Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Võ Trọng Ân - một đường cách mạng, một lòng son

ThS. Trần Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 29/10/2024 08:01

Đồng chí Võ Trọng Ân là một trong những cán bộ cốt cán ở Hưng Nguyên và tỉnh Nghệ An.

“Con người chỉ một lần chết, không chết trước thì chết sau. Chết cho Đảng, cho Tổ quốc là vinh quang. Biết bao đồng chí đã đi trước rồi! Mình nhất định không sợ” (1) - Đó là tâm niệm của người chiến sỹ cộng sản kiên trung Võ Trọng Ân khi được hỏi tại sao lại vượt qua được chốn lao tù khắc nghiệt tại Nhà lao Vinh và Ngục Kon Tum mà ông từng 3 lần bị giam cầm, tra tấn.

Đồng chí Võ Trọng Ân là đảng viên, lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Phủ ủy, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Hưng Nguyên (năm 1945), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (năm 1961).

Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ và liên tục, khi bí mật cũng như lúc công khai, trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí Võ Trọng Ân vẫn luôn tỏ rõ là người cán bộ, đảng viên trung kiên, bất khuất, mẫu mực không sợ gian khổ hy sinh, tận tụy phụng sự Đảng, phục vụ Nhân dân. Đồng chí là tấm gương sáng về việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Đồng chí Võ Trọng Ân.

1. Người dẫn đường cho những hạt giống Đỏ của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Võ Trọng Ân (bí danh Nho Thạch, Giáp) sinh năm 1899 trong một gia đình, dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phù Xá, tổng Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Cha là ông Võ Trọng Ích, mẹ là bà Lê Thị Tường, hai ông bà luôn giáo dục các con lòng yêu nước, thương nòi. Ông nội của Võ Trọng Ân là cụ Võ Trọng Ái chính là con trai cả của Võ Trọng Cẩn (thường gọi là cụ Tú Lang vì cụ Cẩn cắt thuốc bắc nổi tiếng).

Dù thi đậu Tú tài Hán học khoa thi Quý Dậu năm 1873 nhưng Võ Trọng Ái không ra làm quan mà ở nhà bốc thuốc chữa bệnh cho dân, nuôi nấng, giáo dục các con khôn lớn trưởng thành. Cụ Võ Trọng Ái có người em thứ tư là Võ Trọng Việng (Tác Việng) - là một tướng quân trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đã chiêu tập hơn 300 nghĩa binh cùng Đốc Thoại (người Phù Long) làm chủ vùng sông Giăng giúp dân nghèo chống thuế.

Năm 1895, khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp bắt được Võ Trọng Việng giải về quê, xử chém treo đầu lên ngọn tre ở chợ Vực hòng uy hiếp tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân. Con trai của Võ Trọng Việng là Võ Trọng Đài (chú ruột của Võ Trọng Ân) là người xuất dương sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động năm 1914.

Truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương đã góp phần hun đúc nên trong tâm hồn người thanh niên Võ Trọng Ân khát khao, hoài bão đấu tranh như các chú, các anh để đánh đổ chính quyền thực dân, phong kiến, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.

Sau khi chú Võ Trọng Đài xuất dương sang Xiêm, nhà thờ họ Võ (Chi cụ Tú Lang) trở thành nơi hội họp của những người thanh niên yêu nước có tư tưởng xuất dương. Tại đây, Võ Trọng Ân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi những quan điểm cứu nước với những người bạn cùng chí hướng. Từ những buổi gặp gỡ, đàm luận đó, ngọn lửa đấu tranh lại càng được nhen nhóm mạnh mẽ trong trái tim người thanh niên yêu nước Võ Trọng Ân.

Năm 1918, Võ Trọng Đài trở về quê hương lựa chọn những người cháu thông minh, nhanh nhẹn là Võ Trọng Ân, Võ Trọng Tấn, Võ Trọng Cánh (anh em chú bác) và Đinh Nho Bộc sang Xiêm với mục đích huấn luyện để làm giao thông liên lạc giữa Trại Cày với Phù Xá (Hưng Nguyên). Sau một thời gian sinh sống và học tập tại Xiêm, ba anh em họ Võ trở về quê hương với nhiệm vụ dẫn đường cho những thanh niên yêu nước qua Trại Cày huấn luyện. Chuyến đầu tiên gồm các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Đặng Quỳnh Anh…

Không chỉ dẫn đường, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh còn tổ chức vận động anh em trong dòng họ, thanh niên trong vùng và các địa phương ở Hà Tĩnh… xuất dương. Với vị trí thuận lợi, là địa điểm ở riêng biệt khỏi làng, xung quanh cây cối rậm rạp, lại có lối thông ra sông Lam, khi cần có thể thoát sang bờ bên kia an toàn, nhà thờ cụ Tú Lang lại tiếp tục trở thành nơi hội họp, tập trung những người thanh niên yêu nước. Ở đây có thể đi bè về hạ lưu hay ngược sông Ngàn Phố, sang Lào để qua Xiêm thuận lợi.

Năm 1923, Võ Trọng Ân đã vận động, tổ chức cho đồng chí Lê Mạnh Thân, người cùng làng Phù Xá xuất dương với tấm thẻ căn cước mang tên Lê Xuân Đào. Từ đó Lê Mạnh Thân lấy tên Lê Xuân Đào để hoạt động và sau này trở thành Bí thư Chi bộ Phù Xá, Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Hưng Nguyên (năm 1930), Trưởng Ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An (năm 1931).

Đầu năm 1924, hai anh em Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh tiếp tục băng rừng, vượt suối, tổ chức cho đoàn xuất dương qua Xiêm an toàn gồm các đồng chí: Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng, Phạm Hồng Thái… Từ Trại Cày các đồng chí này tiếp tục sang Quảng Châu và được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và trở thành những hạt giống Đỏ của cách mạng Việt Nam. Sau chuyến đi này, đồng chí Võ Trọng Ân còn tham gia dẫn đường cho nhiều thanh niên yêu nước khác qua Xiêm, sang Trung Quốc.

2. Bất khuất, kiên trung trong lao tù đế quốc

Sau khi Hội Phục Việt ra đời tại núi con Mèo (Vinh - Bến Thủy) vào ngày 14/7/1925, các Hội viên của Hội đã về địa phương gây dựng cơ sở hoạt động. Tại nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang đã tổ chức cuộc họp thành lập tiểu tổ của Hội Phục Việt gồm các đồng chí: Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Tôn Gia Chung, Võ Trọng Tấn, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Lê Xuân Đào…

Năm 1927, bọn mật thám phát hiện ra tài liệu trong nhà thờ cụ Tú Lang đã bắt Võ Trọng Cánh và xử 3 năm tù, Võ Trọng Ân cũng bị bắt giam tại Nhà lao Vinh với tội danh đưa nhiều thanh niên xuất dương mà không được phép của chính quyền và tham gia Hội Phục Việt (sau này đổi tên là Đảng Tân Việt). Trong chốn lao tù khắc nghiệt, đòn roi tra tấn và chế độ hà khắc vẫn không thể nào làm lay chuyển ý chí, tinh thần của người thanh niên yêu nước Võ Trọng Ân. Đầu năm 1928, đồng chí được ra tù và bắt đầu quãng đời hoạt động, cống hiến hết mình cho phong trào cách mạng quê hương.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, các tổ chức cơ sở Đảng cũng lần lượt được thành lập. Tháng 5/1930, Chi bộ làng Phù Xá thành lập gồm có 8 đồng chí trong đó có hai anh em Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh và hai đồng chí khác cùng họ Võ. Đồng chí Võ Trọng Cánh được giao phụ trách công tác tài chính, cứu tế, quyên góp, vay lúa nhà giàu cứu đói cho dân nghèo.

Các đồng chí Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Lê Xuân Đào luôn sát cánh bên nhau, là “kiềng 3 chân” trong các cuộc vận động thành lập Đảng trước năm 1930 cũng như trong phong trào đấu tranh của Nhân dân ở các tổng phía Tây Nam huyện Hưng Nguyên năm 1930-1931.

Cuối năm 1930, đầu năm 1931, Nghệ Tĩnh trải qua nạn hạn hán, mất mùa, cuộc sống của Nhân dân vốn đã chịu sưu cao thuế nặng lại càng khổ cực. Tên Tôn Thất Đính là Tri phủ Hưng Nguyên đã cấu kết với Tổng đốc Nghệ An là Nguyễn Khoa Kỳ điều quân về đàn áp phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên. Tính đến tháng 10/1930, chúng đã bố trí hệ thống 14 đồn bốt ở trên địa bàn huyện và tuyên bố Võ Trọng Ân, Lê Xuân Đào, Võ Trọng Tấn, Võ Trọng Cánh là những phần tử cực kỳ nguy hiểm, nếu ai bắt được sẽ có phần thưởng hậu hĩnh.

Năm 1931, trước sự truy quét của chính quyền thực dân, phong kiến, sau khi đồng chí Võ Trọng Cánh hy sinh, đồng chí Võ Trọng Ân cũng sa vào tay giặc lần thứ hai. Võ Trọng Ân bị kết án 3 năm tù giam, 2 năm quản thúc (theo bản án số 83 ngày 10/8/1931)(2). Biết anh là người dẫn đường cho nhiều thanh niên yêu nước xuất dương sang Thái Lan, là cán bộ cốt cán trong chi bộ Phù Xá, là người bạn chí cốt của Bí thư Phủ ủy Lê Xuân Đào… chúng đã ra sức tra tấn, hành hạ người chiến sỹ cộng sản Võ Trọng Ân.

Dù nhiều lần ở ranh giới của sự sống và cái chết giữa những trận đòn roi của kẻ thù, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết, vững vàng một niềm tin bất diệt vào sự lãnh đạo của Đảng. Võ Trọng Ân đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người cộng sản, đồng chí đã tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh, học tập trong Nhà lao Vinh.

Năm 1934, Võ Trọng Ân được trả tự do. Trở về quê hương, đồng chí bí mật liên hệ móc nối với các cơ sở Đảng. Đến đầu năm 1935, Võ Trọng Ân đã bắt liên lạc được với các đồng chí: Lê Đình Vị (Tỉnh ủy viên), Chu Huy Mân, Võ Văn Nhượng (Nghi Lộc) và tích cực hoạt động phục hồi lại Phủ ủy Hưng Nguyên. Đồng chí đã tổ chức một chi bộ ghép hoạt động ở Tổng Phù Long, Thông Lạng.

Lợi dụng Phái đoàn Gô đa, đại diện chính phủ Pháp sang Đông Dương khảo sát, tìm hiểu tình hình, Võ Trọng Ân và một số đồng chí đã tổ chức thu thập nguyện vọng của quần chúng để đưa cho phái bộ đến điều tra… Nhờ các hoạt động tích cực đó, Nhân dân các tổng ở Hưng Nguyên như Yên Trường, Phù Long, Phù Xá, Dương Xá, Long Cù, Yên Thái… đã tham gia biểu tình, đón tiếp đưa dân nguyện ở khu vực chợ Vinh, chùa Diệc rất sôi nổi.

Đồng chí Võ Trọng Ân, Chu Huy Mân trở thành những cán bộ Đảng cốt cán ở Hưng Nguyên, góp phần vào việc xây dựng lại các chi bộ Phù Xá năm 1937, Chi bộ Phúc Mỹ năm 1938 với hàng chục đảng viên trong toàn huyện. Mặc dù lúc này Phủ ủy chính thức chưa được thành lập nhưng các đồng chí Võ Trọng Ân, Chu Huy Mân, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã đứng ra lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân Hưng Nguyên như một cấp ủy.

Cùng với việc hỗ trợ tổ chức cơ sở đảng trong toàn huyện, Võ Trọng Ân cùng các đồng chí của mình trong chi bộ Phù Xá đã nhanh chóng thành lập các tổ chức quần chúng hợp pháp, nửa hợp pháp như: Thanh niên tân tiến, phường cày Hội hiếu nghĩa, phường lợp nhà, hội đọc sách báo, đội dân ca…

Năm1940, đồng chí Võ Trọng Ân tiếp tục bị bắt lần thứ 3, bị giam tại Nhà lao Vinh. Nhằm tiêu diệt người cộng sản kiên trung, chúng đã khép án chung thân và đày đồng chí đi Ngục Kon Tum.

Đây là hồi ức của Võ Trọng Ân trong thời gian ở ngục Kon Tum: “…tôi bị án khổ sai nên phải lao động cực nhọc: chặt cây, đào đất, đập đá đến rộp chảy máu tay; ăn uống kham khổ - cơm gạo hẩm mốc, cá khô có dòi, uống nước lã; bệnh đủ thứ ngoài ghẻ lở còn bị sốt rét và kiết lỵ. Sốt run bần bật cũng cứ phải đi ra công trường đào đất, chặt cây, khênh đá. Chậm là chúng nó đánh vào cổ vào đầu, có người chảy máu ròng ròng. Nhiều đồng chí kiệt sức, chúng đánh chết ngay tại nơi lao động. Số không ít chết vì bệnh kiết lỵ và sốt rét. Một người bị kiết lị thì lây cả lao, cả lán. Chúng tôi có kinh nghiệm dùng khoai lang nướng lên cho người bị kiết lị ăn, cũng đỡ. Đi làm về qua bản, dân thương thường cho vài củ khoai lang, chúng tôi cất giành để làm thuốc. Giờ nghỉ, anh em nhóm lửa nướng lên cho người bị bệnh ăn gọi là bồi dưỡng, điều trị ưu tiên…” (3).

Tại Ngục Kon Tum, Võ Trọng Ân còn gặp các đồng chí là cán bộ cốt cán của Đảng như: Tố Hữu, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh… Những vần thơ của đồng chí Tố Hữu đã trở thành nguồn động viên cho đồng chí Võ Trọng Ân và anh em tù chính trị có thêm sức mạnh vượt qua những năm tháng trong lao tù khắc nghiệt. Dù bị tra tấn và hành hạ bằng nhiều thủ đoạn khác nhau cùng nỗi nhớ thương gia đình da diết… nhưng đồng chí Võ Trọng Ân với ý chí, bản lĩnh của người cộng sản từng bị bắt, giam cầm nhiều lần trong lao tù đế quốc đã vượt qua tất cả với niềm tin vào ngày được tự do để trở về quê hương tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân.

Nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, các đảng viên cộng sản đồng loạt đấu tranh đòi giảm án, thả tự do cho chính trị phạm. Tại Nhà lao Kon Tum, nhiều đồng chí đã được tha trong đó có Võ Trọng Ân, Nguyễn Quang, Ngô Mậu…

3. Người Đảng viên gương mẫu, người lãnh đạo hết lòng phụng sự Đảng, phục vụ Nhân dân

Trở về quê hương, đồng chí Võ Trọng Ân đã góp phần tiếp sức cho phong trào cách mạng của huyện nhà có bước phát triển mới. Việt Minh Hưng Nguyên dưới sự chỉ đạo của Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cư (con đồng chí Võ Trọng Cánh, gọi Võ Trọng Ân bằng chú) và các đồng chí khác đã lãnh đạo quần chúng nhân dân chuẩn bị mọi mặt giành chính quyền về tay Nhân dân.

Sau thắng lợi của cuộc biểu tình với sự tham gia của trên 2.000 người do Chấp ủy Hưng Nguyên tổ chức vào đầu tháng 8/1945, Hội nghị Việt Minh toàn phủ Hưng Nguyên đã được triệu tập. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thành được bầu làm Bí thư Phủ ủy, đồng chí Võ Trọng Ân được bầu làm Phó Bí thư. Sau khi đồng chí Nguyễn Xuân Thành được điều lên Tỉnh, đồng chí Võ Trọng Ân được bầu làm Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên.

Ngày 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh đã ra Thông tri khẩn cấp triệu tập các phái viên và nhân viên trong Chấp ủy Việt Minh Nghệ - Tĩnh về Vinh họp để bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Nhận được Thông tri đó, tại Hưng Nguyên, ngày 18/8/1945, Hội nghị Phủ ủy đã quyết nghị: “Trong thời gian 13 ngày, các ủy ban ấy (tức Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời) phải lập khắp phủ hạt để chờ lệnh cướp chính quyền”.(4)

Nhưng chỉ sau một ngày nhận được Thông tri của Ủy ban Khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Trọng Ân và các đồng chí trong Phủ ủy Hưng Nguyên, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công nhanh chóng ở huyện lỵ, buộc tri phủ phải giao ấn tín lại cho chính quyền cách mạng. Nhân dân phấn khởi bầu ra Ủy ban cách mạng lâm thời các địa phương trong huyện.

Tháng 12/1945, Hội nghị Phủ ủy Hưng Nguyên được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Quang do đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Võ Trọng Ân tổ chức. Với năng lực và uy tín của mình, đồng chí Võ Trọng Ân tiếp tục được bầu làm Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên, phụ trách Chấp ủy Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, đứng đầu là đồng chí Võ Trọng Ân, các chi bộ Đảng và cấp bộ chính quyền ngày càng được củng cố vững.

Nhiều nhiệm vụ khó khăn như: tổ chức sản xuất cứu đói, lập quỹ ủng hộ kháng chiến, bình dân học vụ, động viên thanh niên nam tiến, chuẩn bị bầu cử các cấp… đã được Phủ ủy lãnh đạo giành thắng lợi. Nhiệm vụ nặng nề vẫn không hề làm nản lòng người Bí thư Phủ ủy Võ Trọng Ân. Đồng chí đã hăng say trong công việc, luôn sát cánh cùng quần chúng nhân dân trong khó khăn cũng như khi thuận lợi.

Cuối năm 1946, khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, đồng chí Võ Trọng Ân được điều lên Tỉnh công tác và được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đến đầu năm 1947, đồng chí được Khu ủy Khu 4 điều đi công tác tăng cường cho huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau hai năm, với sự góp sức của đồng chí Võ Trọng Ân, Huyện ủy Thọ Xuân đã được củng cố toàn diện, mọi mặt chính quyền quản lý phục vụ cuộc kháng chiến có hiệu quả hơn, các tổ chức quần chúng hoạt động khá nhờ công tác dân vận tốt. Đúng lúc đó, đồng chí Tố Hữu, người bạn tù ở Kon Tum năm xưa về công tác, thấy những đóng góp nổi bật của đồng chí Võ Trọng Ân tại Thọ Xuân, với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí đã đề nghị Liên khu ủy 4 chuyển đồng chí Võ Trọng Ân về công tác tại Tỉnh ủy Nghệ An…

Năm 1950, trước tình hình phức tạp ở khu vực miền núi giáp biên giới Nghệ An - Lào, đồng chí Võ Trọng Ân đã được Khu ủy điều về Nghệ An làm Trưởng ban đặc biệt Công an tỉnh. Với trọng trách mới được giao, đồng chí đã phối hợp với Tỉnh đội và các lực lượng quốc phòng - an ninh khác đưa ra những quyết định đúng, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền vùng tự do Liên khu 4, trong đó có Nghệ An.

Với năng lực đặc biệt và kinh nghiệm công tác của đồng chí Võ Trọng Ân, từ năm 1952-1956, Tỉnh ủy tiếp tục điều động đồng chí đi phát động giảm tô và cải cách ruộng đất. Xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đồng chí đã mềm dẻo, uyển chuyển trong công tác và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng chí được Tỉnh ủy phân công làm Chủ nhiệm hợp tác xã mua bán tỉnh. Với những đóng góp tích cực của đồng chí, hệ thống hợp tác xã mua bán đã từng bước hình thành và phát triển mạnh, tăng nhanh về số lượng, góp phần bình ổn giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, ổn định đời sống nhân dân. Qua những kết quả nổi bật đó, đồng chí Võ Trọng Ân đã được bầu vào Ủy viên Thường vụ phụ trách công tác thanh tra và công tác Ủy ban kiểm tra của Tỉnh ủy.


Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Ân (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 - năm 1961
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Võ Trọng Ân (đứng thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo tỉnh đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 - năm 1961.

Ngày 8/12/1961, đồng chí Võ Trọng Ân cùng đồng chí Võ Thúc Đồng (Bí thư Tỉnh ủy) trực tiếp ra sân bay Vinh đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đồng chí Võ Trọng Ân với cương vị Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nội chính, đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho sự kiện trọng đại này.

Cuối năm 1963, đồng chí được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu. Trong những năm tháng nghỉ hưu tại quê nhà Hưng Đông, đồng chí vẫn giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản, vẫn sáng suốt tỉnh táo đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho tỉnh, cho thành phố và xã nhà. Đồng thời thường xuyên động viên con cháu phát huy truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, noi gương các thế hệ cha anh làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng và dân tộc. Đến năm 1997, đồng chí Võ Trọng Ân qua đời trong niềm tiếc thương của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An.

Đồng chí Võ Trọng Ân đã được Đảng và Nhà nước ta tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Hữu nghị Việt Xô, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Trọng Ân đã trải qua những năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Được tôi luyện trong bão táp cách mạng, ba lần bị bắt trong lao tù đế quốc, nhiều lần ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản chân chính. Những đóng góp của đồng chí Võ Trọng Ân là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và quê hương Nghệ An, quê hương Hưng Nguyên giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay, mai sau học tập và noi theo bởi:

“Tù ngục gian lao chí chẳng sờn

Một đường cách mạng, một lòng son

Mái đầu bạc trắng đời trong trắng

Một nỗi mừng - lo nỗi nước non.”(5)

------

Chú thích:

(1) Võ Trọng Ân - một cây cao bóng cả, Hoàng Chỉnh, Nxb Thanh niên, 2010, tr.68

(2) Theo Hồ sơ tù của đồng chí Võ Trọng Ân lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

(3) Võ Trọng Ân - một cây cao bóng cả, Hoàng Chỉnh, Nxb Thanh niên, 2010, tr.68, 69

(4) Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1945) Tập 1, Nxb Nghệ An, 2019, tr.138

(5) Trích bài thơ “Người chiến sĩ ấy” của ông Trần Văn Diệu bạn cùng công tác thời giành chính quyền về tay nhân dân ở Hưng Nguyên tặng đồng chí Võ Trọng Ân nhân dịp thượng thọ 90 tuổi.

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1945) Tập 1, Nxb Nghệ An, 2019

- Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên Tập 1 (1930-1945), 2000

- Nghệ An những tấm gương cộng sản Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, 2010

- Chiếc va ly màu đỏ, Nxb Đại học Vinh, 2020

- Võ Trọng Ân một cây cao bóng cả, Nxb Thanh niên, 2010

Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-vo-trong-an-mot-duong-cach-mang-mot-long-son
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/dong-chi-vo-trong-an-mot-duong-cach-mang-mot-long-son
Đồng chí Võ Trọng Ân - một đường cách mạng, một lòng son
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh