Đồng lòng, chung sức mới tạo nên thành công

17/10/2012 15:49

Kỳ cuối: THÀNH BẠI, PHỤ THUỘC VÀO DÂN

(Baonghean) - Phải có nhiều yếu tố mới dẫn đến thành công của công cuộc xây dựng NTM. Nhưng có một yếu tố mang tính quyết định thành hay bại, đó là: nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét tại những địa phương thực hiện tốt xây dựng NTM, trải nghiệm của những nhà quản lý tâm huyết và cả từ cảm nhận của chúng tôi - nhóm phóng viên thực hiện chuyên đề này.

>>Kỳ 2: NHỮNG KHÓ KHĂN Ở CƠ SỞ

Từ những lá cờ đầu…

Không khó để điểm ra những xã thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới như: Sơn Thành, Phúc Thành (Yên Thành), Tam Quang (Tương Dương), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Nam Anh (Nam Đàn), Nghi Thái (Nghi Lộc), Hùng Sơn (Anh Sơn) Thịnh Sơn (Đô Lương), Diễn Hồng (Diễn Châu), Hưng Thắng (Hưng Nguyên), Nghi Liên (TP Vinh)… Cũng không khó để nhận ra là trước khi xây dựng NTM, cơ bản những địa phương này có nền tảng khá tốt. Tuy nhiên, phải ghi nhận đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở các xã đó đã lựa chọn đúng đắn, phù hợp những việc cần làm trước để rồi cùng đồng lòng, chung sức tạo nên thành công.

Ở xã Sơn Thành (Yên Thành) hiện nay, lĩnh vực thành công phải nhắc đến công cuộc chuyển đổi ruộng đất. Để thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã Sơn Thành xây dựng đề án, văn bản hướng dẫn thực hiện quy mô, bài bản, nêu rõ thực trạng, sự cần thiết, mục tiêu và phương thức thực hiện rồi thông qua hội nghị quân - dân - chính góp ý sửa đổi và quán triệt thực hiện, sau đó công khai cho nhân dân toàn xã. “Ban đầu người dân chưa thực sự tin tưởng. Nhưng sau khi chứng kiến xã thực hiện thí điểm trên cánh đồng công ích thì mọi người đồng tình rất cao. Đến ngày 15/10, xã đã hoàn thành việc cải tạo đất” - Anh Hoàng Trọng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết.

Không phải là xã điểm nhưng Tam Quang (Tương Dương) đã phát động và triển khai xây dựng được hơn 2.300m đường. Để có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ về xi măng của Nhà nước là sự đóng góp của người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong toàn xã đã tự nguyện giải tỏa 4.066m, hiến hơn 888m đất, đóng góp hơn 6.000 ngày công và tham gia đóng góp tiền để làm đường giao thông nông thôn. Điều đáng nói là dù đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn nhưng mức đóng góp tự nguyện của nhân dân rất cao. Người dân bản Bãi Sở đóng 500 ngàn đồng/khẩu, bản Làng Mỏ đóng 600 ngàn đồng/khẩu, bản Bãi Xa đóng 300 ngàn đồng/hộ, bản Làng Nhùng đóng 350 ngàn đồng/hộ... Theo Chủ tịch UBND xã - Hồ Viết Sơn, nếu như không dựa vào sức dân thì tiêu chí giao thông nông thôn sẽ khó mà đạt được.

Cũng như Tam Quang, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền xã đã kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn, con em xa quê hương và vận động nhân dân hiến đất, đóng góp sức lao động… thực hiện tốt công tác xây dựng giao thông nông thôn. Chỉ trong vòng 2 tháng, được trên hỗ trợ hơn 2.000 tấn xi măng, chính quyền, nhân dân trong xã đã đồng loạt ra quân làm đường. Hiện nay, toàn xã đã xây dựng được 10km đường đảm bảo chất lượng, làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã...



Hệ thống mương nội đồng được xây dựng bằng nguồn vốn NTM
tại xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).

...vai trò của cán bộ

Ông Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành, Yên Thành, được nhiều người biết đến sau những thành công trong xây dựng NTM ở Sơn Thành. Theo ông Hóa, thành công ở Sơn Thành là do lựa chọn được bước đi thích hợp cho từng thời kỳ. Cụ thể là đã chọn giao thông nông thôn làm khâu đột phá, dồn điền đổi thửa là khâu trọng tâm. Xây dựng cụ thể chương trình hành động với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ đảng viên phải gương mẫu làm trước trong khâu giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, nhất quán và đồng bộ từ trên xuống dưới. Đồng thời, xác định rõ việc xây dựng NTM không chỉ của chính quyền mà là của cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị và toàn dân. “Chúng tôi dựa vào 10 nội dung toàn dân chung sức xây dựng NTM của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân. Xem việc xây dựng NTM là thể hiện cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” - ông Hóa nói.

Huyện Tương Dương được đánh giá là một trong những huyện làm tốt phong trào xây dựng NTM. Theo Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Hồ Cảnh thì, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn và đền đáp công lao của hơn 80% người nông dân trong 2 cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, muốn xây dựng NTM, ngoài sự vào cuộc của Nhà nước phải huy động nhân lực, vật lực từ phía nhân dân. Muốn làm được như vậy, trước hết cần phải nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Hồ Cảnh nói: “Cụ thể là Tương Dương áp dụng cách thức giải quyết hộ nghèo theo địa chỉ. Hộ nào có nguyện vọng thoát ra hộ nghèo thì xã và huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ và khi đó bắt buộc phải thoát nghèo. Quan điểm của cá nhân tôi là xóa đói giảm nghèo phải bắt đầu từ người dân. Không chạy theo những mô hình kinh tế lớn, cần gắn với từng hộ do người dân không có năng lực, mặt bằng, kinh phí trong tổ chức hợp tác để hình thành nên những trang trại lớn”.

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chánh văn phòng chuyên trách nông thôn mới cùng chung suy nghĩ. Theo ông Lâm, phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong Đảng và trong cộng đồng dân cư về mục đích yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách làm, các cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM… Để cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ đây là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài. Trong xây dựng NTM phải thật sự do nông dân làm chủ thể, huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ của Nhà nước một phần thì công cuộc mới thành công và bền vững. Vì vậy, việc tổ chức triển khai thực hiện phải mạnh mẽ, kiên trì, lâu dài tùy theo nội lực của địa phương. Từ đó tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước, đồng thời tránh nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích. “Việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề để làm cơ sở thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Vì thế, các cấp cần có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng xã” - ông Nguyễn Viết Lâm nói.

Sau những ngày rong ruổi nắm bắt thực tế ở các địa phương, từ những địa phương thực hiện tốt phong trào xây dựng NTM cho đến những địa phương còn hạn chế, chúng tôi có cảm nhận: Cũng như nhiều cuộc vận động khác, thành bại trong phong trào xây dựng NTM là phụ thuộc vào nhân dân. Và, để nhân dân tin tưởng, có nhận thức đúng rồi góp công, góp của thì những cán bộ thực hiện phải tâm huyết, dốc hết tâm sức, thể hiện rõ vai trò trong công việc. Nói ra điều này là bởi qua thực tế, chúng tôi đã thấy có những nơi một bộ phận cán bộ chưa hết lòng với công việc, xem xây dựng nông thôn mới như là một dự án để sử dụng, khai thác nguồn ngân sách nhà nước. Thể hiện như tại Quỳ Hợp, cho đến nay, toàn huyện có 20 xã thì mới chỉ 5 xã lập dự thảo đề án phát triển nông thôn mới và chỉ duy nhất xã Văn Lợi được duyệt. Qua đó để thấy, hoặc chất lượng cán bộ cơ sở có vấn đề, hoặc họ còn bàng quan trong việc xây dựng nông thôn mới, hoặc chính cấp trên của họ cũng như vậy. Là những người thực hiện tuyến bài này, chúng tôi đau đáu nỗi niềm, giá như mỗi cán bộ, địa phương đều chuyên tâm trăn trở một chút, một chút thôi và hơn hết là từng người dân đều nghĩ cho gia đình, xóm làng và quê hương mình thì địa phương nào cũng được như Sơn Thành, Nghĩa Đồng, Tam Quang… Và sẽ thật vui nếu ở đâu cũng bắt gặp những người nông dân như ông Cao Viết Khang (xóm 16 xã Sơn Thành) đứng trên cánh đồng tham gia dồn điền đổi thửa mà hồ hởi: “Chuyển đổi ruộng đất đưa cơ giới hóa vào phục vụ nông nghiệp là làm lợi cho dân thì có lý do gì dân lại cản trở...”.


Nhật Lân - Phạm Bằng

Mới nhất
x
Đồng lòng, chung sức mới tạo nên thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO