Đồng nát, ve chai xứ người!

04/10/2014 10:38

(Baonghean) - Nghề “ve chai”, hay còn gọi là nghề thu mua phế liệu đã giúp bao gia đình thoát nghèo, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, cuộc sống ổn định hơn. Vì thế mà từ mấy năm trở lại đây, người dân Quỳnh Yên - Quỳnh Lưu thường rời quê đi vào các tỉnh xa như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu mưu sinh bằng nghề này...

Vào thời điểm này, về xã Quỳnh Yên - Quỳnh Lưu, người dân đã thu hoạch xong lúa hè thu. Đây cũng là thời điểm phụ nữ trong làng đi vào các tỉnh miền Nam thu mua ve chai.

Phụ nữ xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) với nghề ve chai.
Phụ nữ xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) với nghề ve chai.

Trời đã xế chiều, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hạnh khi chị mới đi chợ về, sắm sửa những thứ cần thiết chuẩn bị cho hành trình mưu sinh nơi đất khách. Rót chén nước mời khách, chị tâm sự: Cũng chỉ vì gia cảnh nghèo khó, với lại ở quê được 2-3 sào ruộng thì làm khó đủ ăn, nói chi đến tiền tích lũy. Để sắm sửa trong gia đình, nuôi con thì phải chấp nhận xa quê mưu sinh… Biết rằng, mình đi để lại con nhỏ ở nhà cho chồng cũng không yên tâm, nhưng không đi, không bươn chải thì lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống? Vậy nên, đã mấy năm nay, xong mùa màng, chị lại thu xếp vào Bình Dương làm nghề thu mua ve chai cùng với nhiều chị em trong làng. Chị nhớ lại lần đầu tiên vào đó, mới đầu không quen, đất khách quê người, giữa chốn phồn hoa đô thị, việc mưu sinh chẳng chút dễ dàng, nhớ nhà, nhớ con, tủi phận mình, chỉ muốn quay về quê… Nhưng rồi vì cuộc sống, chị đành gạt nước mắt, nén thương nhớ vào trong, hàng ngày bươn chải, tích góp từng đồng gửi về quê nuôi con. Lúc đầu vào, phương tiện chưa có, chị phải đi thu mua đồng nát bằng đôi quang gánh trên vai. Bàn chân chị đi khắp các con phố, ngõ hẻm nơi đô thị, đi nhiều nơi đến nỗi không nhớ đường về phòng trọ, có lúc đôi chân không bước nổi được nữa… Một ngày của chị bắt đầu từ lúc bình minh, có khi tờ mờ sáng, thậm chí là nửa đêm. Điểm đầu tiên chị đến thường là đi theo những xe chở rác thành phố. Họ bới trong đống rác những phế liệu có thể tái sử dụng, rồi đến những quán ăn, cửa hàng tạp hóa để kiếm một vài vỏ lon nước ngọt bỏ đi. Chị cặm cụi len lỏi vào từng ngõ hẻm, góc phố thu mua những đồ dùng cũ,... Kể đến đó chị lại thở dài: “Nghề ve chai cơ cực lắm”. Giữa sự náo nhiệt, ồn ào của chốn thành thị, có ai hiểu rằng, đằng sau những vòng xe, đằng sau những tiếng rao là nỗi cực nhọc của những người phụ nữ tần tảo kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Bây giờ nghĩ lại những ngày gian truân đã qua, chị thấy thương mình lắm. Nhưng cũng nhờ những tháng ngày cực khổ đó, giờ chị cũng đã sắm sanh được một số đồ dùng tiện nghi, và điều quan trọng là con cái được chăm sóc, học hành đầy đủ. Nhìn khuôn mặt chị rạng ngời, phấn khởi như quên đi những tháng ngày gian khó đã qua.

Cũng không khác gì chị Hạnh, chị Phan Thị Hoa kể lại: Nghề này lắm buồn tủi, đắng cay, lại nguy hiểm đến tính mạng, vì lúc nào cũng phải đi đạp xe rong ruổi khắp nơi, đường lớn, đường nhỏ có cả mà phương tiện đi lại thì nhiều. Nhưng nếu ngày đó không chịu khó, gồng mình thì giờ chắc gia đình cũng không được như thế này. Ba đứa con đều lần lượt vào đại học, đứa đầu đã ra trường có việc làm ổn định, 2 đứa sau đang học những năm cuối. Giờ chị Hoa không còn sức khỏe để vào tận Bình Dương thu mua phế liệu, nhưng chị lại đưa nghề về quê. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp, chị đi khắp làng trên, xã dưới với tiếng reo quen thuộc: “Ai có nhôm, đồng, sắt vụn bán không?”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Yên có khoảng 50 - 60 chị em theo nghề “ve chai’’ đi vào các tỉnh miền Nam mưu sinh. Mỗi tháng thu nhập khi đã trừ tiền ăn, phòng trọ, các chị cũng góp được khoảng 3 - 4 triệu đồng. Số tiền ấy đối với vùng nông thôn là không hề nhỏ. Mùa vụ xong xuôi, các chị lại bươn chải bằng nghề ve chai. Mỗi vòng xe của là sự hy vọng, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại... và hành trình mưu sinh của những người phụ nữ đó ẩn chứa bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Họ cặm cụi len lỏi vào những ngõ hẻm, góc phố mong thu mua được những đồ cũ kỹ của các gia đình không còn sử dụng để đem bán lại cho đại lý kiếm đồng lời trang trải cho cuộc sống. Dẫu rằng, thắt lòng khi phải xa chồng, xa con, xa quê hương; dẫu rằng, cuộc sống nơi đất khách không mấy suôn sẻ; dẫu rằng nghề ve chai lắm cơ cực… nhưng các chị vẫn chắt chiu niềm tin, rằng những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi kia là bằng sức lao động chân chính, góp phần nuôi sống gia đình, các con được học hành đến nơi, đến chốn, sẽ có một tương lai sáng lạn hơn…

Bài, ảnh: Hoàng Thúy

Mới nhất
x
Đồng nát, ve chai xứ người!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO