Đốt đuốc tìm chữ

05/12/2013 18:53

(Baonghean) - Đốt đuốc tới trường từ lúc gà chưa gáy và trở về khi nhà nhà đã lên đèn, đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của học sinh cấp 2 ở bản Cam, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông). Dù tình trạng này tồn tại nhiều năm nay nhưng chừng nào chưa có đường về bản thì chừng đó bao thế hệ học sinh cấp 2 ở nơi này vẫn còn phải cuốc bộ, đốt đuốc đi tìm con chữ...

(Baonghean) - Đốt đuốc tới trường từ lúc gà chưa gáy và trở về khi nhà nhà đã lên đèn, đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc của học sinh cấp 2 ở bản Cam, xã Cam Lâm (huyện Con Cuông). Dù tình trạng này tồn tại nhiều năm nay nhưng chừng nào chưa có đường về bản thì chừng đó bao thế hệ học sinh cấp 2 ở nơi này vẫn còn phải cuốc bộ, đốt đuốc đi tìm con chữ...

Để đến trường, hằng ngày 70 học sinh cấp 2 ở bản Cam phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở, đèn, đuốc và 4h30 tập trung đầu bản để cùng nhau đi học. Chưa đầy 4 giờ sáng, chúng tôi đã thấy vợ ông Trưởng bản Lô Văn Dần thức con trai đang học lớp 6 dậy đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi học. Theo chân mẹ ra bể nước, vẻ mặt còn ngái ngủ nhưng cậu học trò lớp 6 đã nhanh chóng làm mọi việc rồi tới trường.

Học sinh bản Cam (xã Cam Lâm) đốt đuốc tới trường.
Học sinh bản Cam (xã Cam Lâm - Con Cuông) đốt đuốc tới trường.

Đúng 4 giờ sáng, trong con ngõ xa xa đã nghe tiếng chó sủa và thấp thoáng những ngọn đèn pin, đuốc rồi tiếng nói lao xao của nhóm học sinh. Các em thường chờ nhau ở đầu bản khoảng 7-8 em thành một tốp rồi cùng đến trường.

Học sinh bản Cam phải học bên ngọn đèn dầu leo lét.
Học sinh bản Cam phải học bên ngọn đèn dầu leo lét.

Theo chân các em đến lớp, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả trên đường đi tìm con chữ của những cô, cậu học trò nơi này. Nhà nào có điều kiện thì các em được dùng những chiếc đèn pin, còn không đều phải dùng những cây nứa dài và khô để làm đuốc soi đường. Thường thì những em nam sẽ cầm đuốc đi trước dẫn đường, còn các bạn nữ nối gót theo sau. Có lúc giữa đường đuốc tắt hoặc hết đuốc, tất cả đều phải dừng lại để tìm nứa ven đường, thắp đuốc rồi đi tiếp.

Quãng đường đất khá dài, lại toàn dốc cao và bị mưa xói thành từng rãnh lớn nên cứ qua 1 đến 2 con dốc các em phải dừng lại để nghỉ chân, đem cơm nắm, sắn, khoai tranh thủ ăn sáng. Em Vi Thị Anh, bản Cam chia sẻ: “Bữa ni trời ráo, đường khô đi còn dễ chứ trời mưa, đường trơn trượt bị ngã, bẩn hết quần áo là chuyện thường”. Liên tục vượt 5 cây số đường đất, dốc cao các em phải nghỉ 3 đến 4 lần, vừa đi vừa nhặt nứa bên đường làm đuốc. Tiếng cười nói râm ran, sự hồn nhiên tươi vui của các em như làm tan đi cái mệt mỏi, gian nan của hành trình đi tìm chữ.

Hết đường dốc cao, trơn trượt các em còn phải vượt qua được khe Xì Vàng và đi thêm 3 cây số nữa mới tới được trường. Khe Xì Vàng rộng tầm 100m nhưng nước khá sâu, lại chảy xiết nên vượt qua đó là điều không dễ dàng. Những đợt mưa to, nước dâng cao, chảy xiết thì học sinh cấp 2 ở bản Cam đành phải nghỉ học cả tuần liền.

Gần 4 năm qua, từ khi bến bè của ông Lang Văn Mày đi vào hoạt động, việc đi lại của bà con bản Cam cũng như học sinh trở nên thuận tiện hơn. Tới bến bè lúc trời vừa hửng sáng, các em tự lên bè, từ từ thả ròng rọc kéo bè đưa các bạn qua khe rồi quay sang đón các bạn còn lại. Em Hồ Thị Hồng (học sinh lớp 8A, THCS Cam Lâm) chia sẻ: “Ngày trước khi chưa có bè đến đây là bọn em xắn quần lựa dòng nước cạn rồi dắt tay nhau lội qua, còn khi nước to quá muốn sang được khe thì phải bơi, có hôm sang khỏi khe thì quần áo, sách vở bị ướt sũng”.

“Đường đến trường quá xa, đi lại khó khăn, vất vả, với những học sinh dân tộc thiểu số ở bản Cam heo hút, xa xôi này để theo học được đầy đủ và lên lớp đã là một kỳ tích chứ đừng hỏi gì đến thành tích học tập cao. Dù vậy, vẫn có 1/3 số cháu học cấp 2 là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Hiện giờ, bản có 1 cháu học đại học…”, ông Lò Văn Dần, Trưởng bản Cam cho biết. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Trọng Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Cam Lâm trăn trở: “Các em còn nhỏ, đường đến trường quá xa, vất vả nhất là mùa lạnh nếu học cả ngày các em phải đùm cơm đi từ tinh mơ tới tối mịt mới trở về nhà. Tuy nhà trường có chế độ bán trú song cũng chỉ là giúp được phần nào cho học sinh nhưng về lâu dài Ban Giám hiệu nhà trường đang tìm nguồn vốn để xây dựng nhà bán trú để 80 học sinh (70 học sinh ở bản Cam, 10 học sinh ở bản Sơn) đang học tại trường vào ở. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí, nếu xây dựng nhà bán trú cho 80 học sinh trên cần kinh phí khoảng 500 triệu đồng cho 8 phòng ở, trong khi đó, Cam Lâm là một xã khó khăn nên đó là một số tiền không nhỏ”.

Bản Cam là nơi xa xôi, khó khăn nhất của xã Cam Lâm. Toàn bản có tất cả 130 hộ người Thái với 671 khẩu (trong đó có 75 hộ nghèo), đời sống của bà con chủ yếu là đi rừng, làm nương rẫy nên hầu hết việc chăm lo việc học cho con em còn rất hạn chế. Để đường đến trường bớt khó khăn, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền và của toàn xã hội.

Duy Ngợi – Hoàng Việt

Mới nhất
x
Đốt đuốc tìm chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO