Đồng thuận: Như xa mà gần

(Baonghean) - Bắt tay hợp tác là xu thế tất yếu của thời đại trong các mối quan hệ quốc tế. Dù là quan hệ song phương giữa 2 quốc gia hay quan hệ đa phương với các nhóm nước, các thể chế quốc tế, “câu thần chú” mà giới chính trị gia thường xuyên tâm niệm chính là “đồng thuận là sống, chia rẽ là chết”. Đây cũng là nội dung phản ánh chính xác tình thế hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng di cư, và cũng đúng với mối quan hệ giữa 2 cựu thù Nga-Afghanistan.

“EU đồng thuận” - chìa khóa để giải bài toán di cư

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AA.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AA.

Chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ được đông đảo giới quan sát và bình luận kỳ vọng và đón đợi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhận định viễn cảnh về một “chiến lược toàn diện” cho vấn đề đau đầu số 1 hiện nay của lục địa già đang ở rất gần. Theo những gì ông Tusk chia sẻ, Ankara hiện đã chấp thuận “đẩy nhanh tái phân bổ” để đưa người di cư từ Hy Lạp sang Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái le lói ánh sáng hy vọng cho bối cảnh tăm tối hiện nay của châu Âu.

Hôm 4/3, khẳng định đã chứng kiến dấu hiệu về “sự đồng thuận trong lòng châu Âu” xuất hiện lần đầu tiên kể từ khi biển người di cư đổ về EU và khởi phát cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trên lãnh thổ khối nước 28 thành viên, trong thư mời các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh do ông cùng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đồng chủ trì vào ngày mai (7/3), ông Tusk viết: “Đây là sự đồng thuận xoay quanh chiến lược toàn diện, mà nếu trung thành thực thi chiến lược đó, có thể giúp ngăn dòng người và ứng phó với cuộc khủng hoảng”.

Những ngày qua, Brussels đã phải vật lộn để đưa ra một bản kế hoạch hành động mang tính toàn diện hòng xử lý hiệu quả với biển người đang xin tị nạn tại “miền đất hứa”. Nhiều quốc gia đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận thêm người di cư và tị nạn theo hệ thống hạn ngạch của EU nhằm giảm bớt sức ép cho các quốc gia tiền phương như Hy Lạp và Italy.

Như nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu nhìn nhận, rõ ràng ý chí chính trị là có, nhưng thách thức đặt ra về mặt hậu cần cũng không nhỏ, và các nước EU phải chung tay hỗ trợ Hy Lạp đang oằn mình trước cơn sóng dữ. Và ông cũng “nêu gương” Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia từ lâu mong muốn có được tư cách thành viên chính thức của EU, hiện đang trong tâm thế sẵn sàng khi Thủ tướng Davutoglu xác nhận sẽ tiếp nhận toàn bộ người di cư tại các vùng biển của nước này.

Thậm chí Ankara cũng nhất trí sẽ “đẩy nhanh tái phân bổ” những người di cư không đáp ứng các yêu cầu để nhận được sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế và bị “gửi trả” từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặt ra bối cảnh như vậy, ông Tusk không quên đánh vào lý trí và tình cảm của các nguyên thủ thành viên EU, hối thúc các nhà lãnh đạo cùng ngồi lại trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh sắp tới và cùng đi đến thống nhất sử dụng “mọi công cụ sẵn có của EU” để phản ứng với cuộc khủng hoảng.

Như vậy, chúng ta có thể trông đợi kịch bản khả quan trong hội nghị ngày mai khi các nước cùng nhất trí vận dụng mọi công cụ khả thi sẵn có, bao gồm đẩy nhanh tái phân bổ, để giải quyết những hậu quả nhân đạo theo cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, góp phần xoa dịu những nỗi khốn khổ của người di cư, và cũng là vứt đi gánh nặng lớn nhất của lục địa già nếu cùng chung sức, đồng lòng.

Đến nay, nhiều nỗ lực hỗ trợ về mặt tài chính đã được đưa ra, trong đó không thể không nhắc đến gói đề xuất mới của Ủy ban châu Âu - “công cụ hỗ trợ khẩn cấp” với trị giá lên tới 700 triệu EUR, nhằm mục đích giúp Athens có nguồn kinh phí để bố trí ăn ở cho những người muốn tị nạn tại đất nước này.

Bên cạnh đó, EU cũng đã sẵn sàng cung cấp khoản tiền hơn 95 triệu EUR (104 triệu USD) nằm trong gói viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận tay đôi trước đó giữa khối nước này với chính quyền tại Ankara. Thỏa thuận đạt được nêu rõ Brussels sẽ rót cho Ankara khoảng 3 tỷ EUR để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách ngăn chặn luồng di cư đổ về Hy Lạp qua biển Aegea.

Như vậy, có thể thấy trên cơ sở những thỏa hiệp và đồng thuận, các bên đang dần hướng tới khả năng hợp tác cùng giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng dai dẳng suốt thời gian qua, lập lại trật tự cho khu vực và giữ cho khối liên minh trụ vững trước sóng gió nguy cơ tan rã.

Nga “bắt tay” cựu thù Afghanistan

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai. Ảnh: RIA Novosti.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani Ahmadzai. Ảnh: RIA Novosti.

Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, Moskva một lần nữa đang tìm cách có được vị thế lớn hơn tại quốc gia Nam Á này thông qua thúc đẩy hợp tác quân sự và kinh tế với Kabul. Theo tờ DW, Nga và Afghanistan đã xác lập lại tình hữu nghị, bỏ lại sau lưng những đối đầu và ký ức không đáng nhớ để cùng hướng đến một mối quan hệ tốt đẹp hơn, mà hiệp định an ninh ký kết song phương hồi năm ngoái là một minh chứng rõ nét.

Mới đây, Moskva đã quyết định viện trợ cho Chính phủ Afghanstan 10.000 khẩu súng trường tự động Kalashnikov và hàng triệu băng đạn. Trong ngắn và trung hạn, chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến xu hướng xích lại gần nhau hơn giữa 2 quốc gia, khi dòng viện trợ quân sự và kinh tế của Nga tiếp tục chảy về Kabul.

Thực ra, sau khi Mỹ bắt đầu chiếm đóng Afghanistan vào năm 2001, tuy không can dự về mặt quân sự tại mặt trận này, song Nga đã cung cấp nguồn hỗ trợ hậu cần đáng kể để tái xây dựng đất nước hứng chịu nhiều tàn phá do chiến tranh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi quan hệ Nga-phương Tây có dấu hiệu xấu đi nhanh chóng sau cuộc xung đột Ukraine, Moskva càng thể hiện rõ mong muốn nắm giữ vai trò tích cực và rộng lớn hơn tại Afghanistan. Dưới góc nhìn chuyên gia, Omar Nessar, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan đương đại (CISA), các khoản đầu tư kinh tế lẫn viện trợ quân sự của Moskva đều cho thấy “Nga đang tìm kiếm các quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Afghanistan, trong nỗ lực giúp đỡ định hình các sự kiện trên thực địa”.

Xa hơn nữa, có thể nhận thấy Nga đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ và hợp tác với Afghanistan, một phần nguyên nhân sâu xa có liên hệ với các cuộc hòa đàm gián tiếp với lực lượng Taliban. Về phần mình, Điện Kremlin chính thức lên tiếng tán đồng các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, song vẫn còn hoài nghi về khả năng sớm tiến hành các đàm phán nói trên.

Dù vậy, đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại Afghanistan, Zamir Kabulov, cũng kêu gọi Taliban đồng ý tham gia đối thoại. Trong chuyến thăm mới đây tới Kabul, ông Kabulov cũng quả quyết chỉ có Chính phủ Afghanistan mới có đủ quyền hạn để dẫn dắt các cuộc hòa đàm với lực lượng nổi dậy, chứ không thể là một tiếng nói khác từ bên ngoài.

Chuyên gia nghiên cứu khu vực Nam Á Javid Ahmad của Đại học Yale nhận định: “Nga có quan hệ hữu nghị với Chính phủ Afghanistan, nhưng nước này không có lòng tin ở các cuộc đàm phán với Taliban do Trung Quốc và Mỹ làm trung gian. Người Nga thích thú với nỗ lực ngoại giao tương đương do Moskva dẫn dắt để thúc đẩy các lợi ích của chính họ”.

Giới chuyên gia cho rằng xét từ khía cạnh này, Nga có một “đối tác khá bất thường” - đó chính là lực lượng Taliban. Nói cách khác, lợi ích của Nga vô tình lại “trùng khớp” với lợi ích của Taliban, và ông Kabulov từng lưu ý trước báo giới hồi tháng 1 tại Moskva rằng Chính phủ Nga đã liên hệ với Taliban để trao đổi thông tin về Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức khủng bố đang tìm cách bành trướng sự hiện diện sang lãnh thổ nước này.

Nhiều người cũng cho rằng khi đặt lên bàn cân, rõ ràng IS là mối đe dọa lớn hơn, và để chống lại tầm ảnh hưởng đang tăng lên của tổ chức khủng bố này, việc “xích lại gần hơn” với cựu thù Taliban là hợp lý, nhất là khi nhiều nước khác cũng đã làm điều tương tự.

Và như vậy, câu nói đáng nhớ của ông Kabulov với hãng thông tấn Nga Interfax hồi đầu năm “Chúng tôi thà chiến đấu với các phần tử Hồi giáo trên dòng Amu Darya còn hơn là trên dòng Volga” biết đâu sẽ trở thành khẩu hiệu của mối quan hệ mới được hâm nóng giữa Nga và Afghanistan.

Thu Giang

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.