Đột phá sau cổ phần hóa

(Baonghean) - Qua hơn 13 năm triển khai sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo hướng cổ phần hóa (CPH) đã chứng minh đây là hướng đi tất yếu và đúng đắn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Xí nghiệp chế biến chè Hùng Sơn (Anh Sơn) hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa. Ảnh: Công Sáng
Xí nghiệp chế biến chè Hùng Sơn (Anh Sơn) hoạt động hiệu quả sau cổ phần hóa. Ảnh: Công Sáng
Đổi mới sau cổ phần hóa
Cổ phần hóa (CPH) vừa là cơ hội tốt để phát triển, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp ngành xây dựng bởi lĩnh vực này đòi hỏi phải huy động nguồn vốn lớn của cổ đông đầu tư trang, thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng được yêu cầu sản xuất… Chính vì vậy sau khi thực hiện CPH, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
 Công ty CP 495 là doanh nghiệp được chuyển đổi từ Công ty TNHH-MTV quản lý và XDĐB 495. Nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là duy tu, sửa chữa đường bộ đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 7 từ Diễn Châu lên Cửa khẩu Nậm Cắn - Kỳ Sơn dài 127 km, Quốc lộ 48C từ Khe Bố -Tương Dương sang Thị trấn Quỳ Hợp. Từ những năm 2002-2007, công ty gặp rất nhiều khó khăn, trong khi có đến 400 cán bộ, công nhân viên, mức lương bình quân công nhân chỉ đạt trên 1,5 triệu đồng, nhiều lao động đã xin bỏ việc. Ông Lê Cảnh Hải - Giám đốc Công ty CP 495 cho biết: “Công ty thực hiện quá trình CPH từ tháng 10/2012, với vốn điều lệ 13,5 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty CP, đơn vị đối mặt với rất nhiều thách thức như thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu và phải cạnh tranh gay gắt với nhiều doanh nghiệp… Trước thực tế đó, công ty đã tổ chức đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn lại bộ máy sản xuất chỉ còn 230 người gồm 10 Hạt quản lý giao thông và 3 Đội thi công xây dựng. Đồng thời huy động vốn đầu tư mua sắm thêm các thiết bị, máy móc hiện đại như máy xúc, lật, xe ô tô vận tải, xe lu và đầu tư dây chuyền nghiền sàng đá công suất 40 tấn/giờ, trạm trộn bê tông tươi ở Anh Sơn. Với năng lực đó, đã giúp cho doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực thi công xây dựng công trình ở trong, ngoài tỉnh”. 
Sau CPH, công ty thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, sửa chữa đường bộ đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường do công ty quản lý, doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng sản xuất – kinh doanh, thi công nhiều công trình lớn. Anh Nguyễn Tất Minh – cán bộ kỹ thuật Trạm bê tông Công ty CP 495 cho biết: “ Nhờ CPH, người lao động đã thực sự gắn bó và có trách nhiệm với công ty. Mọi người làm việc có tinh thần trách nhiệm hơn với công việc và năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng và nhờ đó thu nhập cũng tăng cao. Bình quân mức lương của người lao động đạt 5,6 triệu đồng/tháng, (tăng gấp 2 lần so với trước cổ phần hóa). Cùng với việc được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, người lao động được hưởng mức lương thứ 13 và công ty còn xây dựng quỹ rủi ro trên 320 triệu đồng để hỗ trợ khi công nhân gặp sự cố về tai nạn lao động”…
CPH cũng đã “ cởi trói” và tạo đà bứt phá đi lên cho Công ty CP 479. Năm 2005, Công ty CP 479 đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình CP và với phương thức quản lý doanh nghiệp mới cùng nguồn vốn đóng góp của cổ đông,  doanh nghiệp đã từng bước củng cố, phát triển. Sau CPH, một trong những yếu tố quan trọng giúp đơn vị khẳng định vị trí quan trọng trong lĩnh vực thi công công trình cầu, đường tại Việt Nam là đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ. Thành công của Công ty CP 479, là doanh nghiệp đã biết nắm bắt và phát huy được lợi thế từ CPH. Chính vì vậy, từ một đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian qua doanh nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng từ 18 – 25%/năm và trong năm 2013 công ty đạt giá trị sản lượng gần 500 tỷ đồng. Năm 2014, công ty đang tập trung thi công một số công trình giá trị sản lượng khoảng 560 tỷ đồng. Ông Dương Hồng Bé – Chủ tịch HĐQT Công ty CP 479 cho biết: “Với quyết tâm tạo được lợi thế trong lĩnh vực xây dựng các công trình cầu, đường, thời gian qua đơn vị đã chú trọng việc đầu tư thiết bị và đổi mới công nghệ. Chỉ trong 5 năm qua, đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng (trong tổng số gần 192 tỷ đồng nguyên giá TSCĐ) để mua  22 cần cẩu từ 20 – 80 tấn, 14 giàn khoan cọc nhồi các loại, trạm trộn bê tông tươi, 8 máy bơm bê tông, 4 bộ xe đúc hẫng cân bằng, 2 giá búa đóng cọc, 5 bệ nổi và nhiều thiết bị có giá trị khác”.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Công ty CP VTNN Nghệ An luôn được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong nộp ngân sách cho tỉnh. Những kết quả có được như ngày hôm nay chính là việc thực hiện CPH doanh nghiệp đã được triển khai rất có hiệu quả. Tổng Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An tiền thân là Công ty Tư liệu sản xuất Nghệ An . Trước đó, khi chưa CPH, Công ty gặp rất nhiều khó khăn: vốn ít hơn công nợ, phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay ngân hàng; cơ sở vật chất - kỹ thuật, năng lực cán bộ, trình độ chuyên môn của công nhân viên đều chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2005, công ty tiến hành thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo hướng CPH. Để chuẩn bị cho công tác CPH, công ty đã chuẩn bị tích luỹ vốn ban đầu cho công nhân viên chức từ năm 2002; trích một phần thu nhập hàng tháng và tiền thưởng hàng năm, công nhân viên chức đã góp vốn tại chỗ đến thời điểm cổ phần hoá là 15 tỷ đồng.
Với nền tài chính lành mạnh và tiền mua cổ phần được chuẩn bị trước nên việc thực hiện CPH công ty chỉ trong 2 tháng, nhanh và chất lượng nhất trong các doanh nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, 100% công nhân viên chức đều được mua cổ phần. Đến năm 2008, công ty tiến hành thoái vốn nhà nước.  Sau 9 năm thực hiện CPH, hoạt động của công ty không ngừng được nâng cao. Vốn điều lệ của công ty từ 17 tỷ đồng nay tăng lên 250 tỷ đồng; doanh thu từ 250 tỷ đồng nay tăng lên 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm từ 25-35 tỷ đồng, đời sống của người lao động được nâng cao . Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Trước khi CPH, công ty đã tiến hành khoán cho các đơn vị nên đã tạo được tâm lý chủ động, không ỷ lại  theo tư tưởng bao cấp. Từ đây, tạo cho người lao động có nhận thực tốt về cơ chế thị trường. CPH còn tạo sự chủ động cho người đứng đầu và gắn trách nhiệm để xây dựng công ty ngày càng phát triển.
Cơ hội để sàng lọc 
Có thể nói, CPH là hướng đi đúng đắn đối với các DNNN. Không chỉ Công ty CP Vật tư NN, Công ty CP Giấy Sông Lam kể từ năm 2004, khi tiến hành CPH đã đánh dấu một bước phát triển toàn diện. Trước khi CPH, vốn điều lệ của công ty là 2 tỷ đồng nhưng đang còn nợ và sau 2 năm mới trả hết. Đến nay, vốn điều lệ của công ty đã được nâng lên là 30 tỷ đồng, doanh thu 1 năm khoảng 100 tỷ đồng, nộp ngân sách cho Nhà nước khoảng 10 tỷ đồng. Nhờ quá trình CPH mà bộ máy tổ chức của công ty hoạt động có hiệu quả hơn bằng việc chủ động tiếp cận với các đối tác, tìm nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất. Ông Hoàng Phùng, Giám đốc  công ty cho biết: Nếu không CPH thì hoạt động của công ty sẽ không đạt được những kết quả cao như ngày hôm nay. Đây là điều kiện, nền tảng vững chắc để công ty chủ động, tiếp cận với cơ chế thị trường. 
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Phân bón Sao Vàng (Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Phân bón Sao Vàng (Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An).
Tuy nhiên, một số DN  một thời "hoàng kim", nhưng sau CPH không phát triển được  mà  bị mờ nhạt hình ảnh, như: Công ty CP Xi măng VLXD Cầu Đước, Công ty CP Du lịch, Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển miền núi,  Công ty CP Da Vinh, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu súc sản... Qua hơn 7 năm thực hiện CPH, Công ty CP Thương mại và Đầu tư phát triển miền núi gặp rất nhiều khó khăn và hoạt động cầm chừng. Trước khi CPH, công ty được đánh giá là một trong những đơn vị có tiếng và làm ăn có lãi được tỉnh đánh giá cao. Tuy nhiên, đến năm 2010, khi doanh nghiệp tiến hành CPH thì vẫn đang còn một số công nợ chưa được thanh toán do quá trình liên doanh với 1 doanh nghiệp ở Hà Nội.
Đây là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Do công ty gặp khó khăn trong tài chính cộng với thời điểm kinh tế thế giới cũng như trong nước rơi vào khủng hoảng nên hoạt động kinh doanh của công ty không hiệu quả. Hiện công ty đang còn nợ xấu, trong khi tài sản thế chấp không có nên nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, sau hơn 7 năm CPH, vốn hoạt động của công ty vẫn đang dậm chân tại chỗ với hơn 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận  hàng năm chỉ đạt từ 150 - 200 triệu đồng. 
Thực tế đã chứng minh, việc thực hiện chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình CPH, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công cầu, đường bộ đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, có những doanh nghiệp tạo được sự phát triển “ đột phá” trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây lắp sau CPH lại làm ăn thua lỗ, nợ thuế, nợ bảo hiểm, bị dừng hóa đơn thuế. Điều đó cho thấy chữ tín trong làm ăn và năng lực thi công của các DN là điều kiện để các DN tồn tại và phát triển. 
Ông Võ Hồng Dương, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp sau khi CPH đều khẳng định kết quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp tốt hơn nhiều so với trước khi cổ phần hoá. Những DN còn lại không phát huy được là do tổ chức bộ máy quản lý và hệ thống kinh doanh của DN chưa được đổi mới, phương thức quản trị, điều hành chậm thay đổi, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao... Việc sắp xếp, đổi mới tại một số DN mới chỉ mang tính chất “bình mới rượu cũ”. 
Đến nay, tỉnh vẫn còn 26 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu. Trong đó có 7 doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực thủy nông, môi trường hàng năm được Nhà nước giao kế hoạch, còn lại là các nông, lâm trường quốc doanh. Theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 thì 20 doanh nghiệp - chủ yếu là các công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp tục duy trì hình thức Nhà nước sở hữu 100% vốn. Hiện nay, UBND tỉnh đang thực hiện các thủ tục để tiến hành góp toàn bộ vốn và tài sản trên đất tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con để cùng Công ty Mía đường Sông Con thành lập Công ty TNHH 2 thành viên Nông, công nghiệp Sông Con. Còn 6 doanh nghiệp phải thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm các Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An, Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thái Hòa và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An. 
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 nội dung. Cùng với đẩy mạnh tiến trình CPH tại 6 doanh nghiệp và cố gắng hoàn thành vào năm 2014, chậm nhất là năm 2015, sẽ tiến hành thoái vốn tại những doanh nghiệp không cần vốn Nhà nước. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TƯ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Hiện UBND tỉnh đang chờ Chính phủ ban hành chương trình hành động để thực hiện. 
Trong hơn 13 qua, Nghệ An đã cơ bản hoàn thành đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý do chính phủ phê duyệt. 167 doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp, chuyển đổi hình thức sở hữu. Trong đó cổ phần hóa 86 DN, giao bán khoán 6 DN, giải thể 6 DN, sáp nhập 40 DN, phá sản 2 DN, chuyển công ty 2 thành viên 1 DN, và chuyển đổi thành công ty TNHH MTV 26 DN. Sau khi chuyển đổi, phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả, nhất là các DN chuyển đổi sang hình thức cổ phần hóa. Vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động tăng. Tổng doanh thu 112 doanh nghiệp tiến hành CPH và công ty MTV đạt hơn 5.078.509 triệu đồng; lãi trước thuế 78.734 triệu đồng, nộp ngân sách đạt 354.556 triệu đồng. 
Nhóm P.V Kinh tế

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.