Đồng thuận và quyết tâm cao cho khởi đầu nhiệm kỳ mới
(Baonghean) - Năm 2015 khép lại với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Nhìn lại 1 năm đáng nhớ - năm khép lại của nhiệm kỳ 2010 - 2015 - ghi dấu bằng những khởi sắc trên mọi mặt kinh tế - xã hội. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường tới thăm, tặng quà cán bộ, công nhân thi công Dự án Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không Vinh. Ảnh: Thành Duy |
Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí có thể đưa ra nhìn nhận khái quát về những kết quả mà Nghệ An đạt được trong năm 2015 vừa qua?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Trước tiên, phải khẳng định năm 2015 là một năm thành công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An trên nhiều phương diện. Về chính trị, chúng ta vui mừng chào đón nhiều sự kiện trọng đại như tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2010 - 2015. Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao trong và ngoài nước diễn ra sôi động. Nghệ An đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Chương trình “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn 2015”, tiếp xúc và làm việc với đại diện ngoại giao của 33 nước và tổ chức quốc tế.
Về kinh tế, có dấu hiệu phục hồi cao hơn những năm gần đây, đó là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chung phục hồi chậm hơn so với dự báo. GRDP năm 2015 ước đạt 58.884 tỷ đồng, tăng 7,43%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm gần đây (2012 tăng 5,07%, 2013 tăng 6,01%, 2014 tăng 6,77%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước 6,5%). Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng so với cùng kỳ: nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,97%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,95%; dịch vụ tăng 6,89%; thuế sản phẩm tăng 10,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham quan triển lãm tại Lễ khởi công Dự án VSIP Nghệ An. Ảnh: Sỹ minh |
Nhìn cụ thể từng khu vực kinh tế, có thể nêu lên một số thành tựu nổi bật như:
Trong nông nghiệp, mặc dù điều kiện không thuận lợi nhưng tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt khoảng 1,213 triệu tấn - là năm có sản lượng lương thực cao nhất trong những năm gần đây; đặc biệt, đây là năm có sản lượng ngô tăng mạnh (tăng 22,68% so với năm 2014). Các cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả như cam, cao su, chè búp cũng cho sản lượng tốt, cao hơn năm trước từ 4 - 7,5%. Chăn nuôi, thủy sản đều có bước phát triển tốt. Vì vậy, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm tăng 4,58% so với năm 2014. Đã tập trung xây dựng nông thôn mới, nên bộ mặt nông thôn có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. |
Trong công nghiệp - xây dựng, năm 2015 đã chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt sau nhiều năm chững lại (giá trị sản xuất tăng hơn 12% so với năm 2014). Nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động trong năm như: Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Royal Foods, Nhà máy xi măng Sông Lam 2, Nhà máy Masan,… Ngoài ra, chúng ta cũng đã khánh thành nhiều dự án quan trọng trong xây dựng cơ bản như: Nhà ga hành khách Cảng Hàng không Vinh, cầu vượt đường sắt (đoạn Quán Bánh), Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An, đường Tây Nghệ An, đường Châu Thôn - Tân Xuân, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, cơ bản thông tuyến Quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hoà,… Một số dự án trọng điểm được khởi công như: KCN đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Nhà máy xi măng Sông Lam, Nhà máy cấp nước thô, cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam, Tổng kho xăng dầu DKC Nghi Lộc, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1,... Hoàn thành cấp điện lưới cho 16 xã chưa có điện trước 30/12/2015.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển khá, giá trị sản xuất tăng 7,19% so với năm 2014, trong đó thương mại và tài chính ngân hàng là 2 khối tăng trưởng khá nhất. Thu ngân sách 11 tháng đầu năm đạt 7.993,3 tỷ đồng, tăng 19,75% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa tăng 22,54% cùng kỳ. Ước cả năm đạt khoảng 10.038 tỷ đồng.
Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư ngày càng nâng cao chất lượng, thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, các nhà đầu tư có tên tuổi như Tập đoàn Sembcorp, Becamex, Royal Foods, BSE, Tôn Hoa Sen, The Vissai, Hoàng Phát, Masan,… Tính lũy kế đến ngày 30/11/2015, tỉnh Nghệ An đã cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 151 dự án, trong đó có 112 dự án mới với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 87.404 tỷ đồng.
Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 1/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh. |
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục duy trì ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2015 đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá lớn như Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội Làng Sen toàn quốc và Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung năm 2015; Khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn và thực hiện Chương trình tri ân Truông Bồn - Tráng ca bất tử; Khởi công nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, nhà lưu niệm đồng chí Hồ Tùng Mậu,… Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,28% xuống còn khoảng 7,5%, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Có thể đánh giá năm 2015 đã khép lại nhiệm kỳ 2010 - 2015 một cách tốt đẹp, là năm mà chúng ta đã nỗ lực phấn đấu trên mọi phương diện để đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ở mức cao nhất, hướng tới nhiệm kỳ 2015 - 2020 với một tâm thế mới, một tiền đề vững chắc và những định hướng phát triển hợp lý, nhanh hơn, bền vững hơn.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả tích cực, đồng chí có thể cho biết những hạn chế, tồn tại mà chúng ta cần nhìn nhận và tìm cách khắc phục để hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2016 và xa hơn nữa?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận nói trên, cần nghiêm túc nhìn nhận việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Còn có 3/27 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đề ra, đó là: Giá trị sản xuất dịch vụ chỉ tăng 7,19%/ KH 8-9%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chưa đạt mục tiêu đề ra; Số trường chuẩn quốc gia tính luỹ kế đến hết năm ước đạt 927/ KH 987. Kinh tế phục hồi khá song chưa toàn diện, một số lĩnh vực tiếp tục khó khăn: sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh; một số sản phẩm công nghiệp sản xuất giảm so với cùng kỳ; nhiều doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ;…
Về cải cách hành chính, dù đã và đang nỗ lực triển khai nhưng tiến độ ở nhiều nơi còn chậm, thiếu đồng bộ. Cơ chế một cửa ở một số đơn vị còn mang tính hình thức; một số đơn vị chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Về an ninh, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm tinh vi như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, buôn bán chất cấm,… có xu hướng tăng; tình trạng di dịch cư trái phép, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra;…
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như khó khăn chung trong nước và thế giới, diễn biến thời tiết - dịch bệnh, có một phần không nhỏ nguyên nhân chủ quan đến từ sự thiếu đồng bộ trong phối hợp chỉ đạo và triển khai các chính sách phát triển. Có khi, do sự đôn đốc, chỉ đạo của các ngành, các cấp chưa quyết liệt, cụ thể, bám sát cơ sở. Có khi, do tính chủ động và huy động nội lực của cơ sở còn yếu. Đó là những hạn chế mà chúng ta có thể và cần thiết phải khắc phục, bởi đó là vấn đề đến từ con người, từ tư duy và ý thức, trách nhiệm với lợi ích chung.
Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết định hướng, mục tiêu phát triển đặt ra cho Nghệ An trong năm 2016 này?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trọng tâm phát triển năm 2016 được xác định là nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu tổng quát đó, phải thực hiện các giải pháp cụ thể như: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, mở rộng đối ngoại, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, thực hành tiết kiệm, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng…
Một số chỉ tiêu đáng chú ý trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 như: GRDP tăng 8-9%; GDP/người đạt 30-31 triệu đồng; thu ngân sách đạt hơn 10.281 tỷ đồng; phấn đấu toàn tỉnh có thêm 30 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; giảm 2-3% tỷ lệ hộ nghèo; tạo thêm 37-38 ngàn việc làm mới…
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần quán triệt, xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình hành động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2016 ngay từ những ngày đầu năm. Trong đó, chú trọng phát huy nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và công tác thông tin truyền thông; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện. Có như vậy mới tạo được môi trường đồng thuận, nền móng vững chắc và lực đẩy mạnh mẽ để Nghệ An tạo được bước đột phá trong năm 2016, trên tinh thần thực hiện định hướng chung của Nghị quyết 26, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thục Anh