Đốt nhiều tiền cho hàng mã liệu có trọn chữ hiếu !

30/08/2012 19:14

- Ngày Lễ Vu lan - ngày con cháu báo hiếu với cha mẹ, ông bà đã khuất. Theo phong tục ngàn đời của người dân Việt Nam, dù sang hay hèn, đến ngày rằm tháng 7 con cháu đều sắm sửa lễ để tưởng nhớ công đức cha mẹ ông bà tổ tiên. Vì thế mà người người, nhà nhà đổ xô đi mua sắm vật lễ đồ dùng cho người đã khuất.

(Baonghean.vn) - Ngày Lễ Vu lan - ngày con cháu báo hiếu với cha mẹ, ông bà đã khuất. Theo phong tục ngàn đời của người dân Việt Nam, dù sang hay hèn, đến ngày rằm tháng 7 con cháu đều sắm sửa lễ để tưởng nhớ công đức cha mẹ ông bà tổ tiên. Vì thế mà người người, nhà nhà đổ xô đi mua sắm vật lễ đồ dùng cho người đã khuất.

Hàng mã cũng tiền triệu !

Một cỗ lễ cung tiến lên ông bà cha mẹ được làm bằng giấy, giản dị cũng là vài bộ quần áo, vài cỗ tiền vàng, sang hơn thì thêm “ngôi nhà”, “con xe” cho ông bà đỡ vất vả. Những cỗ đơn giản chỉ 50 - 60 ngàn đồng, gọi là “lễ bạc lòng thành”, nhiều người cảm thấy vậy là đã chu đáo, ông bà cha mẹ có linh thiêng thì chứng giám cho con cháu. Thế nhưng khi dạo quanh các chợ truyền thống như chợ Vinh tôi bắt gặp những chiếc xe xích lô chở những “ngôi biệt thự” đồ sộ, những chiếc “xe ô tô hạng sang”, những con ngựa vàng, trắng, xanh được trang trí cầu kỳ, rực rỡ. Hỏi ra mới biết đó chỉ là cỗ lễ của một nhà giàu nào đó, người vận chuyển không tiện thông tin cho tôi, và tôi chỉ kịp biết toàn bộ số lễ vật ấy lên tới... 8 triệu đồng !

Việc chi quá lớn trong việc đốt hàng mã liệu có thực sự cần thiết?

Hàng mã vô cùng phong phú với đủ chủng loại. Từ những đồ truyền thống như ngựa, thuyền rồng, hài, hia,.. hàng mã giờ có đầy đủ đồ hiện đại như nồi cơm điện, đầu kỹ thuật số, bếp gas, lò vi sóng, máy giặt, điều hòa… ngoài tiền "đôla âm phủ" giờ đã có tiền mệnh giá 500 nghìn đồng, trông y như thật, chỉ khác một chút hoa văn và cũng rất nhiều mức giá khác nhau. Riêng về các loại tiền vàng cũng có giá cả vô cùng phong phú: một đĩa tiền vàng loại rẻ chỉ có giá 2.000 đ, thế nhưng một đinh tiền vàng gồm tiền giấy âm phủ, đô la âm phủ, đôla Mỹ, tiền 500.000 VNĐ có giá lên tới 40.000 đ, chưa kể vàng lá, vàng thỏi được đóng riêng. Mỗi một bộ quần áo trung bình giá khoảng từ 20 đến 30 nghìn, có đủ các loại váy công sở, quần bò... Bếp gas, nồi cơm điện cũng tầm 20 – 40 nghìn. Một ông ngựa nhỏ giá tầm 20 – 30 nghìn, ngựa to từ 60 – 80 nghìn. Xe máy loại bình thường từ 70 – 100 nghìn, có loại mẫu mã mới hơn, đẹp hơn thì 150 nghìn. Nhưng bên cạnh đó, cũng có loại xe máy làm đơn giản với khung hình nhỏ thì chỉ khoảng 20 – 40 nghìn. Giá xe ô tô lại càng đắt nữa, mỗi chiếc giá từ 150 – 300 nghìn (tùy từng loại). Nhà ở cũng vậy, cũng có cái chỉ trên dưới 200 nghìn, nhưng loại nhà làm theo kiểu nhà lầu, biệt thự lớn thì giá lại không hề rẻ, có những cái lên tới vài triệu. Hàng mã cũng có loại trọn bộ đầy đủ gần hết các vật dụng cần thiết trong nhà như giường, tủ, bàn ghế, bát đũa, ấm chén… Mua trọn bộ rẻ hơn mua lặt vặt từng thứ, chỉ khoảng 300 – 600 nghìn/bộ. Có những bộ nhỏ gồm điện thoại, gương lược chỉ tầm 30 nghìn… Nghĩa là người dân có mức tiền ra sao thì sắm hàng mã như thế, có đủ mẫu mã, giá cả cho khách hàng lựa chọn!

Khi được hỏi về “Nhà sản xuất”, đa số các tiểu thương đều từ chối tiết lộ, họ chỉ nói nôm na hàng nhập ở ngoại tỉnh, nếu thích đồ gì mà tại cửa hàng chưa có, khách có thể đặt hàng, thích chất liệu gì với giá bao nhiêu họ chỉ cần alo với nhà sản xuất, chiều mai có ngay. Đúng là thời buổi “nhanh như điện”! Thế mới biết cuộc sống của người âm “sang, hèn” có lẽ nhờ vào sự thơm thảo của con cháu dương gian !

Bà Hà - một tiểu thương buôn bán hàng mã lâu năm ở chợ Vinh, cho biết: “Có lẽ do kinh tế thị trường có nhiều biến động nên năm nay không đông khách như mọi năm, nhưng từ sáng sớm đến 2h chiều tôi mới nghỉ tay ăn trưa. Một năm chỉ được vài ngày như vậy, những ngày này một mình tôi không làm hết việc, con gái phải ra phụ giúp, thôi thì ngày làm tháng ăn, phải cố chứ biết làm sao được”. Ngoài ra những người buôn bán mặt hàng có ý nghĩa tâm linh này, những ngày rằm tháng 7 được khách quen điện thoại đóng hàng, có những đơn đặt hàng lên tới chục triệu đồng. Đưa tôi xem quyển hóa đơn dày, bà Phương chợ Vinh, cho hay: “Có hơn chục đơn hàng đã đóng được đâu, từ sáng giờ 2 đứa cháu phải ra giúp mà không đủ sức để đóng hàng ”.

Một ngày trong những dịp này những người như bà Hà, bà Phương chí ít cũng có lời khoảng 2 triệu đồng. Sở dĩ các bà rất được khách hàng tín nhiệm cũng không hẳn vì là những người có thâm niên trong nghề, hơn thế họ có khả năng hướng dẫn bày lễ, soạn lễ, có khi còn tư vấn cho khách hàng cả những bài cúng.

Một ngày các tiểu thương buôn bán hàng mã thu vào 2 - 3 chục triệu tiền hàng là bình thường !

Tùy tiền biện lễ

Để đóng một cỗ lễ cho “ngày xá tội vong nhân”, có người có nhà người ta chỉ đốt vài thứ tượng trưng như tiền vàng, một ít vải vóc, quần áo. Nhưng, có người chu đáo họ cứ muốn sắm sanh từ A đến Z, gọi là “trần sao, âm vậy” nên một cỗ lễ đầy đủ mức bình thường “chỉ tốn gần vài triệu bạc thôi”, với cỗ hạng sang được đặt hàng riêng với những chất liệu “xịn” thì lên tới hàng chục triệu đồng...

Hỏi một người khách trung tuổi về ý nghĩa của những cỗ lễ này, ông cho biết: “Đã là tín ngưỡng thì phải tùy tâm, muốn ông bà mình được sung túc nơi cõi âm thì ngày rằm tháng 7 là ngày ông bà có thể nhận đủ nên tôi cứ sắm cho các cụ từ A - Z, lễ của tôi những 3 triệu, có cả ôsin cho cụ nữa đấy, nhưng thấm tháp gì so với ông bà cha mẹ mình lúc sinh thời đã chăm lo cho mình” (!). Một chị đứng cạnh, không đồng tình: “Thực ra tất cả những đồ giấy này đều do người dương chúng ta nghĩ ra, lúc ông bà, cha mẹ còn sống cứ ăn ở cho tốt là các cụ về cõi âm được sung túc. Có nhiều người, lúc cha mẹ còn sống thì cứ mắng xơi xơi giờ các cụ đã khuất thì bày vẽ báo hiếu cỗ lễ không thiếu thứ gì... thử hỏi ông bà, cha mẹ có muốn nhận không ?”

Sắm sửa đồ dùng cho những người đã khuất, để những người ruột thịt của mình nơi chín suối được no đủ, là ước nguyện và việc làm tâm linh của không ít người trong xã hội hiện đại. Những “vật dụng hữu ích” cho người âm thực ra rồi cũng thành tro bụi.

Nếu ngày rằm tháng bảy nhà nào cũng “đốt” vài trăm nghìn đồng thì cả tỉnh này đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng...

Vậy có nên “tùy tiền biện lễ” ?


Thanh Nga

Đốt nhiều tiền cho hàng mã liệu có trọn chữ hiếu !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO