Đóng "phí" hộ nghèo !

12/06/2014 14:43

(Baonghean) - Đó là một câu chuyện buồn xẩy ra ở xóm T.B, xã M, huyện T,  được một bạn đọc trình bày qua lá đơn gửi đến Báo Nghệ An ngày 25/4/2014. Theo xác minh, việc hộ nghèo địa bàn này phải đóng % số tiền được hưởng cho xóm là có thực, cho dù cán bộ xóm bào chữa do các hộ nghèo tự nguyện...

(Baonghean) - Đó là một câu chuyện buồn xẩy ra ở xóm T.B, xã M, huyện T, được một bạn đọc trình bày qua lá đơn gửi đến Báo Nghệ An ngày 25/4/2014. Theo xác minh, việc hộ nghèo địa bàn này phải đóng % số tiền được hưởng cho xóm là có thực, cho dù cán bộ xóm bào chữa do các hộ nghèo tự nguyện...

Đơn của bạn đọc như sau: Tháng 12/2012, xóm T.B tổ chức họp xét hộ nghèo năm 2013. Có 28 hộ được xếp diện hộ nghèo, nhưng trong đó chia làm 2 loại: loại 1 có 12 hộ được hưởng đủ các quyền lợi hộ nghèo; loại 2 có 16 hộ phải nộp lại 80% quyền lợi được hưởng để xóm làm quỹ. Gia đình chị H nằm trong số 16 hộ phải nộp 80%, và được yêu cầu nộp cho ông D (thư ký cuộc họp), nếu không sẽ không được công nhận hộ nghèo năm tới. Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn hơn cả 12 hộ loại 1, chồng bị mất trí nhớ, 2 con bị bệnh kéo dài nhiều năm phải điều trị hết bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Trung ương nên chị H đã xin trước xóm cho được hưởng trọn vẹn quyền lợi hộ nghèo. Dù vậy, ban cán sự xóm đã không chấp nhận.

Do chồng con đau ốm triền miên, chị H đã nhận hết tiền hộ nghèo được hưởng trong năm 2013 nhưng không nộp lại tiền % cho xóm làm quỹ. Do đó, tháng 11/2012, gia đình chị đã được chuyển đổi đất lúa, đất màu theo đúng như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng sau đó bị Ban chuyển đổi ruộng đất của xóm thu lại khoảng 1.300m2 đất. Những khoảnh ruộng này, trong năm 2013, hai lần chị H thuê cày bừa, bón phân nhưng rồi người khác sử dụng...

Minh họa: Hữu Tuấn.
Minh họa: Hữu Tuấn.

Bức xúc, chị H đã nhiều lần viết đơn khiếu nại gửi UBND xã nhưng không được giải quyết đúng như thực tế. Không chỉ vậy, Ban cán sự xóm T.B còn quy cho chị H tội vu khống...

Tìm hiểu được biết, xã M của huyện T là vùng đất bán sơn địa, ruộng đồng cằn cỗi, kinh tế kém phát triển, đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu. Và gia đình chị H có 3/4 người trong gia đình đều mang bệnh tật lâu năm nên thuộc nhóm nghèo nhất trong những gia đình nghèo. Chồng chị H trước đây cũng khỏe mạnh, từng làm cán bộ xóm, vậy nhưng "trời không thương" nên bị bệnh teo não, trí nhớ không còn. Hai con, đứa đầu mắc bệnh viêm cầu thận; đứa thứ hai mắc bệnh về mắt, có nguy cơ mù. Cả 3 cứ thế "xoay vòng" đi viện. Khi hỏi thăm, một người dân cùng xóm đã nói rằng: ''Gia đình H khổ trần đời.

Việc hộ nghèo xã M phải nộp % là có thật. Tôi cũng dự cuộc họp và biết rõ điều này. Vì chuyện hộ nghèo, ruộng đất mà nó đôn đáo kêu kiện khắp nơi...". Còn theo ông T, người đã xác nhận vào đơn của chị H cho biết, năm 2013, vì bệnh cũ tái phát, có 2 con đang theo học nên gia đình ông được xã xếp diện hộ nghèo để được hưởng chế độ BHYT và miễn giảm học phí. "Tôi cũng chẳng thích gì danh hiệu hộ nghèo. Nhưng được vào hộ nghèo cũng đỡ được nhiều thứ. Tôi không dự cuộc họp bình chọn hộ nghèo của xóm, nhưng thấy nói phải đóng 80% những khoản tiền hộ nghèo được hưởng để làm quỹ xóm, vậy nên tôi đã nộp. Vậy nhưng cách đây mấy ngày, người tôi nộp tiền đã đưa tiền đến trả lại, sau đó lại thấy mấy cán bộ xã đến kiểm tra xem tôi đã được hoàn lại tiền hay chưa...".

Đem câu chuyện "phí" hộ nghèo hỏi Bí thư chi bộ xóm T.B, ông cho rằng, việc buộc dân đóng phí là do mấy hộ dân bức xúc mà xuyên tạc chứ không có thật: "Chi bộ không chỉ đạo, không chủ trương, Ban cán sự xóm cũng chẳng dính líu gì. Sổ sách, văn bản của chi bộ, của xóm hẵng còn đó, thể hiện rõ việc này...". Khi nghe phóng viên kể lại việc ông T được trả lại tiền, xã đã cử cán bộ vào kiểm tra thì Bí thư chi bộ nói: "Việc thu tiền là do hộ nghèo tự nguyện, do nhận thức của họ chứ không có chuyện xóm ép buộc. Mà họ nộp cho ông D, cũng là một hộ nghèo chứ đâu nộp cho cán bộ xóm...".

Tìm đến nhà ông D, nhìn qua thì gia cảnh ông này dù chưa khá giả nhưng cũng chẳng đến độ để xếp vào diện hộ nghèo. Cũng nhà gác, tường, sân láng, có xe máy, sẵn lực lượng lao động... chưa kể chuồng trại chăn nuôi rộng rãi với 2 trâu, 1 nghé béo khỏe. Nói về chuyện hộ nghèo nộp tiền % cho xóm, ông D bối rối nhận mình là người đứng ra thu tiền rồi lý giải: "Là do mọi người tự nguyện đến nộp tiền. Tôi chỉ là người thu giúp để sau này dùng làm quỹ xóm...". Hỏi rằng: Các gia đình thực sự có hoàn cảnh khó khăn thì mới đưa vào diện hộ nghèo để Nhà nước có chính sách giúp họ phần nào. Cứ cho là hộ nghèo tự nguyện, vậy nhưng ông không thấy bất hợp lý khi thu tiền hay sao? Ông D gượng gạo phân trần: "Tôi cũng khổ vì việc này lắm. Gồm cả gia đình tôi nữa là có 13 hộ nộp tiền. Mà nộp cũng chẳng đến 80% đâu. Mỗi gia đình chỉ từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Vừa rồi xã đã giao cho xóm nhắc tôi trả sạch...".

Chuyện đóng "phí" hộ nghèo chỉ được rõ ra khi chúng tôi chất vấn xóm trưởng xóm T.B rằng: Gia cảnh ông D như vậy, tại sao lại được bình xếp hộ nghèo? Xóm trưởng cho biết: "Năm 2013, xóm ông có 28 hộ nghèo, trong đó, có 13 hộ đúng tiêu chuẩn, 15 hộ vượt trên chuẩn hộ nghèo tí chút. Như trường hợp của ông D được xếp hộ nghèo là bởi nhà đông người nên thu nhập bình quân khi xóm chấm điểm là gần sát chuẩn. Vì chưa đúng chuẩn nhưng được đưa vào diện hộ nghèo nên họ tự nguyện nộp tiền cho xóm...".

Cùng tiếp chuyện chúng tôi, vợ xóm trưởng giải thích: "Xóm nào ở xã này cũng trong tình trạng như vậy. Có xóm văn hóa có hơn 30 hộ nghèo. Xóm T.B nghèo nhất xã mà bình chọn ít hơn thì dân nói "cán bộ xóm mù, không biết thương dân". Vậy nên cứ sát chuẩn là vớt...". Tại sao không đưa họ vào loại cận nghèo? Theo ông xóm trưởng, ngoài 28 hộ nghèo, năm 2013 xóm T.B có trên 20 hộ cận nghèo. Năm 2014, xóm có 22 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo, và gia đình ông cũng ở trong số này. "Khoảng năm 2010 - 2011, xóm từng có chủ trương thu hộ nghèo 50% những khoản kinh phí được hưởng. Sau đó có ý kiến này nọ nên đã trả lại. Năm 2013 xóm không có chủ trương này nhưng một số hộ nghèo tự nguyện đóng tiền. Chúng tôi có lỗi là biết chuyện mà không ngăn cản...".

Về việc chị H bị xóm lấy mất một phần đất ruộng, theo ông xóm trưởng là bởi đất màu, đất ruộng trước đây gia đình chị H được giao không đúng, hơn nữa, do mâu thuẫn nên mẹ chồng chị đã lấy lại một suất đất nên diện tích bị thu hẹp lại là hoàn toàn đúng. Những giải thích thật không thể chấp nhận được. Quyền sử dụng đất ruộng, đất màu của gia đình chị H đã được thể hiện rõ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chính quyền huyện T cấp. Nếu trường hợp đúng như ông xóm trưởng trao đổi thì phải xử lý theo đúng trình tự chứ xóm và xã tự ý thu hồi đất, giao cho người khác sử dụng là trái quy định của pháp luật.

Việc đóng nộp "phí" hộ nghèo cứ cho là dân tự nguyện, nhưng việc "vớt" hộ nghèo để họ "tự nguyện" đóng "phí" là việc làm trái quy định, thật đáng xấu hổ, và cần chấm dứt.

Nhật Lân

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Đóng "phí" hộ nghèo !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO