Động lực từ xã hội hóa
(Baonghean) - Là huyện có diện tích rộng, dân số đông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên phong trào thể dục thể thao quần chúng của huyện Nghi Lộc phát triển mạnh và rộng khắp... khẳng định vai trò, ý nghĩa của thể dục - thể thao toàn dân.
Nổi bật trong công tác xã hội hóa phong trào thể dục - thể thao quần chúng ở huyện Nghi Lộc là xã Nghi Trường. Đi trên các đường làng, ngõ xóm ở Nghi Trường mỗi sáng, mỗi chiều, không khó để chứng kiến hình ảnh nhiều người dân í ới gọi nhau đi đánh cầu lông, đánh bóng chuyền… Đó là hai môn thể thao được đông đảo người dân Nghi Trường hưởng ứng, đầu tư mạnh nhất ở vùng quê này. Chúng tôi tìm về gia đình ông Phan Bá Bình (xóm 6, xã Nghi Trường) đúng thời điểm cả gia đình và bà con, làng xóm đang xúm xít sau vườn nhà, quét dọn, căng lưới… chuẩn bị cho buổi đánh cầu lông thường nhật. “Sân cầu lông này là do gia đình tôi đầu tư xây dựng từ tháng 8/2013, nhưng không với mục đích kinh doanh mà hoàn toàn mang ý nghĩa cộng đồng, thành nơi sinh hoạt chung của cả xóm”. - Ông Phan Bá Bình phấn khởi chia sẻ.
Số tiền xây dựng sân cầu lông và cơ sở vật chất kèm theo là gần 15 triệu đồng, vào thời điểm năm 2013, đó là số tiền không nhỏ so với mặt bằng thu nhập chung ở xã thuần nông Nghi Trường. Chia sẻ lý do về việc quyết định xây dựng sân cầu lông gia đình, ông Phan Bá Bình khẳng định: “Số tiền lớn, nhưng ý nghĩa, tác dụng mà nó mang lại lớn hơn nhiều. Mấy năm về trước, tôi phát hiện ra bệnh tiểu đường nặng. Từ một người cao to, nặng hơn 80 kg, sức khỏe yếu dần, cân nặng chỉ còn chưa đầy 60 kg. Tôi quyết định đầu tư vào thể dục, thể thao để chiến thắng bệnh tật”. Không chỉ riêng gia đình ông, mà rất nhiều người dân xóm 6 đều đam mê thể thao. Việc xây dựng sân cầu lông mang ý nghĩa cộng đồng sẽ giúp cho xóm làng có thêm sợi dây gắn kết nghĩa tình bền chặt, mọi người cùng rèn luyện sức khỏe, đẩy lùi những tệ nạn xấu có nguy cơ nảy sinh trong tầng lớp thanh, thiếu niên.
Giải bóng chuyền chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2015 ở Nghi Lộc. |
Không chỉ có sân cầu lông ở gia đình ông Phan Bá Bình, phong trào xã hội hóa cơ sở vật chất thể dục - thể thao xã Nghi Trường ngày càng mạnh mẽ với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Ở xóm 12, 104 hộ dân luôn tự hào về 5 sân bóng chuyền đạt tiêu chuẩn của xóm mình, được xây dựng với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng do các mạnh thường quân là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các tầng lớp nhân dân tùy tâm đóng góp. Ông Phan Đình Hà - Bí thư Chi bộ xóm 12 cho biết: “5 sân bóng chuyền được xây dựng từ năm 2008 - 2010. Khi khởi phát ý tưởng đầu tư sân bãi, phục vụ thể dục - thể thao, ban cán sự xóm đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp dân, sinh hoạt đoàn thể về ý nghĩa, vai trò quan trọng của các công trình này đến đời sống an sinh. Vì thế, nhân dân rất đồng tình, hưởng ứng, quá trình xây dựng và sử dụng hoàn toàn thuận lợi”.
Hiện, trên 19 xóm của xã Nghi Trường có hơn 40 sân bóng chuyền và gần 20 sân cầu lông tiêu chuẩn được xây dựng dưới hình thức xã hội hóa. Từ điểm sáng Nghi Trường, cách làm hay ấy được nhân rộng, lan tỏa ra nhiều xã bạn. Gia đình anh Lê Văn Hòa trở thành điểm sinh hoạt thể dục - thể thao chung cho cả xóm 2 Nghi Trường. Anh Lê Văn Hòa cho biết: “Xuất phát từ tình yêu với môn cầu lông và trăn trở trước thực trạng xã nhà quỹ đất hạn chế, chưa có sân, bãi thể thao nào đáp ứng được nhu cầu tập luyện, vui chơi của nhân dân, năm 2012, gia đình tôi quyết định xây dựng sân cầu lông trong diện tích vườn nhà”. Anh Hòa quan niệm tập luyện thể dục - thể thao là việc làm tốt cho bản thân, gia đình, và không nên có tư tưởng chờ đợi, ỷ lại, than vãn về các công trình thể thao công cộng. “Trong hoàn cảnh xã nhà còn nghèo, ngân sách phải phân bổ cho nhiều việc cấp thiết hơn, quỹ đất cũng hạn chế, thì mỗi gia đình trong khả năng có thể, nên đóng góp cho phong trào thể dục - thể thao quần chúng. Rất vui là từ sân cầu lông chiều tà của gia đình tôi, hàng năm, nhiều thể thao quần chúng xuất sắc được phát hiện, đóng góp nhiều thành tích cho phong trào thể thao xã nhà”. - anh Hòa tâm sự.
Suy nghĩ và hành động tích cực trong công tác xã hội hóa thể dục - thể thao của người dân huyện Nghi Lộc có được là nhờ chính quyền và ngành thể dục - thể thao huyện nhà làm tốt vai trò tuyên truyền, định hướng, khích lệ nhân dân. Hiện 30/30 xã, thị trấn đều có quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động văn hóa, thể thao, 28/30 xã, thị trấn có sân vận động xã, 93% xóm, khối phố có sân thể dục thể thao. Không chỉ thành công trong xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất thể thao, mà tại các giải thể thao hàng năm như Giải bóng chuyền các đội mạnh đầu xuân; Giải bóng chuyền Lễ hội Đền thờ Nguyễn Xí…, công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm… cũng được huyện Nghi Lộc làm rất tốt.
Ông Nguyễn Sỹ Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Nghi Lộc khẳng định: “Nhân tố quyết định sự phát triển của phong trào thể dục - thể thao quần chúng chính là nhân dân. Để khơi dậy niềm đam mê và sự mạnh dạn đầu tư từ trong dân, chúng tôi luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao. Mặt khác, luôn kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Có như vậy, xã hội hóa thể dục - thể thao mới tạo ra niềm vui từ sự tự nguyện, lòng đam mê, để các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách… được nâng cao mức hưởng thụ, tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe”.
Phương Chi