Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

13/04/2017 16:52

(Baonghean) - Nguồn vốn để phát triển kinh tế luôn là vấn đề nan giải. Huyện đoàn Đô Lương lập ra "Quỹ thanh niên lập nghiệp" để hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các mô hình kinh tế.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo chân cán bộ Huyện đoàn Đô Lương, ngược tuyến QL15, chúng tôi đến xã Mỹ Sơn, giáp ranh với huyện Nam Đàn, tham quan mô hình trang trại của anh Nguyễn Công Thân là một trong những đoàn viên dám nghĩ dám làm, tận dụng những lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ năm 2015, anh Thân quyết định làm trang trại tổng hợp. Anh khoanh vùng nuôi gà thịt, mỗi lứa hơn 2.000 con, bán cho các nhà hàng, quán ăn, hàng năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Anh Thân còn nuôi dê, lợn, bò… để tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, với 5.000 m2 ao hồ, anh cải tạo ao để nuôi cá nước ngọt, thu hoạch bán thường xuyên. Ngoài những cây công nghiệp, anh trồng thêm hàng chục gốc chanh trái vụ…

Từ đa dạng cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Thân có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Anh Thân chia sẻ: “Bên cạnh sự động viên của gia đình, tôi còn được sự hỗ trợ của Huyện đoàn, ngoài cho vay vốn với số tiền 30 triệu đồng, Huyện đoàn còn tạo điều kiện cho tôi được đi các tỉnh, thành tập huấn, học hỏi kinh nghiệm để phục vụ quá trình khởi nghiệp tại quê nhà”.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Công Thân, xã Mỹ Sơn, Đô Lương. Ảnh: Quang An

Sinh năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, từ kinh nghiệm trong quá trình làm thêm công việc vận chuyển nghệ tươi cho một cơ sở, Nguyễn Đình Tuấn ở xóm 5, xã Xuân sơn đã khởi nghiệp bằng nghề sản xuất tinh bột nghệ tại quê nhà. Anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng, đầu tư máy móc sản xuất tinh bột nghệ, tạo việc làm cho 5 lao động trong vùng.

Tuấn tâm sự: “Việc tiếp cận thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn và nguyên liệu phải nhập từ Hà Giang về, chi phí rất đắt đỏ. Giá để sản xuất ra tinh bột cũng không hề rẻ, do đó giai đoạn đầu rất khó bán hàng, có lúc tôi nghĩ mình đã đi sai đường…”. Nhưng với ý chí vươn lên, Tuấn lại bắt tay vào sản xuất, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, từ các mô hình, tăng cường quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và tiếp cận với nhiều người. Quá trình đó, Tuấn được Huyện đoàn Đô Lương quan tâm, hỗ trợ về vốn và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, công việc dần ổn định, nghề chế biến tinh bột nghệ mang lại cho gia đình Tuấn gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Một trong những điển hình tiêu biểu về người trẻ làm giàu trên quê hương Đô Lương là mô hình nuôi gà thả đồi của anh Trần Hữu Đức, ở xã Thuận Sơn, hiện có 3 trang trại nuôi gà, gồm 19 nhà chăn nuôi, 4 nhà trông coi, quản lý. Trong các trang trại này đang nuôi 17.000 con gà từ 1 - 4 tháng tuổi. Mỗi năm trang trại của anh Đức xuất chuồng khoảng 48.000 con gà thịt, đem lại nguồn thu khoảng 5,5 tỷ đồng; trừ chi phí, lãi ròng khoảng 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của anh Đức còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 8 - 10 lao động thời vụ.

Tạo điều kiện khởi nghiệp

Hiện nay, các cấp bộ đoàn ở Đô Lương đang tiến hành đại hội, kiện toàn tổ chức đoàn cơ sở. Quá trình đó, nhiệm vụ đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp tại quê hương được các cơ sở đoàn đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. Đây là một trong những mục tiêu tiếp nối được Huyện đoàn tăng cường thực hiện trong nhiều năm qua.

Năm 2014, Huyện đoàn Đô Lương thành lập CLB Thanh niên lập nghiệp, đến nay có 43 thành viên tham gia. Theo định kỳ, CLB tập trung tại một mô hình của hội viên để cùng trao đổi, học tập cách làm hay của nhau và rút kinh nghiệm trong tư duy làm ăn. Những lần gặp gỡ này, CLB đã mời lãnh đạo huyện và các phòng Nông nghiệp, Thú y, Khuyến nông, Tài chính… đến tham gia để hỗ trợ kiến thức về các chính sách và khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, những lần gặp mặt còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp, các công ty cung ứng giống, thức ăn để lắng nghe nguyện vọng của các đoàn viên trẻ khởi nghiệp, từ đó thống nhất các phương án hỗ trợ cho các đoàn viên.

Mô hình chế biến tinh bột nghệ của anh Nguyễn Đình Tuấn, xóm 5, xã Xuân Sơn (Đô Lương). Ảnh: Quang An
Mô hình chế biến tinh bột nghệ của anh Nguyễn Đình Tuấn, xóm 5, xã Xuân Sơn (Đô Lương). Ảnh: Quang An

Đối với người trẻ lập nghiệp, nguồn vốn để phát triển kinh tế luôn là vấn đề nan giải. Thấu hiểu điều đó, Huyện đoàn Đô Lương lập ra “Quỹ thanh niên lập nghiệp” để hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các mô hình kinh tế. Thời điểm bắt đầu, mỗi mô hình được hỗ trợ 15 triệu đồng. Từ năm 2015, các mô hình được hỗ trợ tăng lên 30 triệu đồng, đã tạo được sự khích lệ to lớn để các đoàn viên yên tâm khởi nghiệp.

Hiện tại, quỹ đã hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng cho hơn 60 mô hình với lãi suất chỉ 0,55%/tháng. Các đoàn viên sử dụng số tiền này để mua con giống, xây chuồng trại. Cuối tháng 3 vừa qua, Huyện đoàn Đô Lương đã thành lập “Hợp tác xã nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên” với 13 thành viên. Thông qua mô hình này, giúp các hội viên có tư cách pháp nhân, đàm phán và thương thảo hợp đồng tốt hơn, thuận lợi trong khởi nghiệp, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Anh Nguyễn Đức Lương - Bí thư Huyện đoàn Đô Lương cho biết: Các đoàn viên trẻ tại địa phương rất năng động, sáng tạo và có ý chí vươn lên làm giàu ở quê nhà. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 300 mô hình kinh tế của các đoàn viên thanh niên với đa dạng hóa các mô hình như trang trại, làm nghề mộc, kinh doanh, dịch vụ… Huyện đoàn luôn tạo mọi điều kiện để các bạn trẻ yên tâm lập nghiệp, nhất là hỗ trợ về kinh nghiệm và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ định hướng cách làm, hướng đi phát triển kinh tế bền vững.

Quang An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO