Hội, phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu đã diễn ra sôi nổi tại Vinh thu hút đông đảo nhiều tầng lớp tham gia, trong đó có Phạm Văn Tước.

Năm 1928, Hội Phục Việt đã đổi thành Đảng Tân Việt và hoạt động rộng khắp các địa phương. Đồng chí Phạm Văn Tước cùng các đồng chí Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã vinh dự được các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm vận động, giác ngộ, kết nạp vào Đảng Tân Việt. Với nhiệm vụ được giao là in ấn tài liệu, truyền đơn, báo chí cách mạng phục vụ công tác tuyên truyền kêu gọi quần chúng đấu tranh, Phạm Văn Tước đã không quản ngày đêm lăn lộn với phong trào.

Phạm Văn Tước cùng Hoàng Văn Tâm đã mở một hiệu may tại nhà và dùng hiệu may này để làm nơi liên lạc của đảng viên Tân Việt. Hiệu may đã trở thành nơi trai làng tụ tập trò chuyện. Khách hàng có người là dân Vạn Lộc nhưng cũng có rất nhiều người làng khác. Họ đến đây không phải chỉ để may vá. Những chiếc quần, áo rách, mấy vuông vải họ cầm theo chỉ là cái cớ để gặp gỡ, bắt liên lạc hoặc bàn công việc, đưa chỉ thị, trao đổi truyền đơn, tài liệu…

Tháng 7 năm 1929, các đồng chí đảng viên tiêu biểu của Đảng Tân Việt ở Nghi Lộc như Nguyễn Thức Mẫn, Hoàng Văn Tâm, Phạm Văn Tước, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã… đã tự nguyện xin chuyển sang Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ.

Đồng chí Phạm Văn Tước được giao nhiệm vụ may cờ và cùng các đồng chí khác treo tại nóc đình, các cây cao, nhà thờ dòng họ hay dọc đường làng và những nơi có nhiều người qua lại.

Tháng 11/1929, nhân dịp kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đóng tại Vinh đã phát truyền đơn kêu gọi: “Công – nông – binh đoàn kết theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga! Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đánh đổ Nam Triều phong kiến chế độ, lập Chính phủ Xô viết công – nông – binh Đông Dương! Giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày! Thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản!...”; đồng thời chủ trương vận động nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến tháng 4/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh, Đảng bộ huyện Nghi Lộc ra đời do đồng chí Nguyễn Thức Mẫn làm Bí thư. Đồng chí Phạm Văn Tước cùng đồng chí Lê Huy Điệp đã được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phát triển các cơ sở Đảng, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930.

Sáng 1/5/1930, cuộc biểu tình của nhân dân huyện Nghi Lộc đã thu hút hàng ngàn người tham gia, đồng chí Phạm Văn Tước đã dũng cảm dẫn đầu hàng trăm nông dân làng Vạn Lộc, hợp lực cùng các tổng kéo lên tập trung tại Cồn Mả Nường (xã Nghi Trường) đấu tranh. Hoảng sợ, tri huyện Tôn Thất Hoàn đã huy động lính đến đàn áp. Trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng nhân dân, nên chúng đành rút lui nhưng cho người trà trộn vào đoàn biểu tình để nắm danh sách, bắt các đồng chí lãnh đạo.

Tháng 7/1930, đồng chí Nguyễn Thức Mẫn bị địch bắt, cơ quan Huyện ủy chuyển từ làng Đông Chử xuống nhà thờ họ Hoàng Văn ở làng Vạn Lộc. Để tránh cơ sở ấn loát bị lộ, đồng chí Phạm Văn Tước cũng đã nhanh chóng chuyển tài liệu và các dụng cụ in ấn rời khỏi nhà đồng chí Lê Huy Điệp đưa về Nhà thờ họ Hoàng Văn trước khi bị khám xét, lục soát. Tại đây, đồng chí đã một mình đảm nhiệm công tác ấn loát. Mặc dù bọn mật thám ráo riết lùng sục nhưng từ Nhà thờ họ Hoàng Văn, những tờ truyền đơn, tài liệu, báo chí của Đảng do đồng chí Phạm Văn Tước in ấn vẫn được bà Hoàng Thị Tri (vợ đồng chí), bí mật chuyển cho đồng chí Nguyễn Thị Nhã trong các phiên chợ Lò kịp thời đến tay các chi bộ, động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân.

Sau một thời gian hoạt động, cơ sở ấn loát của Đảng tại nhà thờ họ Hoàng Văn cũng có nguy cơ bị lộ, trước tình hình đó, đồng chí Phạm Văn Tước đã bàn với đồng chí Hoàng Văn Tâm kịp thời chuyển về nhà của đồng chí Phạm Văn Tước để dễ bề hoạt động. Trong thời gian này, bà Hoàng Thị Tri đã không quản ngày đêm, mưa nắng phụ giúp chồng trong công tác ấn loát và nuôi giấu cán bộ Đảng.

Hàng ngày, bà vừa chăm lo buôn bán kiếm sống cho gia đình, vừa làm nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển truyền đơn, tài liệu của Đảng phân phát đến các cơ sở trong huyện. Nhờ những hoạt động tích cực của hai vợ chồng đồng chí Phạm Văn Tước mà những truyền đơn, tài liệu, chỉ thị của Đảng vẫn đến kịp thời với các cơ sở và quần chúng nhân dân. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả, nguy hiểm luôn rình rập, bủa vây nhưng gia đình đồng chí Phạm Văn Tước vẫn lạc quan, dấn thân vào con đường cách mạng, giữ vững niềm tin vào Đảng.

Sau cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân huyện Nghi Lộc ngày 8/10/1930, chính quyền thực dân, phong kiến đã ráo riết càn quét để tìm ra các cơ sở cách mạng. Tại nhà đồng chí Phạm Văn Tước, cơ sở in ấn tài liệu của Huyện ủy Nghi Lộc bị lộ. Sau khi tiêu hủy toàn bộ dụng cụ ấn loát và tài liệu thu được, chúng đã ra lệnh bắt đồng chí Phạm Văn Tước về đồn Thượng Xá để khai thác thông tin.

Dùng mọi thủ đoạn như dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng kẻ địch vẫn không lấy được lời khai của người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Vạn Lộc. Sau những trận đòn roi dã man của kẻ thù, đồng chí Phạm Văn Tước hy sinh vào ngày 16/10/1930, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghi Lộc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng với rất nhiều người con ưu tú, được nuôi dưỡng, giáo dục trong một gia đình có cha, mẹ đều là những tấm gương yêu nước sáng ngời, đồng chí Phạm Văn Tước đã trưởng thành và trở thành một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Năm 1960, đồng chí đã được Nhà nước ta truy tặng Liệt sĩ thời kỳ chống Pháp và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

-----

Tài liệu tham khảo:

  • Nghệ An – Những tấm gương cộng sản, Tập 5; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; NXB Nghệ An; 2015
  • Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1945) Tập 1; Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Nghệ An.

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-si-pham-van-tuoc-tam-guong-cong-san-kien-trung-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/liet-si-pham-van-tuoc-tam-guong-cong-san-kien-trung-trong-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh
Liệt sĩ Phạm Văn Tước với ý chí cách mạng, niềm tin vào Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO