Đồng hành cùng những bệnh nhân "đặc biệt"
(Baonghean) - “Đối với người khác, họ là tù nhân, họ có thể bị tước quyền công dân, đang chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng với chúng tôi, họ là những bệnh nhân như bao nhiêu bệnh nhân khác, cần được một bàn tay xoa dịu cơn đau, cần một người đồng hành trong cuộc chiến với bệnh tật. Đó là tâm niệm của những thầy thuốc trại giam...”.
Trung tá - Bác sỹ Đậu Đức Dũng, sau khi xin phép Ban Giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An, dẫn chúng tôi xuống Khu bệnh xá của đơn vị nằm sau những dãy nhà giam giữ can phạm. Đã 11 giờ trưa, những thầy thuốc của Khu bệnh xá vẫn đang miệt mài làm việc. Người kiểm tra danh sách những can phạm hôm nay phải chuyển vào điều trị, người đang ở từng buồng bệnh thăm khám. Nếu không có những cánh cửa buồng bệnh được đóng kín, không có những bộ quần áo kẻ sọc, người ta đã có thể thấy khu nhà này thật bình yên với những bông hoa hồng đủ màu đang nở rực trong mảnh vườn nhỏ trước sân.
Trung tá - bác sỹ Đậu Đức Dũng khám cho một phạm nhân. |
Chỉ với 6 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ, hàng ngày các anh chị phải chăm sóc, điều trị cho 10-15 người bệnh tại bệnh xá, cấp thuốc và theo dõi sức khỏe của khoảng 70-80 bệnh nhân khác, trong đó có khoảng 60-70 bệnh nhân nhiễm HIV. Có rất nhiều việc các thầy thuốc trại giam phải “kiêm” thêm như phối hợp với cán bộ trực trại kiểm tra, thông báo tình hình sức khỏe của toàn bộ những người mới “nhập trại” để “phân loại”: có sử dụng ma túy không, nếu có thì trước tiên phải tiến hành cai nghiện, người bị bệnh mãn tính thì theo dõi, quản lý, người bị cấp tính thì điều trị tại chỗ, nếu người phạm tội đang mang thai nhưng thuộc diện phải giam giữ thì tham mưu để thực hiện chế độ thai sản… Ngoài ra, các thầy thuốc còn phải theo chân can phạm nhân tới các phiên tòa để chăm sóc sức khỏe cho họ, theo chân họ khi chuyển trại. Và không chỉ chữa bệnh bằng thuốc, các y, bác sỹ của Trại tạm giam còn tự nguyện làm người “điều trị” cả tâm lý cho các can phạm.
Hơn 30 năm trong nghề thì có tới 20 năm Bác sỹ Đậu Đức Dũng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng là can phạm nhân. Năm 1979, tốt nghiệp Trung cấp y, anh Dũng được tiếp nhận vào ngành Công an, nhận nhiệm vụ ở Đồn Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Quãng thời gian sau đó, anh về Trại Tạm giam, rồi chuyển lên Bệnh xá Công an tỉnh, đi học lên bác sỹ tại Đại học Y Huế để rồi lại trở về với Trại tạm giam làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho can phạm nhân. Chúng tôi hỏi anh: “Như vậy, quãng thời gian làm nghề, anh chăm sóc cho 2 đối tượng, một là cán bộ, chiến sỹ công an, hai là những phạm nhân, anh thấy có gì khác không trong nhiệm vụ của mình?”. Anh Dũng trả lời: “Khi đứng trước một thầy thuốc, thì bất cứ ai cũng chỉ là bệnh nhân. Không có địa vị, khoảng cách nào giữa những bệnh nhân cả. Đối với xã hội, có thể họ là tù nhân, là đối tượng nguy hiểm, nhưng đứng trước người thầy thuốc họ vẫn đang là một người yếu đuối, cần được một bàn tay xoa dịu, cần một người đồng hành tin cậy trong cuộc chiến đấu giành giật sự sống. Đó là điều mà anh em thầy thuốc chúng tôi trong này khắc cốt, ghi tâm.”
Nếu có khác chăng, theo Bác sỹ Dũng, đó là cách ứng xử của người bệnh với thầy thuốc. Với những người bệnh bình thường, hoặc cán bộ, chiến sỹ, họ thành thực mô tả diễn tiến của bệnh, hợp tác với bác sỹ để tìm ra căn nguyên, cách điều trị. Còn rất nhiều bệnh nhân là can phạm nhân tỏ ra bất hợp tác, thậm chí chống đối, hoặc tìm cách “lừa” cả y, bác sỹ. Hàng trăm ngàn cách đối phó với các chiêu trò của bệnh nhân dạng này đã được các thầy thuốc trại giam tự tích lũy theo ngày tháng. “Chẳng có sách vở nào dạy, tự chúng tôi phải trở thành nhà tâm lý”- anh Dũng chia sẻ. Trại là nơi giam giữ hàng ngàn can phạm, trong đó hầu hết là những tên cộm cán với các thành tích bất hảo ngoài đời, nhiều trong số họ là phạm nhân đang trong thời gian chờ thi hành án tử hình. Vì thế, tâm lý của những đối tượng này là hết sức phức tạp.
Anh Dũng kể cho chúng tôi nghe về những trường hợp tìm mọi cách để trốn cải tạo lao động hoặc tìm cách trốn trại. Có phạm nhân đã đốt bao nilon, nhỏ vào bụng, khiến cả vùng bụng bị cháy, sau đó dội nước bẩn vào để vết thương nhiễm trùng. Có người tìm mọi cách để nuốt vào bụng những vật cứng, lấy được từ dụng cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt cá nhân: lưỡi lam, mảnh bát vỡ, hoặc bẻ bàn chải đánh răng, uống thuốc đánh răng, dầu rửa bát để… bị bệnh, được đưa đi viện. Cũng có khi, can phạm khai đã nuốt thứ nọ, thứ kia vào bụng, nhưng cũng chỉ là “khai gian”, vì vậy các bác sỹ lại phải đấu tranh tâm lý xem lời khai đó có thực sự trung thực hay không.
Cũng có những can phạm vào đây và giả bị tâm thần để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đây thực sự là những “ca khó” đối với thầy thuốc trại giam. Việc giám định phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần. Bên cạnh đó, có những phạm nhân luôn tìm cách đến với cái chết. Phần lớn trong số này là những người án nặng hoặc bị bệnh hiểm nghèo, bị nhiễm HIV. Có đối tượng tìm cách đập đầu vào tường, có đối tượng lại tìm cách cắt tĩnh mạch ở tay. Anh Dũng nhớ mãi lần đối tượng T, với án ma túy bị nhiễm HIV đã lao đầu vào tường tự sát. Cán bộ trại đang lúng túng trong khâu xử lý vì đối tượng đang rất hung hãn, trong khi máu từ đầu đối tượng đang xối xả chảy ra. Lúc đó, anh Dũng đã phải “vào cuộc”. Đứng tại buồng giam, anh dùng mọi lời lẽ để khuyên nhủ: “Tôi là bác sỹ Dũng. Hiện anh đang bị đau như thế, chúng tôi là thầy thuốc phải có trách nhiệm cứu người, nên tôi vào đây với anh. Việc đúng sai của anh, đã có pháp luật xem xét, nhưng mong anh hãy thật bình tĩnh để cho tôi băng bó vết thương, làm nhiệm vụ của một người thầy thuốc với bệnh nhân của mình”.
Cuối cùng, anh Dũng đã thuyết phục được đối tượng đồng ý cho vào băng bó, cứu chữa. Một lần khác, đối tượng Nguyễn Văn L. một đối tượng nguy hiểm, nhiễm HIV giai đoạn cuối, kèm theo lao phổi được đưa tới BV Lao và Bệnh phổi Nghệ An chữa trị. Tại đây, trong một phút sơ hở của cán bộ và bác sỹ, đối tượng đã lấy một vật cứng cắt đứt tĩnh mạch cánh tay. Các bác sỹ ở viện đã không dám xử lý trước thái độ của đối tượng và thực tế căn bệnh. Cuối cùng, Bác sỹ Dũng cũng được gọi đến để động viên và cấp cứu cho đối tượng.
Đặc biệt nhất, có lẽ là các đối tượng bị bắt khi đang mang thai. Là những “án” đặc biệt, họ không được phép tại ngoại mà buộc phải giam giữ. Những đứa trẻ ra đời tại trại giam đã khiến cuộc đời những bà mẹ mang tội lóe lên những tia sáng thiện lương. Các thầy thuốc trại giam là những người nhìn thấy điều này rõ nhất, và cũng chính họ đã xót xa nhiều nhất. “ Chúng tôi nhìn những đứa trẻ vô tội. Đôi mắt chúng trong veo như bao nhiêu đứa trẻ khác trên đời. Chúng không biết mình đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt và ngặt nghèo đến thế nào. Càng nhìn chúng, càng trách cho những bậc sinh thành. Họ đã tước đi tuổi thơ đẹp nhất của chúng. Mọi hối hận, đến phút ấy mới thấy thật muộn màng”.
Chính Bác sỹ Dũng đã từng đỡ cho một ca sinh tại buồng giam cách đây nhiều năm. Đó là một tình thế không thể khác và trong cơn đau trở dạ bất ngờ của nữ phạm nhân, anh đã buộc phải làm một bác sỹ sản khoa. Có nhiều phạm nhân sinh con trong trại đã xin các thầy thuốc đặt tên cho các cháu. Con của các phạm nhân Vi Thị N., Vi Thị M. đã được các anh chọn những cái tên đầy niềm tin hướng thiện để đặt với niềm mong mỏi các cháu sẽ đi khác con đường mà mẹ cháu trót đi sai. Hiện tại, trong trại đang có 1can phạm nuôi con nhỏ, 2 can phạm khác đang chờ sinh. Khi chúng tôi đến, nghe thật khẽ tiếng ầu ơ ru trẻ của nữ phạm nhân Vi Thị M. trong một căn phòng của khu bệnh xá.
Tiếng ầu ơ không rõ lời, chỉ là những âm thanh trầm bổng trong lồng ngực người mẹ trẻ tội lỗi. Anh Dũng cho hay, để chuẩn bị cho sự ra đời một đứa trẻ trong trại, các anh chị đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sau đó còn có trách nhiệm chăm sóc trẻ cho tới khi án của người mẹ có hiệu lực. Và các cháu vẫn có những ngày “chẵn tháng”, ngày lễ, tết thiếu nhi… từ tấm lòng của những thầy thuốc. Trước đây, công việc làm giấy khai sinh của các cháu còn do chính các thầy thuốc đi làm. Y tá Ngô Thị Hoan với 30 năm trong nghề (chị đang nghỉ chờ hưu) đã được đón gần 20 đứa trẻ chào đời trong trại, tự tay chị đã đi làm giấy khai sinh cho hơn nửa số đó.
Có lẽ không cần phải kể, cũng đủ biết người thầy thuốc trại giam đã phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Thế nhưng, điều đáng nói chính là sự lặng lẽ và niềm vui mà họ tự tìm thấy cho mình. Không phải điều giữ họ ở lại với công việc nhiều hiểm nguy này chỉ đơn thuần là mệnh lệnh của cấp trên, sự điều động của tổ chức, mà còn có mệnh lệnh cao hơn từ trái tim người thầy thuốc. Như Bác sỹ Dũng, anh là trưởng phòng hậu cần, là bệnh xá trưởng nhưng trước hết anh là một thầy thuốc với bao nhiêu trăn trở: “Trước đây, trang thiết bị thiếu thốn lắm, điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân là phạm nhân chỉ có cái ống nghe, bây giờ đã có cả máy siêu âm, xét nghiệm, vậy nên điều kiện chăm sóc được cải thiện, người thầy thuốc chúng tôi cũng thấy yên tâm hơn!”.
Làm việc trong môi trường này, cứ ngỡ rằng phải có trái tim thép, nhưng các thầy thuốc ở Trại tạm giam Công an tỉnh lại nghĩ khác. Họ cần phải “mềm” hơn, để xoa dịu đi những vết thương không chỉ trên cơ thể người bệnh. Hàng ngày, chứng kiến những đối tượng có mức án tử hình, nhìn họ đau ốm khi nhiễm lao, HIV, thậm chí họ đã muốn được chết, nhưng bằng mọi giá, các anh chị đã làm đúng thiên chức “cứu người” của mình. Các anh chị phối hợp với các bác sỹ ở các chuyên khoa đầu ngành của Nghệ An, của BV tỉnh để chăm sóc cho các bệnh nhân nặng, như trường hợp của đối tượng cộm cán L.C (bị bắt do chém người) bị suy tim và được các thầy thuốc tích cực điều trị trong 8 tháng trời.
“Khi người bệnh cận kề với cái chết, mới biết niềm khát khao sống của mỗi con người là vô cùng mãnh liệt. Chính tại đây chúng tôi lại càng thấy được công việc thiêng liêng mình làm”- Bác sỹ Dũng đã nói vậy trước lúc chúng tôi ra về với cái bắt tay thật chặt...
Bài: T.Vinh; Ảnh: T. Sơn